Trường nào công bố điểm "sàn" quá thấp sẽ bị chế tài

Trường nào công bố điểm "sàn" quá thấp sẽ bị chế tài
HHT - Dù cho các trường quyền tự chủ trong xác định ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu (điểm "sàn") nhưng trường nào công bố "sàn" quá thấp sẽ bị chế tài.
Trường nào công bố điểm "sàn" quá thấp sẽ bị chế tài ảnh 1

Cán bộ làm tuyển sinh ở các trường ĐH tham gia buổi tập huấn phần mềm tuyển sinh ngày 6.6. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Thông tin này đã được nêu ra trong buổi tập huấn sử dụng phần mềm tuyển sinh năm 2018 do Bộ GD-ĐT chủ trì dành cho các trường ĐH-CĐ và TC (đào tạo giáo viên) khu vực phía nam tại TP.HCM ngày 6/6.

Tổng 3 môn không được dưới 10 điểm

Phát biểu trong buổi tập huấn, ông Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết năm nay Bộ không yêu cầu phải có ngưỡng điểm chung trong toàn hệ thống nhưng Bộ sẽ theo dõi rất sát việc công bố của từng trường. Bộ khuyến cáo các trường không nên đặt ngưỡng quá chi tiết mà nên đặt ngưỡng chung vì sẽ khó trong xét tuyển trực tiếp của trường. Các trường phải công bố điểm trước ngày 19/7 để thí sinh (TS) căn cứ trên điểm thi điều chỉnh nguyện vọng.

Ông Tuấn lưu ý: “Thời gian vừa qua báo chí đã nói rất nhiều về khả năng sau đợt 1 một số trường sẽ đặt ngưỡng để tuyển đủ chỉ tiêu. Bộ sẽ theo dõi rất sát tình hình này, trường nào công bố quá thấp, ví dụ 3 môn dưới 10 điểm sẽ có chế tài cụ thể. Bộ sẽ công bố rộng rãi danh sách các trường có điểm “sàn” quá thấp để cảnh báo”.

“Tác động ngược của điểm “sàn” thấp ở chỗ trường muốn tuyển được nhiều nhưng người học nghi ngờ rằng chất lượng thế nào mà điểm “sàn” chỉ 9 điểm cho 3 môn đã đủ điều kiện xét tuyển”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Sẽ xử lý các trường có tổ hợp môn “lạ”

Ông Trần Anh Tuấn còn khuyến cáo về tình trạng một số tổ hợp xét tuyển “lạ” xuất hiện trong đề án tuyển sinh các trường năm nay. Ông Tuấn nói: “Bộ đã tiến hành thanh tra trực tiếp, một số trường đã thay đổi. Dù nhắc nhở nhiều, ví dụ công nghệ thông tin xét tuyển tổ hợp Văn - Sử - Địa nhưng một số trường vẫn duy trì với lý do trong 4 tổ hợp xét tuyển thì đó chỉ là tổ hợp phụ. Nhưng quy chế quy định rất rõ, tổ hợp xét tuyển phải được xây dựng phù hợp với bản chất ngành. Trong trường hợp này các trường đang vi phạm quy chế và sẽ có biện pháp xử lý”.

Đại diện Bộ còn chỉ ra nhiều số liệu báo cáo “khống” của các trường về tỷ lệ khảo sát sinh viên có việc làm sau một năm, điều kiện đảm bảo chất lượng và xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Nhiều mức điểm quy đổi chứng chỉ tiếng Anh!

Một điểm mới tuyển sinh năm nay là việc sử dụng điểm quy đổi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để xét tuyển ở một số trường. Tại buổi tập huấn, đây cũng là nội dung thu hút quan tâm của nhiều trường.

Theo đại diện Trường ĐH Việt Đức, Bộ cần có quy định chung về việc quy đổi điểm chứng chỉ ngoại ngữ để không tạo ra tình trạng “lệch” giữa các trường như hiện nay. “Cùng một chứng chỉ với mức điểm tương đương nhưng khi quy đổi có trường cho 8 điểm, trường khác lại cho 10 điểm sẽ gây ra thắc mắc từ TS”.

Giải đáp vấn đề này, đại diện Bộ cho biết theo quy chế thi, TS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được miễn thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi này và được tính 10 điểm. Nhưng quy chế này nhấn mạnh, TS muốn sử dụng ngoại ngữ xét tuyển thì vẫn phải dự thi. Tuy nhiên, Bộ vẫn giao quyền chủ động cho các trường trong việc xác định tiêu chí xét tuyển này.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ yêu cầu các trường phải công bố rõ việc này trong đề án. Hiện nay không có thang điểm nào quy đổi từ chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sang thang điểm 10 nên việc này sẽ do các trường quyết định. Thang điểm đó sẽ chỉ có giá trị xét tuyển trong từng trường chứ không có giá trị chung và đây là quyền chủ động của các trường, Bộ không can thiệp.

Đại diện này lưu ý thêm: “Các trường cần nghiên cứu kỹ và hết sức cẩn trọng để đặt ra thang điểm này, tránh áp dụng không nhất quán, tránh gây ra tác động ngược và tiêu cực, cùng một chứng chỉ nhưng lại nhiều mức điểm khác nhau gây nên khiếu kiện sau này”.

Theo THANH NIÊN ONLINE
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm