Sau mùa thi năm nay, kỳ thi THPT quốc gia sẽ thay đổi ra sao?

Sau mùa thi năm nay, kỳ thi THPT quốc gia sẽ thay đổi ra sao?
HHT - Hôm qua 30/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cùng đại diện các cục, vụ chức năng đã lắng nghe góp ý của các chuyên gia và đại diện các tầng lớp khác nhau về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Sẽ chấm tập trung các môn thi trắc nghiệm?

Việc thực hiện kỳ thi THPT quốc gia vẫn theo một lộ trình đã được vạch ra từ năm 2014 là duy trì tổ chức tại các địa phương đến năm 2020. Những thay đổi sẽ bắt đầu từ năm 2021, với việc thành lập 2 trung tâm khảo thí độc lập. Khi đó, hai trung tâm này sẽ đứng ra tổ chức cho học sinh cả nước dự thi, với nhiều đợt trong năm, và thí sinh làm bài trên máy tính.

Chia sẻ với Thanh Niên, tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, một khách mời cuộc thảo luận nói trên, cho biết qua diễn biến của ngày làm việc hôm qua, kỳ thi THPT quốc gia những năm sắp tới sẽ có 3 thay đổi cơ bản sau: Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức chấm trắc nghiệm tập trung, theo cụm; tỷ trọng điểm học bạ trong tính điểm xét tốt nghiệp sẽ thấp hơn.

Ông Tùng nói: “Một số chuyên gia góp ý, trong trường hợp việc thi vẫn do các địa phương tổ chức thì vẫn phải có sự phối hợp của các trường ĐH như năm nay. Nhưng phải kéo dài thời gian làm nhiệm vụ của các giám thị coi thi. Sau khi thi xong, giám thị của cả hai bên (địa phương và trường ĐH) sẽ phải ở lại thêm cho đến khi tất cả dữ liệu bài thi, kể cả môn văn, được quét xong (thành ảnh) chuyển về Bộ GD-ĐT. Bộ phải quản lý tất cả kho dữ liệu đó, và Bộ cũng phải là đơn vị đứng ra tổ chức chấm thi. Nguyên tắc chấm là phải làm phách, kể cả phiếu trả lời bài thi trắc nghiệm (máy sẽ làm phách chứ không phải con người xử lý bằng phương pháp thủ công).

Sau mùa thi năm nay, kỳ thi THPT quốc gia sẽ thay đổi ra sao? ảnh 1

Thí sinh tại TP.HCM tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2018. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, một trong số các đại biểu tham gia cuộc thảo luận trên, cho PV biết nhiều ý kiến cũng đề nghị sẽ phải rà soát tất cả các khâu của kỳ thi để phòng gian lận. Bài thi trắc nghiệm có rọc phách không? Nên chấm tập trung bài thi trắc nghiệm theo cụm ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề xuất lắp camera ở phòng thi để đề phòng gian lận. Việc thi trên máy và chấm ngay trên máy cũng là giải pháp được lãnh đạo Bộ GD-ĐT đưa ra để bàn luận. “Tuy nhiên, thi trên máy cũng phải tính đến những yếu tố rủi ro vì trục trặc máy móc, đường truyền, kỹ thuật...”, ông Thuyết nhấn mạnh.

Xác định lại mục tiêu kỳ thi để có đề thi phù hợp

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, ý kiến của các chuyên gia đều tập trung vào việc phải xác định lại tính chất của kỳ thi này cho đúng. Chúng ta vẫn quen gọi đây là kỳ thi “2 trong 1” và trên thực tế thì việc ra đề thi cũng là để phục vụ hai mục tiêu. Chính vì hai mục tiêu đó nên hôm nay nhiều ý kiến cũng chỉ ra rằng, vì mục tiêu vào ĐH nên dễ xảy ra gian lận, tiêu cực. Do vậy, nên xác định mục tiêu này cho đúng là thi để xét tốt nghiệp THPT.

Còn các trường ĐH thì có quyền sử dụng kết quả của kỳ thi này hoặc sử dụng kết quả đó và bổ sung các hình thức đánh giá khác để tuyển sinh cho phù hợp. “Biện pháp trước mắt thì theo tinh thần của của cuộc tọa đàm hôm nay và ý kiến cá nhân tôi thì chắc phải duy trì kỳ thi này cho đến hết năm 2020, đến năm 2021 khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới lên đến cấp THPT thì việc đổi mới hoàn toàn về cách thi là cần thiết.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh đây là kỳ thi để phục vụ xét tốt nghiệp THPT từ năm 2019 và các trường ĐH phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để có phương án tuyển sinh của mình thì mới kịp được. Quyền chủ động tuyển sinh rất phù hợp với luật Giáo dục đại học hiện hành”, GS Thuyết nói, rồi nhận xét thêm: “Đề thi của kỳ thi với mục tiêu rõ ràng là thi phục vụ tốt nghiệp THPT sẽ phải thay đổi, không nên quá khó để phục vụ tuyển sinh cho một số trường top đầu như hiện nay”.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng cũng chia sẻ, điều quan trọng là phải xác định đúng mục tiêu. Chẳng hạn, nếu đã đặt mục tiêu là kỳ thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT thì không đặt mục tiêu đề phải phân hóa.

Một đại biểu khác có mặt trong cuộc thảo luận nói: “Đa số ý kiến tại cuộc họp hôm nay cho rằng với đề thi như vừa rồi là kỳ thi đại học. Bộ GD-ĐT nói mục đích chính là xét tốt nghiệp, nhưng đề lại là thi ĐH. Và vì ai cũng hiểu là đó là thi ĐH nên mới có chuyện “chạy điểm””.

Theo THANH NIÊN ONLINE
MỚI - NÓNG
Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" đến với các địa danh lịch sử tại Yên Bái
Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" đến với các địa danh lịch sử tại Yên Bái
Ngày 24/4, sau Lễ xuất quân Hành trình "Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông" năm 2024 tại Hà Nội, đoàn hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi" tuyến số 2 do đồng chí Ngô Văn Cương - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra T.Ư Đoàn làm trưởng đoàn đã khởi hành tới các địa danh lịch sử gắn với Chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Có thể bạn quan tâm

Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?

Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?

HHT - Nắng nóng sẽ diễn ra tại hầu hết các địa phương trên cả nước trong dịp nghỉ lễ, nếu có kế hoạch du lịch, vui chơi ngoài trời cần chú ý bảo vệ sức khỏe, tăng cường chống nắng tránh nguy cơ say nóng, đột quỵ. Thế nhưng liệu Hà Nội có nóng tới tận 41 độ C như dự báo của các ứng dụng thời tiết?