Hơn 350 con voi đã thiệt mạng một cách bí ẩn ở đồng bằng Okavango (Botswana). Những con voi ở nhiều lứa tuổi cứ di chuyển thành vòng tròn rồi gục xuống và chết. Chúng được phát hiện ở phía Đông Bắc Botswana vào tháng 5 - 6/2020, “gây sốc khắp thế giới” - theo cách nói của các nhà khoa học, và làm dấy lên nhiều giả thuyết về nguyên nhân của vụ việc, như một chứng bệnh chưa được biết đến, hoặc thậm chí là “nhiễm sóng của người ngoài hành tinh”.
Đây là vụ voi chết lớn nhất từng được ghi nhận, theo nhà nghiên cứu Davide Lomeo ở ĐH King’s, London. Ảnh: The Guardian. |
Sau nhiều nghiên cứu suốt vài năm, đến bây giờ, một báo cáo được đăng trên tạp chí tiếng Anh Khoa học Môi trường chỉ ra rằng, những con voi đó đã uống phải nước độc. Nước này có chứa tảo lam độc, hay vi khuẩn lam.
Mặc dù không có mẫu nước ở chính thời điểm voi trúng độc để kiểm ra, nhưng các nhà nghiên cứu đã dùng dữ liệu vệ tinh để phân tích vị trí của các xác voi và các vùng nước. Đội ngũ nghiên cứu tin rằng những con voi nhìn chung đã đi khoảng hơn 100 km từ những vùng nước và chết trong vòng 88 giờ kể từ khi uống nước. Các nhà nghiên cứu xem xét 3.000 vùng nước và thấy rằng những vùng nước có sự gia tăng tảo lam trong năm 2020 thì gần đó cũng tập trung nhiều xác voi hơn.
Nghiên cứu trên được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu ở ĐH Botswana, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, ĐH Queen’s ở Belfast, Phòng thí nghiệm biển Plymouth (Vương quốc Anh).
Một con voi thiệt mạng ngay cạnh một vùng nước ở Botswana năm 2020. Ảnh: Cứu hộ Công viên Quốc gia/ AFP/ Getty Images. |
Nhưng nếu là nước có độc thì tại sao chỉ voi thiệt mạng chứ không phải các loài động vật khác?
Các nhà khoa học cho rằng có thể nhiều động vật khác cũng mất mạng sau khi uống nước có độc, nhưng hình ảnh không được máy móc từ trên cao ghi nhận. Hơn nữa, những con vật nhỏ mà chết thì có thể bị những dã thú khác đem đi.
Năm 2019 là năm khô hạn nhất trong hàng thập kỷ ở phía Nam châu Phi, sau đó năm 2020 lại cực kỳ ẩm. Tình trạng này khiến trầm tích và các chất dinh dưỡng lơ lửng trong nước nhiều hơn, dẫn tới sự phát triển chưa từng thấy của các loại tảo, và đó là nguồn gốc của sự việc trên.
Nhiều nước châu Phi phải chịu hạn hán nặng trong những năm gần đây. Ảnh chụp trong đợt hạn hán năm nay ở Zimbabwe. Ảnh: Kb Mpofu/ Reuters. |
"Những thảm họa và bệnh tật do biến đổi khí hậu có xu hướng xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, và có thể lặp lại với bất kỳ loài nào", theo nhà nghiên cứu Lomeo.