Tết đến sát cửa nhà rồi, tranh thủ dọn dẹp đón năm mới thôi!

Tết đến sát cửa nhà rồi, tranh thủ dọn dẹp đón năm mới thôi!
HHT - Hãy bắt đầu năm mới với kế hoạch gọn gàng trong 12 tháng nhé - mỗi tháng dọn một ít, chắc chắn là bạn làm được phải không?!

Tháng 1: Tủ lạnh và tủ bếp

Tranh thủ thời điểm sẽ phải cất nhiều đồ vào hệ thống tủ này để chuẩn bị cho Tết, bạn hãy dọn sạch tủ lạnh và tủ bếp nhé! Mạnh tay bỏ đi những phần thức ăn lưu cữu; kiểm tra hạn sử dụng của thực phẩm, rồi từ đó tiếp tục loại những món quá hạn, ưu tiên dùng những món cận date, cho - tặng những món còn hạn sử dụng nhưng không được yêu thích nữa... Hãy sắp xếp mọi thứ trong tủ lạnh, tủ bếp theo thứ tự những gì cũ/sắp hết hạn thì để ra phía trước, ưu tiên dùng sớm; bổ sung danh sách những món cần mua thêm.

Tháng 2: Bàn học

Tháng 2 không có thi cử gì, việc học chưa quá bận, vậy thì đây là thời điểm hợp lý để sắp xếp bàn học. Hãy bắt đầu bằng cách phân loại các tập giấy tờ trên bàn, nếu có - đâu là những bức thư hoặc thiệp cũ cần cất đi; đâu là giấy nháp không dùng nữa thì bỏ; đâu là giấy tờ quan trọng cần chú ý…? Tiếp theo, bạn sắp xếp có hệ thống những gì còn lại, ví dụ giấy ghi công thức nấu ăn thì để vào tập riêng; hay những mẩu báo bạn cắt ra để sưu tập thì nên để vào đâu… Cuối cùng, lau thật sạch bàn. Ngoài ra, nếu dùng máy vi tính, bạn cũng nên dọn dẹp hộp thư, các file không cần nữa...

Tết đến sát cửa nhà rồi, tranh thủ dọn dẹp đón năm mới thôi! ảnh 1

Tháng 3: Dọn dẹp và bán đồ cũ

Cụm từ "spring clean" đã trở nên quen thuộc ở khắp thế giới. Dọn dẹp (vào) mùa Xuân là để cả căn nhà lại trông như mới. Bạn hãy chú ý đến những khu vực trong nhà có thể tìm ra được nhiều món đồ mà bạn không dùng nữa: Đồ chơi, phụ kiện, quần áo cũ… Tất cả những gì bạn không dùng và không có ý định cho ai thì hãy để vào một thùng các-tông riêng, gọi là thùng "bán đồ cũ" nhé. Sau đó, bạn có thể đính giá cho từng thứ, rủ hội bạn cùng mở "yard sale", hoặc bán trên mạng. Vừa gọn nhà, vừa kiếm được chút tiền nữa nhé!

Tháng 4: Dọn vườn, hoặc giá sách

Nếu bạn có một khoảnh đất trồng cây thì đây là thời điểm nên chuẩn bị sẵn sàng. Sắp xếp lại các dụng cụ này, xem mình có hạt giống cây chưa, phân bón có còn hạn sử dụng không này… Còn nếu bạn không trồng trọt gì, hãy để ý đến giá sách. Sách nào có thể tặng ai này, sách nào để bán đồ cũ trên các diễn đàn hoặc tiệm sách cũ này, sách nào giữ lại thì sắp xếp riêng theo từng thể loại chẳng hạn…

Tháng 5: Chuẩn bị dụng cụ thể thao và đồ dùng đi du lịch

Mùa Hè bạn có định chơi môn thể thao gì, học thêm gì hoặc đi du lịch đâu không? Hãy tìm, làm sạch, sắp xếp lại những thứ như giày tập chạy, quần áo thể thao, đồ bơi, vali, kem chống nắng… Lên một danh sách những gì mình đã có và những gì mình còn thiếu cho những dự định mùa Hè để tiết kiệm tiền mua nhé!

