Thí sinh trúng tuyển vẫn phải đăng ký xét tuyển lại?
Được biết, một số trường Đại học đã gửi giấy báo trúng tuyển sớm cho thí sinh tuy nhiên có một điều khác so với các năm trước cần được lưu ý đó là: Dù thí sinh đã đăng ký xét tuyển và đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm ở nhiều trường Đại học bằng các phương thức tuyển sinh khác nhau nhưng đây là cơ hội trúng tuyển có điều kiện và thí sinh vẫn phải đăng ký lại các nguyện vọng xét tuyển này trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT trong thời gian quy định là từ ngày 22/7 đến ngày 20/8.
Nếu không thực hiện đúng quy trình đăng ký nguyện vọng trên hệ thống trong thời gian quy định, thí sinh coi như không có nguyện vọng xét tuyển và không trúng tuyển Đại học. Đồng thời, thí sinh cũng phải thực hiện đóng lệ phí xét tuyển theo đúng quy định là 20.000 đồng/ nguyện vọng.
Chia sẻ với Hoa Học Trò Online, bạn Thu Huyền (sinh năm 2004, TP.HCM) cho biết: “Mình có đăng ký xét tuyển và đã trúng tuyển vào Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Sau đó, trường cũng lưu ý thí sinh phải đăng ký ngành trúng tuyển vào NV cao nhất trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT theo thứ tự nguyện vọng 1. Và kết quả trúng tuyển có điều kiện này sẽ bị hủy nếu thí sinh không đăng ký như hướng dẫn. Do các trường năm nay đưa ra rất nhiều hình thức mới, chúng mình đang gặp khó khăn trong việc điều chỉnh thứ tự nguyện vọng sao cho phù hợp".
Thông báo của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. |
Quy chế tuyển sinh Đại học 2022 có nhiều điểm mới. Các trường Đại học được tự chủ hoàn toàn trong việc tuyển sinh với hơn 20 hình thức xét tuyển. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã quy định rõ, các trường không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung, không được yêu cầu thí sinh nộp phí “giữ chỗ”. Thế nhưng, thực tế hiện tượng này vẫn xuất hiện.
Thí sinh nên làm gì ngay lúc này?
Trước những “ma trận” thông tin trên, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) khẳng định: “Hệ thống lọc ảo hỗ trợ chắc chắn giúp thí sinh đỗ vào nguyện vọng ưu tiên nhất có thể, mà không phải lo lắng lựa chọn giữa các phương thức xét tuyển khác nhau. Thí sinh không phải xác nhận nhập học trước đối với các phương thức khác, việc xác nhận nhập học trước có thể làm mất đi cơ hội được nhập học vào các trường và ngành mà thí sinh mong muốn, hoặc thí sinh phải nộp một khoản phí giữ chỗ”.
Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT). |
Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần cẩn trọng trong việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống, phải thực hiện đúng theo quy định và nộp lệ phí đầy đủ. Tránh nhầm lẫn thông tin mã trường, mã ngành, mã phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển…
Những thí sinh đã trúng tuyển sớm vào ngành/ trường mà mình mong muốn, nếu muốn xác định theo học thì phải đăng ký ngành đó ở vị trí cao nhất là NV1 để đảm bảo việc trúng tuyển. Còn nếu như ngành đã trúng tuyển không phải là ưu tiên số 1 thì thí sinh nên xếp các ngành/ trường mình yêu thích lên vị trí nguyện vọng cao hơn và xếp ngành học đã trúng tuyển xuống vị trí nguyện vọng thấp hơn. Trường hợp không đạt thì vẫn còn các nguyện vọng tiếp theo. Với những thí sinh có kết quả điểm thi chưa cao nên chọn trường có điểm dự kiến bằng hoặc thấp hơn điểm mình đã đạt được để tránh rủi ro khi hệ thống tiến hành xét tuyển, lọc ảo.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đã lưu ý, các cơ sở đào tạo phải có biện pháp kiểm soát các điều kiện sơ tuyển, điều kiện phụ trong tuyển sinh để không xảy ra tình trạng thí sinh đã trúng tuyển nhưng bị loại khi nhập học do không đủ điều kiện sơ tuyển, điều kiện phụ. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, Bộ GD&ĐT và các trường Đại học vẫn nên sớm ổn định các phương thức tuyển sinh để thí sinh có thể dễ dàng nắm bắt thông tin và đưa ra sự lựa chọn đúng đắn nhất.