7 lời khuyên từ 100 cuốn sách giúp bạn làm gì cũng xong!

7 lời khuyên từ 100 cuốn sách giúp bạn làm gì cũng xong!
HHT - Tại sao có những bạn học rất giỏi nhưng khi đi làm lại không "bật" lên được? Những "bí kíp" dưới đây sẽ giúp bạn làm mọi việc đều hiệu quả, rất có ích cho cả việc học tập lẫn đi làm sau này.

Leon Ho, một trong top 25 doanh nhân trẻ thành công của châu Á do tạp chí Business Week bình chọn, nổi tiếng là người đọc rất nhiều sách. Anh ấy đã đọc 100 cuốn sách về tăng hiệu quả làm việc, rồi lập ra danh sách những “tuyệt chiêu” quan trọng nhất mà mình học được trong sách, để mọi người đều có được những “bí kíp” đó mà không cần đọc… 100 cuốn sách như anh ấy. Nào, chúng ta cùng "học ké" với Leon Ho nhé!

Leon Ho - một trong 25 doanh nhân trẻ thành công của châu Á - là người đọc rất nhiều sách.

1. Đừng đợi người khác đặt hạn chót, hãy tự đặt hạn chót cho mình!

Chúng ta thường lười biếng khi không có cảm giác về sự gấp gáp. Đó là lý do một số bạn đạt thành tích rất cao ở trường nhưng lại chỉ “bình bình” khi đi làm. Bởi nhiều công việc không liên tục có những hạn chót giống như những bài kiểm tra ở trường.

Những người thành công thì luôn tự đặt hạn chót cho những việc của mình. Chính những hạn chót mà bạn tự đặt cho mình mới đẩy bạn vượt qua những giới hạn. Ví dụ, bạn cần dọn xong bàn học, hãy tự đặt hạn chót là 10h sáng mai xem nào!

2. Theo dõi thời gian như theo dõi tài khoản ngân hàng

Bạn có nhớ mình đã làm gì vào thời điểm này của tuần trước? Chắc là không, phải không? Mà thời gian là “tài nguyên” quý giá nhất, vì bạn không bao giờ lấy lại được thời gian. Vì vậy, bạn nên ghi chép lại khoảng thời gian mà bạn dành cho từng việc. Bạn cứ thử ghi chi tiết mọi việc trong vài ngày xem, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình lãng phí bao nhiêu thời gian vào một số việc/thói quen không cần thiết, như là lướt Facebook hoặc ngó nghiêng các shop online mà tốn hàng tiếng đồng hồ chẳng hạn.

Đặt hạn chót và để ý thời gian sẽ giúp bạn có động lực hoàn thành mọi việc.

3. Xếp hạng công việc theo mức độ quan trọng

Không phải việc nào cũng quan trọng như nhau. Bạn nên luôn tự hỏi mình: việc gì cần làm ngay? Hãy tập thói quen này thường xuyên.

Đôi khi chúng ta nhầm là việc đến trước thì (có vẻ) quan trọng hơn những việc đến sau. Trong khi một số việc có hiệu ứng đòn bẩy, nên dù chúng đến sau, vẫn nên được ưu tiên làm trước.

Ví dụ: bạn muốn cải thiện kỹ năng nói trước đám đông, nên bạn định đọc hai hoặc ba cuốn sách về việc đó. Rồi bạn lại định đọc một cuốn sách về kỹ năng đọc nhanh. Vậy bạn nên đọc cuốn sách về kỹ năng đọc nhanh trước, để sau đó đọc hai ba cuốn sách kia hiệu quả hơn.

4. Đừng cắn nhiều hơn mức bạn có thể nhai

Nhiều khi, chúng ta nghĩ mình có thể tự xử lý được những việc rất lớn. Ôm quá nhiều việc cùng lúc có thể khiến bạn nản. Giải pháp ở đây là chia những việc lớn ra thành nhiều bước nhỏ (nấu bữa tối = cắm cơm + rửa rau + luộc rau + rán trứng, chẳng hạn thế), lập thứ tự giải quyết và thế là bạn bớt căng thẳng.

Xếp hạng và chia nhỏ từng việc khiến bạn thấy làm mỗi việc rất nhanh.

5. Dùng não để nghĩ, không phải để ghi nhớ

Thông tin là vô hạn, nên bạn không thể nhớ được tất cả mọi thứ. Có một câu nói nổi tiếng rằng “Bạn đã quên nhiều hơn mức bạn biết”. Có rất nhiều công cụ để bạn sắp xếp các suy nghĩ và ý tưởng, như máy tính, sổ, điện thoại… Hãy tận dụng chúng thay vì cố nhớ hết nhé.

6. Cuối ngày, hãy xem xét lại

Mỗi tối, bạn hãy dành thời gian để nghĩ lại những gì bạn đã làm được, điều gì có thể cải thiện. Hãy tự hỏi mình:

- Mình đã làm gì tốt?

- Mình đã làm gì không tốt?

- Tại sao việc đó không diễn ra được như dự tính?

- Làm thế nào để ngày mai làm tốt hơn?

Dù bạn làm khá tốt, vẫn cứ nghĩ xem có thể cải thiện được gì. Luôn có điểm nào đó để bạn có thể làm tốt hơn – đó chính là cách nghĩ của những người thành công.

Đừng cố nhớ tất cả mọi việc, hãy ghi ra và cứ thế làm theo, bạn nhé.

7. Ước lượng thời gian cho công việc

Thứ nhất, bạn hãy tuân theo nguyên tắc 2 phút: Nếu việc gì đó có thể hoàn thành trong vòng 2 phút, hãy làm luôn.

Thứ hai, với mỗi việc, bạn hãy dự tính thời gian cần để hoàn thành. Không ước lượng trước sẽ khiến bạn dễ lãng phí thời gian, vì bạn không có mục tiêu rõ ràng, cũng không biết làm thế nào để làm việc đó tốt hơn vào lần sau.

Hãy áp dụng những “tuyệt chiêu” này, bạn sẽ thấy một ngày của mình dường như có… 25 tiếng vậy. Mình đã áp dụng và thấy rất hiệu quả luôn!

Theo INTERNET
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Đón năng lượng bằng các phương pháp detox buổi sáng giúp cơ thể bớt mệt mỏi

Đón năng lượng bằng các phương pháp detox buổi sáng giúp cơ thể bớt mệt mỏi

HHT - Có rất nhiều biện pháp để giúp cơ thể detox buổi sáng, giảm bớt mệt mỏi sau một đêm làm việc quá sức hoặc tiệc tùng quá đà. Từ những việc đơn giản như uống nhiều nước điện giải, vận động ngoài trời, đi bộ nhẹ nhàng, hay phức tạp hơn là tập các bài tập thở giúp cơ thể detox nhanh và hiệu quả hơn.