Bánh cuốn Cao Bằng
Món bánh cuốn này hay còn được gọi là bánh cuốn canh. Bởi món bánh cuốn này được ăn với nước hầm xương thơm ngọt cùng thịt băm, nhưng không được pha chế thành nước chấm mà để nguyên như một tô canh. Một suất bánh cuốn Cao Bằng bao gồm bánh (khoảng 3 - 4 chiếc), 1 trứng trần và 1 giò, còn nước canh thì xin bao nhiêu cũng được.
Bánh cuốn Cao Bằng không có mộc nhĩ nấm hương mà nhân bánh chỉ có thịt băm phi với hành, do đó cũng sẽ là một trải nghiệm mới với những người đã quen với bánh cuốn Hà Thành. Ăn bánh cuốn Cao Bằng giống như ăn bún hay phở vậy, với phần canh được nêm nếm vừa miệng, bỏ thêm rau mùi thái nhỏ cho thơm. Bạn sẽ vớt bánh nhúng vào trong canh và ăn luôn cho nóng, rồi ăn thêm một miếng trứng trần và giò.
Giò để ăn cùng bánh cuốn thường nhỏ bằng khoảng hai đến ba ngón tay, được gói trong những lớp lá chuối. Nếu bạn muốn ăn bánh cuốn giò thì chủ quán sẽ bóc lớp lá chuối và cho vào cùng nồi canh xương đang ninh rồi vớt lên cùng bánh canh. Nhờ đó mà giò cũng được làm nóng lại, ăn sẽ ngon hơn. Ngoài ra thực khách cũng có thể thưởng thức bánh cuốn trứng. Chủ quán sẽ đập quả trứng vào phần bột đang tráng rồi đậy vung lại một lúc, sau đó sẽ cho thẳng vào bát canh.
Bánh bèo Hải Phòng
Bánh bèo Hải Phòng khá giống bánh giò Hà Nội vì được gói trong lá chuối và nhân bánh vô cùng giống bánh giò, thế nhưng điều khác biệt dễ nhận ra đó là bánh bèo Hải Phòng có lớp bột mềm thơm, không nát hòa quyện với vị ngọt của nhân thịt ăn cùng với nước chấm cay ngọt từ nước hầm xương.
Nước chấm được sử dụng từ chính nước xương ống ninh nhừ để tạo nên độ ngọt. Sau đó nên nếm gia vị như nước mắm, đường rồi thêm ít tỏi phi vàng để tạo nên hương vị đặc trưng. Nước chấm có độ mặn ngọt vừa phải để thực khách có thể vừa ăn bánh, vừa… húp nước chấm. Chính thứ nước chấm này khiến cho bánh bèo Hải Phòng có một sức sống bền bỉ trong tâm trí của bất kỳ ai đã từng nếm qua một lần.
Ăn bánh bèo Hải Phòng mới càng cảm nhận một cách rõ hơn cái hương vị đồng quê nhuần nhị của vỏ bánh bằng bột gạo, và vị béo ngậy, hấp dẫn của nhân bánh. Bánh sau khi chấm với nước dùng xương thì cho ngay vào miệng, hương vị vô cùng tuyệt vời đấy tan nhanh trong miệng và lan tỏa sự ấm áp, thể nên món bánh này rất hợp cho những ngày trời se lạnh nhé.
Bún chả chan
Nói đến bún chả là không chỉ người dân Việt Nam mà cả người quốc tế như Tổng thống Mỹ Obama cũng sẽ nghĩ tới hình ảnh những miếng chả nằm trong bát nước chấm chua ngọt, thế mà lại có món bún chả chan đã gắn liền với người dân Hà Nội và được yêu thích suốt mấy chục năm qua.
Khác với chả chấm, món bún chả chan thì những miếng chả lại nằm trong bát nước dùng xương. Thứ nước được chan vào bún này là nước ninh xương kết hợp với rau cải xanh, được nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn. Nước này thì vị không thể đậm được như nước mắm, nhưng bù lại có vị ngọt của xương nên khi ăn cũng khá vừa miệng và hòa quyện vào bún và chả, càng thưởng thức bạn sẽ càng thấy vị thanh mát dễ chịu.
Nếu như bún chả chấm, nước chấm như khoác cho chả và bún một hương vị thêm quyến rũ, thì ở bún chả chan, nước chấm như làm nền để chả và bún được nổi bật. Một suất bún chả chan bao gồm một bán bún canh nóng hổi tỏa khói, có miếng chả nướng nổi bên trên cùng với rau, hành mùi điểm vào thêm sắc màu bắt mắt. Khi ăn bạn gắp bún ngay từ trong bát và ăn cùng với chả, chứ không phải gắp bún bỏ vào tô nước mắm chả như bún chả truyền thống. Món ăn này khá lạ miệng và thậm chí cũng mới lạ đối với nhiều người Hà Nội, thế nên sao không thử cho biết nhỉ.