Tháng 6: Hè đến rồi

Giờ là tháng nghỉ Hè và vui chơi. Bạn nên để những đồ thường dùng như mũ, găng tay chống nắng, kem chống nắng… vào một chiếc hộp hoặc giỏ ở chỗ nào tiện lợi, để đừng quên mỗi khi ra ngoài. Rửa sạch những thứ sẽ hay dùng như khuôn làm kem, máy xay sinh tố… nữa nhé!

Tết đến sát cửa nhà rồi, tranh thủ dọn dẹp đón năm mới thôi! ảnh 2

Tháng 7: Bảo dưỡng xe

Mùa Hè ít dùng đến xe nên chính là thời điểm phù hợp để bạn kiểm tra lại xe cộ, đảm bảo nó vẫn "ngon lành" và chạy an toàn, dù bạn đi xe đạp hay xe đạp điện.

Tháng 8: Trở lại trường

Chắc chắn bạn sẽ quay trở lại trường với tinh thần tự tin và thoải mái hơn nếu có một chút chuẩn bị và sắp xếp. Mua sẵn sách vở, đồ dùng học tập, tránh đến phút chót mới cuống lên ra hàng văn phòng phẩm chen lấn. Những gì cần nhiều thì hãy tìm mua ở cửa hàng bán buôn, có thể sẽ tiết kiệm được một chút. Đánh dấu vào lịch những ngày hoặc hoạt động cần ghi nhớ. Lau lại bàn học, vậy là bạn đã sẵn sàng cho một năm học mới rồi.

Tháng 9: Chuẩn bị cho mùa Đông

Đừng để đến khi lạnh mới vội vã đi tìm quần áo ấm. Hãy sắp xếp lại tủ đồ của mình và treo sẵn những chiếc áo len, áo khoác còn tốt lên vì trời sắp lạnh. Những gì cần giặt hay phơi lại thì bạn làm đi nhé. Quần áo mỏng mùa hè cũng nên được cất dần đi. Găng tay, khăn, tất (vớ) mùa Đông cũng nên được sắp xếp vào một ngăn kéo riêng.

Tháng 10: Dọn những thùng/ hộp/ ngăn để đồ "không tên"

 Ai cũng có một hoặc vài thùng/ hộp/ ngăn để những đồ lặt vặt của riêng mình, đủ thứ cả: đồ dùng làm thủ công, quà tặng cũ, những loại thuốc hay dùng, đĩa nhạc… Bạn nên soát lại xem cái gì không dùng nữa để đem cho, cái gì bỏ đi, cái gì giữ lại… Mỗi lần kiểm tra lại như thế này, thì không chỉ nhà cửa gọn hơn đâu, mà bạn lại chợt phát hiện ra rằng mình có thứ gì đó rất thú vị mà lâu rồi bị bỏ quên (phải bỏ ra dùng thôi!), hoặc nhận ra mình có nhiều đồ quá rồi nên sắp tới mùa giảm giá cuối năm cũng đừng mua sắm nhiều nữa nhé!

Tết đến sát cửa nhà rồi, tranh thủ dọn dẹp đón năm mới thôi! ảnh 3

Tháng 11: Chuẩn bị cho Lễ hội

Mùa Lễ hội, ai cũng muốn mọi thứ đẹp đẽ lên một chút. Bạn xem mình có đồ trang trí nào để lấy ra dùng không này, có cần bắt đầu làm những tấm thiệp hay quà tặng handmade không này… 

Tháng 12: Tháng chia sẻ

Đây là thời điểm mà người ta vẫn nói là "cái cũ đi, cái mới đến". Vậy thì đây là lúc bạn xem lại một lượt những gì mình để một năm rồi mà không dùng, và đem tặng cho những ai cần đến. Trừ phi món đồ có giá trị tình cảm đặc biệt, còn nếu không, hãy mở rộng tấm lòng, hẳn là nó sẽ có ích cho ai đó hơn mà!

TEAMIRI

MỚI - NÓNG
Khơi gợi cảm hứng viết văn với "Con Đường Văn Sĩ" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
Khơi gợi cảm hứng viết văn với "Con Đường Văn Sĩ" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
HHT - Có một điều thú vị ở nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mà những người yêu viết láchcó thể học hỏi, chính là việc ông rất chăm viết nhật ký. Bằng việc suy tư và chăm ghi chép lại những điều diễn ra xung quanh mình, Nguyễn Huy Tưởng dần tìm ra những quan niệm về nhân sinh, để đưa vào các tác phẩm do ông sáng tác. 

Có thể bạn quan tâm