Trường Lương Thế Vinh: Sở yêu cầu nhưng trường không trả lại phí vì phụ huynh tới “làm ầm lên”?
Sự việc bắt đầu vào đầu tháng 7, khi một số phụ huynh phản ánh thông tin tới báo chí rằng trường THCS & THPT Lương Thế Vinh gây khó dễ, không trả lại tiền phí tuyển sinh ban đầu khi phụ huynh muốn rút hồ sơ. Số tiền phí đó bao gồm: Học phí (2 triệu đồng/tháng), xây dựng trường (2 triệu đồng/năm), đồng phục (1,5 triệu đồng ), lệ phí tuyển sinh (300.000 đồng), tiền vở (270.000 đồng), tổng cộng là 6.070.000 đồng.
![]() |
Thông báo của trường THCS & THPT Lương Thế Vinh về các khoản phí. Trong thông báo có nêu rõ: "Trường hợp bắt buộc phải rút hồ sơ, phần kinh phí nhập học sẽ chuyển vào Quỹ khuyến học của nhà trường."
Ngày 3/7/2018, Sở GD&ĐT có công văn yêu cầu trường THCS & THPT Lương Thế Vinh thực hiện một số nội dung, trong đó có việc: “Hoàn trả lại toàn bộ các khoản tiền, lệ phí đã thu khi học sinh rút hồ sơ.”
![]() |
Cùng ngày hôm đó, trả lời phỏng vấn báo Dân Trí, cô Văn Thuỳ Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh cho biết: “Trường ngoài công lập tuyển sinh rất khó khăn, nếu các trường không có yêu cầu đóng phí như vậy, phụ huynh sẽ rải hồ sơ khắp các trường và rút loạn lên khi trường công lập có điểm chuẩn. Điều đó gây "loạn" tuyển sinh cho các trường, đặc biệt là khối ngoài công lập. Nhà trường đã có thông báo trên trang web của nhà trường về việc phụ huynh nên cân nhắc khi nộp hồ sơ và phí tuyển sinh đó sẽ được giữ lại để bổ sung Quỹ Khuyến học.”
Cô cũng cho biết thêm: “Chiều ngày 3/7, nhà trường sẽ trả lại các khoản phí: chẳng hạn tiền sách vở hoặc đồng phục, các con không dùng và mang đến, nhà trường sẽ trả. Tổng của số tiền hai khoản này khoảng 2 triệu đồng.”
Những tưởng, sự việc sẽ được giải quyết xong, nhưng đến sáng ngày 6/7, sức nóng của câu chuyện lại được thổi bùng lên, khi một số phụ huynh phản ánh thông tin tới báo chí cho rằng họ đã làm đơn xin rút tiền nhưng vẫn bị nhà trường gây khó dễ, thậm chí lá đơn chỉ được gửi ở phòng bảo vệ vì văn phòng nhà trường từ chối gặp gỡ phụ huynh. Hình ảnh phụ huynh túc trực trước cổng trường giữa trời nắng nóng để xin hoàn lại phí tuyển xin cũng được lan truyền nhiều trên mạng xã hội. Nhiều phụ huynh cho rằng, trường Lương Thế Vinh đang “cưỡng” lại chỉ đạo của Sở GD&ĐT.
![]() |
Trả lời phỏng vấn báo chí, cô Văn Thuỳ Dương đã phản bác lại quan điểm này, cô cho biết: “Trường chỉ trả lại kinh phí những trường hợp xin rút từ ngày 3/7 (khi có công văn yêu cầu của Sở GD&ĐT Hà Nội – PV) trở đi, bao gồm tiền đồng phục, tiền vở, tiền sách các con không dùng và mang đến, nhà trường sẽ trả. Tổng của số tiền các khoản này khoảng 2 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi Sở GD&ĐT có văn bản, nhiều phụ huynh đã “làm ầm lên”, đòi lại tiền. Việc trả lại tiền gây lộn xộn, vì vậy hội đồng nhà trường quyết định từ ngày 6/7, không trả lại bất cứ khoản tiền nào nữa, làm theo thỏa thuận ban đầu.”
Cô cũng kiên quyết bảo vệ quan điểm của nhà trường và cho rằng: “Nhà trường đã có thông báo ngay từ đầu. Ban tuyển sinh của trường còn tư vấn rất kĩ về việc nộp/rút hồ sơ và phụ huynh đã đồng ý nộp.”
![]() |
![]() |
Trường Nguyễn Siêu “quyết” không trả phí giữ chỗ 10 triệu đồng vì đó là quy định từ đầu
Sức nóng của sự việc ở trường Lương Thế Vinh vẫn chưa nguôi thì lại xuất hiện thêm trường hợp trường trường Tiểu học - THCS - THPT Nguyễn Siêu không trả lại phí giữ chỗ 10.000.000 đ khi phụ huynh.
![]() |
Trong thông báo của trường Tiểu học - THCS - THPT Nguyễn Siêu có nêu: "Nếu học sinh không tới trường học với bất cứ lý do gì, phí giữ chỗ không được hoàn lại."
Theo thông tin từ các vị phụ huynh, để nộp hồ sơ xin học vào trường, phụ huynh phải đóng số tiền 19.500.000 đ bao gồm: Học phí: 6.000.000 đ, nhập học: 2.000.000 đ, hỗ trợ đầu tư phát triển nhà trường: 1.500.000 đ, phí giữ chỗ: 10.000.000 đ
Sau khi biết con mình đỗ trường công, các phụ huynh đến rút hồ sơ thi nhà trường chỉ trả 9.500.000 đ và không trả lại số tiền 10.000.000 đ phí giữ chỗ. Việc làm này của nhà trường khiến nhiều phụ huynh bức xúc và phản ứng.
![]() |
Tương tự như quan điểm của Lương Thế Vinh, trả lời phóng vấn báo Lao Động, cô Nguyễn Thị Minh Thuý, Hiệu trưởng trường Tiểu học - THCS - THPT Nguyễn Siêu cho biết: "Chúng tôi có thể trả tất, 10 triệu đồng không phải là số tiền quá lớn để chúng tôi phải đánh đổi uy tín, nhưng đã là quy định thì phải cố gắng vì cái chung. Nếu một nhà trường không có những quy định thì không thể quy củ, nền nếp được. Nếu không có quy định ràng buộc, một học sinh không muốn vào nhưng cứ giữ chỗ ở đây sẽ làm mất cơ hội của học sinh khác. Nhưng tôi cũng xin chia sẻ, để tránh những vấn đề này xảy ra, trước khi phụ huynh nhập học cho con, hãy tìm hiểu về mô hình giáo dục của trường và đừng cho con có quá nhiều lựa chọn. Chung thủy với một lựa chọn thôi thì câu chuyện sẽ giải quyết được."