Chuỗi sự kiện bao gồm các hoạt động: Hội thảo Trường học Mùa hè (Summer School), Triển lãm sản phẩm IoT và Chung kết cuộc thi IoT (IoT Showcase Contest).

Summer School với 4 bài trình bày chuyên sâu từ 3 giáo sư và diễn giả uy tín
Trong khuôn khổ hội thảo Trường học mùa hè, các bài trình bày chuyên sâu của các giáo sư và chuyên gia hàng đầu về IoT đã thu hút các chuyên gia trong ngành, những sinh viên đang học và những người làm việc trong lĩnh vực liên quan đến IoT đến trực tiếp lắng nghe. Đây cũng là cơ hội giúp cộng đồng IoT được trao đổi những thông tin giá trị với các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam và quốc tế.
Nhiều kiến thức chuyên ngành hấp dẫn đã được các diễn giả chia sẻ tại hội thảo. Tiêu biểu như Phó Giáo sư – Tiến sỹ Mohd Fadzil Hassan - nhà khoa học có hơn 100 công trình nghiên cứu quốc tế, tới từ Đại học Công nghệ Petronas (UTP) với mô hình điện toán sương mù. Theo ông, điện toán sương mù được ứng dụng và đem lại hiệu quả rất tốt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Ông cũng có một bài trình bày về chủ đề IoT - Thực tại & xu hướng tương lai, đưa ra những thống kê về hiện trạng và xu hướng IoT tại một số quốc gia Đông Nam Á. Trong đó ở Việt Nam, IoT được ứng dụng mạnh mẽ nhất trong giao thông, dịch vụ công cộng và nông nghiệp.
Bên canh đó, Giáo sư – Tiến Sỹ Hsiang-Chen Wang - nhà khoa học có 12 bằng sáng chế tại Mỹ, tới từ Đại học quốc gia Chung Cheng (CCU - Đài Loan) cũng tham gia hội thảo với bài trình bày về “Nhận dạng vật liệu hai chiều và ứng dụng trong xử lý ảnh y tế bằng trí tuệ nhân tạo”. Chuyên gia trong lĩnh vực IoT Nguyễn Đình Mạnh Linh cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong bài thuyết trình với chủ đề rất thiết thực dành cho các bạn sinh viên "Tự học AI và IoT trong thời kỳ 4.0 cho các bạn trẻ".


Chung kết bất ngờ bởi tính ứng dụng của 13 sản phẩm IoT "cộp mác" sinh viên
Bên cạnh đó, vòng chung kết cuộc thi IoT đầy hấp dẫn đã được diễn ra đầy gay cấn với 13 đội thi sinh viên đến từ 3 quốc gia: Việt Nam, Ấn Độ và Maylaysia. Các nhóm được trưng bày triển lãm sản phẩm, thuyết trình về sản phẩm và chạy thử sản phẩm do nhóm nghiên cứu và phát triển dưới sự hướng dẫn của giảng viên.

Được biết, tất cả các sản phẩm lọt vào vòng chung kết của cuộc thi đều là những sản phẩm IoT xuất sắc do sinh viên thực hiện và vượt qua quá trình thử thách dài hai tháng với các vòng thi trước đó: thẩm định đề án, nộp sản phẩm demo, thi đấu sơ loại. Dù IoT là một lĩnh vực khó, nhưng những nhà nghiên cứu đến từ trường THPT, Đại học vẫn hoàn thành rất tốt các sản phẩm của mình.

Các sản phẩm lọt vào vòng chung kết Iot Showcase Contest được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao về tính sáng tạo và mức độ ứng dụng trong thực tế. Chẳng hạn sản phẩm Trợ lý Tại gia (Home Assisstant) của nhóm học sinh THPT FPT Đà Nẵng, tích hợp các chức năng thông minh như nhận biết và thực hiện các thao tác theo yêu cầu giọng nói, cảm biến và đưa ra thông báo về nhiệt độ, độ ẩm, tình hình an ninh của tòa nhà… Đề tài Thùng rác thông minh – Magic Bin – cũng gây được nhiều hứng thú khi đưa ra một giải pháp cho bài toán phân loại rác thải, ứng dụng công nghệ học máy để phát hiện và ghi nhận các loại rác mới.


Đặc biệt, sản phẩm điều khiển nhà thông minh bằng Tiếng Việt của nhóm sinh viên ĐH FPT được Hội đồng giám khảo đánh giá cao nhất. Cả nhóm đã tự thu thập dữ liệu giọng nói và sử dụng công nghệ học sâu (Deep learning) để tạo ra một mẫu (model) nhận diện giọng nói với 15 câu lệnh chuẩn với độ chính xác 98%. Nhờ độ hoàn thiện và vận hành tốt của sản phẩm, nhóm đã giành chức Vô địch cuộc thi - giải thưởng trị giá 1000 USD.

Hội đồng giám khảo của cuộc thi tập hợp các giáo sư tới từ Đại học quốc gia Chung Cheng – ngôi trường uy tín của Đài Loan, và các giáo sư, chuyên gia Việt Nam giúp cuộc thi tiệm cận với tiêu chuẩn của một cuộc thi công nghệ quy mô quốc tế. Cuộc thi còn có sự tham dự của hơn 30 sinh viên đến từ Myanmar. Ngày hội IoT tại Cần Thơ lần này chắc chắn là một cơ hội tuyệt vời để những người yêu thích tìm hiểu IoT được giao lưu, học hỏi.
