Triết lý giáo dục cho mỗi học trò: Ta cần được "hư" trước khi hạnh phúc!

Triết lý giáo dục cho mỗi học trò: Ta cần được "hư" trước khi hạnh phúc!
HHT - Đằng sau câu chuyện về phương pháp học lạ thường tại ngôi trường thực nghiệm là một triết lý giáo dục đi tìm hạnh phúc cho mỗi học trò.

Quyền được thử và sai

Giữa tâm bão tranh luận về chương trình Công nghệ giáo dục, giáo sư Hồ Ngọc Đại đã chia sẻ về triết lý giáo dục của mình gửi gắm vào chương trình: Giáo dục hiện đại là làm sao mỗi người cần được trở thành và xứng đáng với những giá trị bản thân tin là đúng, không phải học theo ai cả. Thầy cho rằng nền giáo dục mà cứ đem “con nhà người ta” ra nêu gương là “nền giáo dục đầy ảo tưởng”.

Cũng giống như cậu học trò làm nghề sửa xe của thầy Đại thấy tự tin và sung sướng vì được “vặn ốc mỗi ngày” dù có hai bằng đại học ở nước ngoài. Thầy tự hào về người học trò ấy nhất vì đã là chính mình chứ không bận tâm đến người khác nghĩ gì, băn khoăn liệu làm nghề sửa xe có nở mày nở mặt với chòm xóm hay không”.

Triết lý giáo dục cho mỗi học trò: Ta cần được "hư" trước khi hạnh phúc! ảnh 1

Xưa nay, teen mình ít được dạy phải bước qua giới hạn, sống thật với bản thân, mà thường được chỉ dẫn phải làm thế nào thì mới đúng ý thầy cô, mới được tuyên dương. Chúng ta được dạy phải cố gắng để trở nên giỏi hơn. Nhưng nếu chúng ta không phạm lỗi, không biết “mùi” thất bại, thì thất bại sẽ mãi là cái gì đó rất “ghê gớm”, trong khi nó lại là cột mốc bạn phải bước qua nếu muốn đạt được thành tựu.

Chẳng có thánh hiền nào mà cuộc đời là một chuỗi các sắp đặt êm đềm. Những nhà khoa học lớn, các học giả đều phải trải qua vô số lần thử và sai nhưng vẫn đi đến cùng con đường họ đã chọn trước khi giành được thành công. 

Cứ “hư” đi vì cuộc đời cho phép

Tớ có một người chị họ tên T., vừa mới nghỉ làm với mức lương “thiên đường” vì không thể chịu đựng tiếp được việc bị sắp đặt cuộc sống. Dượng tớ (ba của chị T.) cực kì nghiêm khắc, đã “gò” thành công chị í thành một mẫu người thành đạt: Thi đỗ ĐH Ngoại Thương nhưng lại chọn học RMIT, tốt nghiệp RMIT loại Ưu (cao hơn cả loại Giỏi), điểm IELTS 8.5/9.0 và làm việc công ty nước ngoài với cường độ áp lực cao. Nhưng chị T. gốc ở quê, lên Sài Gòn học và làm, nên ở chung với tớ, tớ đã chứng kiến nhiều lần chị T. nằm cạnh tớ và khóc thầm. Chị bảo chị không chịu nổi nữa. Cả đời chị chưa từng bước qua khỏi giới hạn: Hồi nhỏ chị không được chơi búp bê, bắt đầu từ 5 tuổi, toàn bộ thời gian của chị là dành cho việc học. 

Triết lý giáo dục cho mỗi học trò: Ta cần được "hư" trước khi hạnh phúc! ảnh 2

Những học sinh có một tuổi thơ “quá ngoan” thường sợ hãi trước những “lực lượng” mạnh mẽ hơn (những bạn cùng trường cá tính, hoặc thầy cô), thậm chí là không bảo vệ được mình trước bọn bắt nạt ở trường. Ngay cả khi đi làm, họ cũng không biết phải làm sao để đưa ra nhũng suy nghĩ táo bạo, sáng tạo vì những việc đó đều cần cross the line (bước qua vạch) - điều mà họ không dám làm.

Chúng ta có quyền được “hư”, nhưng không phải “hư” theo kiểu có lối sống lệch lạc. “Hư” theo kiểu tích cực được hiểu là bạn có quyền phạm lỗi mà vẫn được yêu thương, bạn có quyền được định đoạt cuộc sống của mình mà không phải cảm thấy tội lỗi với bất kì ai vì đã làm trái kì vọng của họ.

Hồi lớp Mười, cô dạy Toán (giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) đã dạy tụi tớ cần phải “hư” một chút, “thì sau này mới có thể làm chủ, còn nếu chỉ biết nghe lời, cho dù có làm chủ thì cũng bị người khác “giật dây” thôi”. Hồi đó tụi tớ được học Toán lạ lắm: Học xong mỗi chương phải làm một quyển báo cáo, ghi lại những gì tụi tớ hiểu và cách ứng dụng vào thực tế từ kiến thức trong sách. Có thể diễn tả bằng bất cứ hình thức nào: Vẽ/ tô màu, làm biểu đồ, phỏng vấn, viết truyện ngắn về Toán học… Cô nói học Toán đừng quá “chăm chỉ” học thuộc những dạng bài tập, mà nên “nổi loạn” một chút, diễn tả Toán học bằng một phương tiện mà mình thích, mình hiểu, đừng tách Toán khỏi cuộc sống, vì Toán không chỉ là một môn học hay kì thi như mọi người vẫn nghĩ.

Triết lý giáo dục cho mỗi học trò: Ta cần được "hư" trước khi hạnh phúc! ảnh 3

Trong cuốn sách Những kẻ xuất chúng, Malcom Gladwell kể bố mẹ của nhiều bậc trí thức nổi tiếng đã giáo dục con của họ “quyền được làm” từ khi còn rất nhỏ, trái với cách giáo dục “không biết thì dựa cột mà nghe” tụi mình thường thấy. Một cậu bé được mẹ chở đi nha sĩ, trên đường đi, bà mẹ dặn dò đứa con rằng con có thể hỏi nha sĩ bất kì điều gì con thắc mắc. Khi đó cậu bé chỉ mới chín tuổi nhưng đã được mẹ dạy cách đòi hỏi quyền lợi của một khách hàng. 

Cuốn sách cũng chỉ ra những đứa trẻ có cơ hội được “hư” từ nhỏ cũng có nhiều khả năng thành công hơn, vì nó hình thành trí thông minh thực tiễn. Gladwell cho rằng kiểu thông minh này sẽ được “tích tụ” nếu bạn phải đối phó với những rắc rối vì “chạm mặt” ban giám hiệu trường như: Làm thế nào để đổi lịch học, xin thi lại (vì lỡ ngủ quên trong ngày thi chẳng hạn), bị “uống trà” vì vi phạm nội quy…

Một trường trung học hàng đầu Anh quốc ra đề bài thi: “Hãy viết ra tất cả các công dụng của một cái chăn (mền)”. Trong khi đa số sinh viên đều đưa ra câu trả lời rất căn bản: Chăn dùng để đắp/ che/ phủ…, thì một học sinh tên Poole đã đưa ra câu trả lời được đánh giá là một trong những bài tốt nhất: (Chăn) làm lều, ra ám hiệu bằng khói, làm buồm cho một con tàu, để đỡ người nhảy ra từ tòa nhà đang cháy, làm rèm che một hành động lén lút… Nếu Poole không có một tuổi thơ “tới bến”, thì làm sao có thể có một bài thi hay ho như thế?

Khi “hư”, teen tự tạo cho mình nhiều lựa chọn hơn

Lợi ích 1: Khó có ai làm lung lay niềm tin sắt đá của bạn

Nếu #team_ngoan dễ đồng ý với bố mẹ, thầy cô để tránh bất hòa, nhưng đổi lại là làm những việc mình không muốn lắm, thì #team_hư có thể đánh đổi chút “bình yên” để thỏa mãn cái tôi. Về lâu dài, sự khó chịu ban đầu mất dần, bù lại là cảm giác mãn nguyện vì mình đã chọn những gì mình tin là đúng.

