Thư gửi Jody: Vượt qua chứng sợ tiếp xúc với người lạ

Thư gửi Jody: Vượt qua chứng sợ tiếp xúc với người lạ
HHT - Trong mỗi người xa lạ đều ẩn chứa một kho tàng bí ẩn, biết đâu người đang đứng trước mặt em lại có thể mang đến cuộc sống của em những điều kì diệu tuyệt vời mà em chẳng thể tưởng tượng ra.

Chị Jody ơiiii, 
Chị có nghĩ việc sợ-tiếp-xúc-với-người-lạ là một bệnh không? Em rất sợ phải… làm quen với một người bạn mới, hay bắt đầu một mối quan hệ mới... Và… luôn gặp khó khăn trong việc làm quen hay kết bạn... Nhưng năm sau, chuyển cấp, trường mới, bạn mới, nếu cứ giữ nguyên mối sợ này em biết sẽ không ổn tí nào chị ạ…Em phải làm sao bây giờ, hả chị?

(min.magno…@yahoo.com)

Thư gửi Jody: Vượt qua chứng sợ tiếp xúc với người lạ ảnh 1

Em thân mến!

Tôi luôn nghĩ rằng quá trình giao tiếp là một quá trình vô cùng kì diệu. Nó biến những kẻ xa lạ thành những con người thân thiết, thậm chí yêu thương nhau đến độ không thể tách rời. Nó tạo nên sợi dây gắn kết và đồng cảm mãnh liệt. Nó khiến ai đó không còn cô đơn, khiến ai đó được lắng nghe, khiến thay đổi cuộc đời bất hạnh của một ai đó... Nó cũng góp phần không nhỏ tạo nên sự biến chuyển không ngừng của xã hội, đưa loài người tiến lên và kéo con người lại gần nhau hơn. Nếu không có giao tiếp, có lẽ nhân loại đã chìm trong màn đêm u tối.

“Chúng ta phải đối mặt với sự thật rằng hoặc tất cả chúng ta sẽ cùng chết hoặc chúng ta sẽ phải học cách sống cùng nhau, và nếu chúng ta sống cùng nhau, chúng ta phải nói chuyện” - đó là một câu nói rất hay và chuẩn xác của Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Eleanor Roosevelt.

Em yêu quý ạ!

Chứng sợ-tiếp-xúc-với-người-lạ vẫn được người phương Đông gọi nôm na với khái niệm “nhút nhát”, nhưng nếu trải qua một thời gian dài có thể dẫn đến “bệnh sợ giao tiếp xã hội”. Chứng bệnh này có thể đã bắt nguồn từ nhỏ, do ảnh hưởng của gia đình (ví dụ bố mẹ quá bảo bọc và hạn chế tối đa việc để em tiếp xúc với người lạ), do sự mất cân bằng của chất serotonin trong óc chúng ta (serotonin là một chất giúp điều khiển cảm xúc), hoặc sâu xa hơn là do em không tự tin vào khả năng giao tiếp của bản thân. Chứng sợ-tiếp-xúc-với-người-lạ không chỉ ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp của em, khiến em không thể thể hiện cá tính, mở rộng các mối quan hệ xã hội, mà lâu dần còn khiến em lảng tránh, thậm chí sợ hãi khi bước vào chốn đông người.

Thật may là em đã ý thức được nó từ sớm và đang muốn mọi thứ dần thay đổi.

Thư gửi Jody: Vượt qua chứng sợ tiếp xúc với người lạ ảnh 2

Vậy thì em thân mến

Đầu tiên tôi muốn em hãy “đả thông” suy nghĩ của mình. Em hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp có thể đến khi bắt đầu một mối quan hệ mới. Em biết đấy, những người bạn, những người ta yêu thương, chẳng phải bắt đầu đều là những người xa lạ hay sao? Em hãy nghĩ rằng một mối quan hệ mới có thể là khởi nguồn của rất nhiều những điều lý thú, những bước ngoặt, thậm chí có thể làm thay đổi cuộc đời em. Với những ý nghĩ tốt đẹp đó, em sẽ dần gạt bỏ những sợ hãi, và bắt đầu một quá trình giao tiếp (mới).

