Những đợt nắng nóng đang phủ khắp nhiều nước châu Á, khiến người ta hoặc phải chịu nóng rất mệt, hoặc phải chịu tốn tiền điện - cũng mệt nốt.
Trước cảnh nóng bức như vậy, một nam sinh viên tên là Daniel ở Malaysia đã nghĩ ra một cách rất sáng tạo: Tự chế máy điều hòa cho phòng mình với những vật liệu rất rẻ và khi dùng cũng không tốn nhiều điện. Hướng dẫn làm “máy điều hòa” mà Daniel gọi là “điều hòa tự chế cho sinh viên” đã nhanh chóng được xem đến hơn 3,2 triệu lượt với hơn 265.000 lượt thích. Rất nhiều người thích thú cách làm này, khen ngợi Daniel thật thông minh và họ nói cũng sẽ làm một chiếc cho phòng của mình.
Nam sinh viên này đã làm hẳn 2 chiếc "điều hòa". Ảnh: Daniel. |
Khi trang tin mStar của Malaysia phỏng vấn, Daniel nói: “Mỗi tối khi đi ngủ, tôi và các bạn cùng phòng đều thấy rất nóng. Nên tôi nghĩ ra cách làm “máy điều hòa” thế này. Với một căn phòng nhỏ thì nó thực sự giúp mát hơn rất nhiều, có khi còn hơi lạnh nữa”. Mà theo Daniel, chi phí để làm điều hòa chỉ là 30 ringgit (khoảng 152.000 đồng).
Để làm “điều hòa” như của Daniel, bạn cần: Một cái quạt điện; một thùng xốp (loại để đựng đá, giữ lạnh); đá viên; 2 cái chai nhựa cắt bỏ phần đầu và đuôi; một ít muối.
Đá vụn ở trong thùng xốp. Ảnh: Daniel. |
Cách làm là: Khoét một cái lỗ trên nắp thùng xốp. Khoét 2 lỗ ở một bên vách thùng xốp, sao cho vừa đủ để đưa 2 cái chai đã cắt vào. Cho đá vào thùng xốp, rắc thêm ít muối. Đậy nắp thùng xốp (đã khoét lỗ) và đặt một cái quạt áp vào cái nắp đó - tức là quạt sẽ úp “mặt” xuống nắp thùng xốp, bạn cần kê cho chắc để quạt không bị đổ, hướng bên thùng có 2 cái chai về phía mình. Khi bật quạt, không khí lạnh (do đá viên) sẽ thoát ra qua 2 “đường ống” ở bên vách của thùng xốp (là 2 cái chai).
Daniel cho biết, khi thêm muối vào thì đá lâu tan hơn một chút, và “điều hòa” chạy mỗi lần được 2 - 3 tiếng. Anh dự định đi mua đá khô để “điều hòa” chạy được lâu hơn.
Kê cái quạt úp "mặt" vào nắp thùng xốp (đã khoét lỗ), tạo thành "máy điều hòa" đơn giản. Ảnh: Daniel. |
Vì rất nhiều người đã xem hướng dẫn của Daniel nên anh khuyên rằng mỗi người nên cân nhắc khả năng của mình trước khi làm, nếu ai không chắc chắn (ví dụ, không khéo tay khi khoét các lỗ hoặc cắt cái chai, không biết kê quạt…) thì nên nhờ người đáng tin cậy để làm chứ đừng làm cẩu thả, có thể gây nguy hiểm.