Theo thông báo từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), đội ngũ giao hàng sẽ được hoạt động trong khung giờ 6h đến 18h hằng ngày để vận chuyển hàng hóa thiết yếu liên quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Các shipper phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch bệnh và có các đặc điểm nhận diện mới được giao hàng liên quận, huyện trong thời gian này.
Các ứng dụng như Grab, Gojek, Baemin, AhaMove cũng đã gửi thông báo đến người dùng có thể đặt dịch vụ đi chợ hộ, giao lương thực hoặc các mặt hàng thiết yếu liên quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Ứng dụng giao hàng gửi thông báo cho người dùng tại TP.HCM. |
Các ứng dụng cũng nêu rõ khung giờ được giao hàng thiết yếu trong thời gian thành phố tiếp tục giãn cách xã hội. |
Trước thông tin các shipper được giao hàng thiết yếu liên liên quận, huyện và thành phố Thủ Đức, bạn Mai Lê (Quận Bình Thạnh) cho biết sẽ dễ dàng đặt những mặt hàng không thể mua được do siêu thị gần nhà không có. Tuy nhiên, cô bạn cũng tuân thủ việc tự bảo vệ sức khỏe bản thân trong thời gian này bằng việc thanh toán online và hạn chế tiếp xúc gần với shipper: "Minh sẽ dặn đặt hàng ở ghế đá trước nhà, đợi shipper đi rồi mới ra lấy". Bạn Mai Lê cũng cẩn thận khử khuẩn hàng hóa bằng cách xịt cồn, đeo găng tay y tế khi nhận hàng.
Khử khuẩn hàng hóa bằng cồn trước khi mang vào nhà. (Ảnh: Mai Lê) |
Bạn Nguyễn Lâm (Quận Tân Bình) hài hước cho biết "shipper là nguồn sống của mình" vì gần 2 tháng nay đã hạn chế ra đường: "Giờ được giao hàng liên quận cũng đỡ lo khoản đặt mua lương thực hơn. Mấy nay shipper vẫn chạy nhưng chỉ là trong quận thôi, như vậy hơi khó khăn vì có nhiều địa bàn quận không có nhiều shipper".
Để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh nên chọn thanh toán online và dặn shipper đặt hàng trước nhà. (Ảnh: Nguyễn Lâm) |
Do nhà có trẻ nhỏ nên Nguyễn Lâm tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến cáo khi nhận hàng từ shipper để phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh. Cô bạn cũng chọn hình thức thanh toán online, khử khuẩn hàng vừa nhận bằng cồn và đợi khoảng 30 phút mới mở. "Nếu những món buộc phải trả tiền mặt, mình nên chuẩn bi đủ số tiền trước để shipper khỏi phải thối tiền. Mình cũng đặt tiền sẵn ở cửa, tránh tiếp xúc gần lúc nhận hàng", Nguyễn Lâm chia sẻ.
Bạn Vương Trinh (TP. Thủ Đức) cho biết chỉ đặt hàng hay sử dụng dịch vụ đi chợ hộ khi thật sự cần thiết: "Nhà mình có người lớn tuổi nên khi nhận hàng đều phải khử khuẩn rất kỹ. Mình thường mua thực phẩm đủ dùng trong khoảng một tuần và tránh việc đặt hàng nhiều lần để hạn chế tiếp xúc với shipper".