Vụ Đại học Đông Đô cấp 193 bằng giả: Bao năm đèn sách, giờ cầm bằng thật cũng bị nghi ngờ

HHT - Ngay khi có kết luận điều tra, vụ án 10 cựu cán bộ trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả cho hàng trăm cá nhân, thu lợi bất chính gần 20 tỷ đồng một lần nữa gây xôn xao dư luận. Những người bị ảnh hưởng trực tiếp chính là những sinh viên "thi thật, học thật" của ĐH Đông Đô khi tấm bằng đáng lẽ mang đến niềm tự hào nay trở nên tai tiếng.
Bỏ học giữa chừng vì hoang mang trước nạn bằng giả
Trở thành tân sinh viên trường ĐH Đông Đô năm 2018, D.A (Hà Nội) phấn khởi với không ít dự định và kỳ vọng khi ra trường sẽ có một công việc đúng ngành Công nghệ thông tin. Thế nhưng chỉ 1 năm sau, thông tin ban lãnh đạo nhà trường làm giả văn bằng 2 tiếng Anh được đăng tải tràn lan trên báo đài, mạng xã hội khiến D.A và nhiều sinh viên khác không khỏi hoang mang, lo lắng. 
Chia sẻ với Hoa Học Trò, D.A cho biết: "Mặc dù là sinh viên hệ chính quy còn vụ án liên quan đến hệ văn bằng 2, nhưng việc các cán bộ của nhà trường (kể cả từ thầy hiệu trưởng) bị bắt giữ, rồi nhiều anh chị sinh viên năm cuối chưa có bằng, không có bằng khiến mình thực sự hoang mang. Không chỉ mình mà bố mẹ khi nghe được tin tức trên ti vi cũng rất lo lắng. Thời điểm vụ việc gây xôn xao dư luận, mình đã quyết định bỏ học giữa chừng, và mình biết cũng có một số bạn học khác đã lựa chọn tương tự".
Vụ Đại học Đông Đô cấp 193 bằng giả: Bao năm đèn sách, giờ cầm bằng thật cũng bị nghi ngờ ảnh 1 Từ trái qua: Bị cáo Trần Khắc Hùng và Dương Văn Hòa trong vụ án cấp hàng trăm bằng giả xảy ra tại trường ĐH Đông Đô. Ảnh: tienphong.vn
Không học vẫn có văn bằng 2 "cấp tốc"
Lật lại vụ án mà D.A nhắc đến, xuất phát từ nhu cầu cần văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ phục vụ thi tuyển/ nâng ngạch viên chức, công chức nên trong khoảng thời gian từ 2017 - 2019, trường ĐH Đông Đô dù không được phép nhưng vẫn liên tục chiêu sinh văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh. 
Để cạnh tranh với các đơn vị đào tạo xưa nay, bị can Trần Khắc Hùng (chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô, hiện đang bỏ trốn) đã chỉ đạo Dương Văn Hòa (nguyên Hiệu trưởng) và Trần Kim Oanh (nguyên Phó hiệu trưởng kiêm Phó viện trưởng, Viện đào tạo liên tục) ký thông báo tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh gửi các cơ sở, cá nhân để hợp tác đào tạo. Trong đó, có 12 cơ sở đã tuyển sinh được 3.527 học viên, nộp cho Đại học Đông Đô tổng số tiền hơn 24 tỉ đồng.
Để thu hút học viên, trường còn “mở rộng” địa bàn tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh sang một số tỉnh khác, trên cơ sở đó cấp nhiều văn bằng giả dạng "cấp tốc" mà không qua đào tạo, tuyển sinh. 
Kết luận điều tra vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Đại học Đông Đô đã chính thức được cơ quan công an công bố hôm qua (ngày 23/11). Cơ quan điều tra đánh giá hành vi phạm tội của các bị can diễn ra trong thời gian dài, có tổ chức, đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ sở giáo dục đại học nói chung và trường Đại học Đông Đô nói riêng, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành giáo dục.
Theo đó, ngoài những lần hợp thức hồ sơ, tài liệu để cấp bằng giả cho 118 cá nhân, Đại học Đông Đô đã cấp 193 bằng cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh giả cho các cá nhân không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng. Trong số tiền đã thu, Đại học Đông Đô chỉ sử dụng 780 triệu đồng thanh toán kinh phí tổ chức thi, chấm thi hệ văn bằng 2 tiếng Anh. Số tiền còn lại các bị can khai sử dụng phục vụ hoạt động chung của trường nhưng không cung cấp được đầy đủ chứng từ liên quan nên cơ quan điều tra không có cơ sở để xác định cụ thể.
Hệ quả của bằng giả: Bằng thật có lo "rớt giá"?
Tuy không phải là một vụ án mới được phát giác nhưng ngay khi có kết luận điều tra, vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại ĐH Đông Đô vẫn thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Nhiều người không khỏi bức xúc khi những người học thật, thi thật sẽ bị bất công bởi một số đối tượng chỉ cần bỏ tiền mua bằng giả là xong. Ngay cả những sinh viên học hệ chính quy, dù không liên quan đến vụ án nhưng cũng khó tránh khỏi hoang mang (như trường hợp của D.A), thậm chí phải đối mặt với những lời bàn tán có phần hoài nghi, tiêu cực về môi trường các bạn đang học. 
Tâm sự với Hoa Học Trò, cô bạn M.T (hiện đang là sinh viên năm cuối ĐH Đông Đô) kể rằng vào thời điểm vụ án gây xôn xao dư luận, khá nhiều phóng viên báo chí đã liên lạc để hỏi chuyện nhưng M.T quyết định giữ im lặng. "Mình thấy vụ việc chẳng ảnh hưởng gì đến bọn mình, bởi bọn mình là sinh viên hệ đào tạo chính quy, được cấp phép hẳn hoi. Tất nhiên khi có sự việc không hay thì dư luận sẽ bàn tán, nhưng sau đó trường vẫn đứng vững được. Bọn mình cũng sắp ra trường rồi nên nếu có ai đó không hiểu rõ, qua sự việc này mà đánh đồng bằng giả, bằng thật thì chúng mình đều có thể giải thích rõ ràng cho họ hiểu".
Cùng quan điểm với M.T, nữ sinh H.Y trường ĐH Đông Đô cho biết: "Đây là vấn đề về văn bằng 2 nên nó cũng không ảnh hưởng đến các bạn học chính quy như mình. Tuy dư luận có thể bàn tán không hay nhưng nhà trường vẫn đảm bảo quá trình giảng dạy và ngoại khóa cho chúng mình, giảng viên cũng rất nhiệt tình và tâm huyết".
(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)
Vụ Đại học Đông Đô cấp 193 bằng giả: Bao năm đèn sách, giờ cầm bằng thật cũng bị nghi ngờ ảnh 2
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm