Vừa qua, dân mạng đã được dịp "dậy sóng" vì một cách viết mới cho chữ Tiếng Việt do PGS-TS Bùi Hiền đề xuất. Theo cách viết này, PGS-TS cho rằng người Việt sẽ tiết kiệm số trang, thời gian viết đáng kể. Cụ thể, Tiếng Việt sẽ chỉ còn 31 chữ cái (thay vì 38 đơn vị như hiện nay) biểu thị đúng 31 âm vị của Tiếng Việt. Cách thay đổi có thể ví dụ như sau:
"Luật Giáo Dục" được đổi thành "Luật Záo Zụk"
"Ngôn ngữ" được đổi thành "Qôn qữ"
"Tiếng Việt" được đổi thành "Tiếq Việt"
"Nhà nước" được đổi thành "N'à nướk"
"Dân tộc" được đổi thành "zân tộk"
"Thiểu số" được đổi thành "wiểu số"
Trước nhiều thông tin đa dạng, nhiều chiều, nhiều bạn trẻ cũng đã chia sẻ ý kiến của mình về cuộc "cải cách tiếng Việt" này. Dưới đây là một số quan điểm Hoa Học Trò Online tổng hợp được từ bạn đọc.
![]() |
"Mình không nghĩ đó là giải pháp hay, vì bảng chữ Quốc ngữ hiện tại thể hiện được "tr, ch" và nhiều âm vị khác, mang tính phân hóa cao hơn, dễ phân biệt hơn. Thử hỏi nếu "tr, ch" cùng thay bằng "c" thì sẽ khó khăn như thế nào cho chúng ta khi học, nhất là với trẻ em. Chưa kể khi thay đổi, mình có cảm giác như con chữ bị mất cảm xúc biểu đạt đi ấy, cả sự phong phú nữa. Nói chung là không nên." - Trần Hoàng, ĐH Sư phạm Kĩ thuật TP.HCM.
![]() |
"Mình thì từ bé đến giờ không đọc được teencode, mà mình thấy cách cải tiến này cứ giống teencode thế nào ấy, thành ra rất khó cho mình trong việc tiếp nhận. Nhưng mình thiết nghĩ, một PGS - TS đề xuất bảng chữ Tiếng Việt mới này thì phải có ưu điểm của nó, chúng ta không nên vì bất kì điều gì mà có những bình luận, lời nói không phải phép với một người lớn tuổi đáng kính." - Nguyễn Bình Nhiên, ĐH KHXH&NV TP.HCM.
"Em cũng có nghe loáng thoáng việc này, rồi cũng xem bảng quy đổi chữ. Em không đồng ý lắm, vì những lí do như để thuận tiện hơn, giảm bớt số chữ... thì không thuyết phục. Điều này làm mất cốt lõi tinh túy của chữ Quốc ngữ, nhìn con chữ chẳng có trật tự gì, không thống nhất và còn mất thẩm mĩ nữa. Đây là ý kiến riêng của em thôi, vì em cũng chỉ mới biết qua Internet, có lẽ phải có một lí do nào đó sâu xa hơn cho sự ra đời chữ viết mới này." - Bích Ngọc, lớp 10 CV, THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM.
"Mình thì trung lập. Theo mình nghĩ, ưu điểm là chữ viết mới sẽ tiết kiệm thời gian, nhanh, hiện đại; nhưng khuyết điểm là nó khó để tiếp nhận, vì chữ viết bình thường đã ăn sâu rồi, chưa kể hội nhập theo kiểu này làm mất bản sắc văn hóa lắm." - Tiên Vy, ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM.
"Theo mình thì không nên vì cải tiến xong thì như kiểu học lại luôn ấy, vậy ai cũng bắt đầu từ con số 0, ai sẽ dạy ai, ai sẽ học ai? Điều này làm mất thời gian mà hiệu quả chưa chắc như ý muốn nữa." - Quang Thiện, TP.HCM
ÁNH NGUYỆT (thực hiện)