Triết lý giáo dục cho mỗi học trò: Ta cần được "hư" trước khi hạnh phúc! ảnh 4

Lợi ích 2: Khi “hư”, bạn có nhiều cơ hội để được “thông não” hơn

Bạn rất cần “va chạm” với những vấn đề trong cuộc sống để giỏi hơn trong thực tế. Như ngủ quên trên chuyến xe buýt cuối cùng và sau đó phát hiện ra cách mượn điện thoại người lạ để gọi về nhà mà không bị “xua đuổi”…

Nếu chúng ta quá “ngoan”, cuộc đời luôn ổn thì cũng “được” đó, nhưng nó không “tuyệt” chút nào. Bạn cần có một chút “vốn liếng đau khổ” để đổi lấy một vài kinh nghiệm sống đắt giá - điều làm cho bạn trở nên lanh lẹ hơn so với những người bạn ngoan.

Lợi ích 3: Bạn có khả năng giải quyết vấn đề, sắp xếp cuộc sống tốt hơn 

Mỗi người đều có rất nhiều mặt tính cách. Giống như lời bài hát Pretty girl của Maggie Lindemann: “Tôi có thể nói bậy, cười đùa, tôi có thể nói những gì tôi nghĩ… Có ngày tôi không xu dính túi, có ngày tôi có nhiều tiền, ngày thì tôi tử tế, nhưng ngày khác tôi lại cư xử tệ hại”. Chúng ta cần phải chấp nhận con người mình như một chiếc kính vạn hoa: Có phần nổi loạn, có phần thông minh, tốt bụng, và cũng có cả sự đố kỵ… Sống thật với bản thân mình nghĩa là sống thật với tất cả những tính cách mình có, dù nó là tốt hay xấu.

Vậy xét cho cùng, câu chuyện giáo dục của trường Thực nghiệm không chỉ dừng lại ở con chữ, mà còn giúp chúng ta có dịp nhìn lại mục đích sống. Bởi lẽ, “xóa mù chữ” chỉ là một phần nhỏ của giáo dục, còn quan trọng nhất là giúp con người nhận ra hạnh phúc là ở bản thân mình chứ không phải là tuân theo kỳ vọng của người khác một cách mù quáng.

Theo Trích HHT 1277
MỚI - NÓNG
Khơi gợi cảm hứng viết văn với "Con Đường Văn Sĩ" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
Khơi gợi cảm hứng viết văn với "Con Đường Văn Sĩ" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
HHT - Có một điều thú vị ở nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mà những người yêu viết láchcó thể học hỏi, chính là việc ông rất chăm viết nhật ký. Bằng việc suy tư và chăm ghi chép lại những điều diễn ra xung quanh mình, Nguyễn Huy Tưởng dần tìm ra những quan niệm về nhân sinh, để đưa vào các tác phẩm do ông sáng tác. 

Có thể bạn quan tâm

Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?

Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?

HHT - Nắng nóng sẽ diễn ra tại hầu hết các địa phương trên cả nước trong dịp nghỉ lễ, nếu có kế hoạch du lịch, vui chơi ngoài trời cần chú ý bảo vệ sức khỏe, tăng cường chống nắng tránh nguy cơ say nóng, đột quỵ. Thế nhưng liệu Hà Nội có nóng tới tận 41 độ C như dự báo của các ứng dụng thời tiết?
Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn

Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn

HHT - Hoa hậu H'Hen Niê vừa có chuyến công tác tại tỉnh Điện Biên, hưởng ứng "Tháng Nhân đạo năm 2024 cấp Quốc gia", đồng hành cùng Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam trong chuỗi hoạt động “Hành trình nhân đạo, trao nhận yêu thương” hướng đến trẻ em, phụ nữ, người dân gặp khó khăn tại Điện Biên.