Bước tiếp theo, tôi muốn em hãy tự rèn luyện cho bản thân mình. Em có thể bắt đầu bằng việc đi cùng những người mà em tin tưởng đến những cuộc gặp gỡ chung, để từ đó giao lưu và kết bạn với những người mới. Hãy mạnh dạn bắt chuyện với một cô bạn/ cậu bạn ở buổi giao lưu (hoặc ở lớp học thêm) của em chẳng hạn. Em cũng có thể thử nói chuyện với một người bạn cùng lớp mà em chưa bao giờ nói chuyện, hay hỏi đường một người em không quen.

Hãy nhớ là, khi nói chuyện, em hãy nhìn thẳng vào người đó nhé, để tạo một bầu không khí giao tiếp cởi mở và cũng để tự áp chế nỗi sợ hãi trong mình. Tất nhiên, để có thể tự tin với những buổi trò chuyện, hãy tự chuẩn bị trước những chủ đề cần nói, ví dụ: Hỏi về trường lớp, sở thích, hay đơn giản là bàn luận về những thông tin, chủ đề đang “nóng xốt” hiện nay (đó là giai đoạn đầu, giai đoạn sau em có thể sẽ khá hơn và cảm thấy bất ngờ về khả năng giao tiếp (mới) của mình đấy!).

Thư gửi Jody: Vượt qua chứng sợ tiếp xúc với người lạ ảnh 3

Và cô gái nhỏ của tôi

Trước mỗi cuộc hội thoại và trước mỗi lần em định chùn bước, sợ hãi, thu mình, hãy hít thở thật sâu mà tự nhắc nhở bản thân, rằng: Trong mỗi người xa lạ đều ẩn chứa một kho tàng bí ẩn, biết đâu người đang đứng trước mặt em (mà em vừa định quay lưng đi) lúc này, lại chính là một trong những người quan trọng nhất - có thể mang đến cuộc sống của em những điều kì diệu tuyệt vời mà em chẳng thể tưởng tượng ra. Vậy nên, đừng bao giờ ngần ngại trước những cuộc hội thoại, đừng bao giờ chạy trốn trước những mối quan hệ mới. Hãy nghĩ rằng đó có thể là định mệnh, tạo nên những bước ngoặt của cuộc đời em…

Chúc em một và nhiều ngày tràn ngập niềm vui!

JODY

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Đừng xem thường những nỗ lực nhỏ, chúng có thể biến đổi ta trong nghịch cảnh

Đừng xem thường những nỗ lực nhỏ, chúng có thể biến đổi ta trong nghịch cảnh

HHT - Dù bạn đang đi con đường nào, nếu muốn cảm nhận được hạnh phúc thật sự, thì phải nắm giữ hai chiếc chìa khóa quan trọng, chính là sự nỗ lực và tích cực. Nói đúng hơn, kiên trì theo đuổi mục tiêu với tinh thần lạc quan sẽ giúp bạn gìn giữ được sự yêu đời trong mọi khó khăn, thử thách.
Những mẹo tâm lý giúp cuộc sống của bạn dễ thở hơn, làm gì cũng suôn sẻ

Những mẹo tâm lý giúp cuộc sống của bạn dễ thở hơn, làm gì cũng suôn sẻ

HHT - Bản chất của con người được cấu thành từ năng lượng và những suy nghĩ cốt lõi. Mỗi hành động và cảm xúc đều ảnh hưởng đến tâm lý của một người, vì vậy khi thay đổi góc nhìn và suy nghĩ, bạn hoàn toàn có thể nắm bắt cơ hội tốt hơn, từ đó đạt được những điều mà mình mong muốn.
Người thực sự khôn ngoan sẽ không mất thời gian để giải thích về bản thân

Người thực sự khôn ngoan sẽ không mất thời gian để giải thích về bản thân

HHT - Nhu cầu giải thích về bản thân quá nhiều có thể xuất phát từ những bất an và nhu cầu được chấp nhận. Điều này về lâu dài sẽ tạo thành thói quen xấu là làm gì cũng sợ bị đánh giá, phải trình bày hoặc giải thích dài dòng, đôi khi kể lể gây mất thời gian. Cứ như vậy chúng ta khó tìm thấy bình yên và sự tự tin để hoàn thành công việc và tận hưởng cuộc sống.