Ấn Độ chưa từng bất lực đến thế: Bác sĩ bị đánh, người lành hô hấp nhân tạo cho người bệnh

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Bên ngoài mỗi bệnh viện ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ), có ít nhất hàng chục người đang chờ đợi, thở không ra hơi. Các nhân viên y tế cố gắng thực hiện hồi sức tim phổi cho những bệnh nhân chưa được nhận vào viện - vì không còn chỗ. Nhưng phần lớn những người đang phải chờ đợi đó sẽ chẳng bao giờ có cơ hội vào bên trong.

Khi thấy con trai mình không thở nổi, Kamre Aalam đã vội vàng đưa con đến bệnh viện Lok Nayak Jan Prakash (LNJP). Nhưng trong tình hình này ở Ấn Độ, 1.500 giường ở LNJP đều kín.

Rất nhiều bệnh nhân đợi ngoài cửa bệnh viện đã trút hơi thở cuối cùng ở đó. Sau khi đợi nhiều giờ liền, Rayees Aalam, 26 tuổi, con trai của Kamre Aalam, cũng chung số phận. Kamre ngồi lặng bên xác con - được bọc bằng túi nylon màu xanh - trong một chiếc xe cấp cứu để đi đến nghĩa trang lớn nhất ở New Delhi, cách đó 2 dặm.

Nhưng nghĩa trang cũng đang chật kín. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, người ta dùng máy ủi, máy xúc thay cho những người đào huyệt. Vì người ta phải đào cả một khoảng đất lớn, dành riêng cho việc chôn cất bệnh nhân tử vong vì COVID-19, chẳng cần bia mộ nữa.

Ấn Độ chưa từng bất lực đến thế: Bác sĩ bị đánh, người lành hô hấp nhân tạo cho người bệnh ảnh 1

Nhiều người than khóc tại một khu hỏa táng với lửa cháy không ngừng ở New Delhi. Ảnh: AFP/ Getty Images.

Ngày hôm qua, Ấn Độ lại ghi nhận số ca nhiễm mới cao hơn 300.000, ngày thứ 6 liên tiếp, theo The Washington Post. Số ca tử vong hôm thứ Ba là 2.700, đưa tổng số ca tử vong tiến sát đến con số 200.000. Con số thực tế có thể còn cao hơn, vì nhiều trang tin lớn đều cho rằng cả số ca nhiễm mới lẫn số ca tử vong đều không được báo cáo hết.

Ở nghĩa trang mà xác Rayees được đưa tới, các gia đình được chọn chôn người thân của mình trong quan tài hoặc chỉ bọc trong tấm vải. Nhưng Kamre, người cha 52 tuổi, làm công theo ngày, không có tiền để mua quan tài cho người con trai vừa tốt nghiệp của mình. Một tấm vải thôi thì rẻ hơn. Ông đứng khóc một mình khi nhìn theo xác con trai. Gia đình ông đang ở cách đó 120 dặm, tại bang Uttar Pradesh. Vợ và 2 con nhỏ của Rayees đều chưa biết rằng anh đã chết.

Ấn Độ chưa từng bất lực đến thế: Bác sĩ bị đánh, người lành hô hấp nhân tạo cho người bệnh ảnh 2

Nhiều xác bệnh nhân chỉ được quấn trong tấm vải rồi chôn hoặc đốt. Ảnh: Bhat Burhan/ The Daily Beast.

Mohammad Waseem, người đào huyệt ở nghĩa trang này, cho biết, năm ngoái, khi Ấn Độ có đợt bùng dịch đầu tiên, ông đã đào 5 mộ/ ngày. Nhưng làn sóng hiện tại còn “tệ hơn những gì tôi có thể tưởng tượng ra”. Waseem nói với trang The Daily Beast: “Đây là thời điểm chết chóc nhất. Đêm nào tôi cũng khóc. Tôi nhìn thấy rất nhiều xác người. Cả trái tim và tâm trí tôi, cả hai đều phát điên rồi”.

Trong khi đó, ở Agra, một người con trai lại không thể tìm được cách nào mà đưa xác cha mình - đã qua đời vì COVID-19 - tới khu hỏa táng. Anh đã đợi xe cấp cứu nhiều giờ đồng hồ, nhưng không có xe. Cuối cùng, anh phải buộc xác cha mình lên nóc xe ô tô rồi tự chở đi. Hình ảnh bi thảm khi người con trai một mình loay hoay đưa xác cha vào khu hỏa táng khiến những gia đình khác đang ở đó cũng bật khóc.

Ấn Độ chưa từng bất lực đến thế: Bác sĩ bị đánh, người lành hô hấp nhân tạo cho người bệnh ảnh 3

Người con trai phải buộc xác cha lên nóc xe ô tô mà chở đến khu hỏa táng. Ảnh: Twitter.

Còn với những bệnh nhân đang cố hít thở, thì người nhà của họ đang phải tìm mọi cách. Bức ảnh Renu Singhal, một phụ nữ ở Uttar Pradesh, đưa chồng cô là Ravi tới bệnh viện đang khiến người Ấn Độ, và mọi người trên cả thế giới, nhức nhối. Ravi không thở nổi, nên Renu đưa chồng cô tới Bệnh viện Đại học Y Sarojini Naidu (SNMC), sau khi không tìm được giường bệnh ở 3 bệnh viện khác. Trong suốt hành trình này, Renu phải tự mình thực hiện hô hấp nhân tạo cho chồng nhằm cố giữ mạng sống cho anh, bất chấp việc cô có thể nhiễm bệnh. Bức ảnh khiến trái tim chúng ta quặn thắt này được một người đăng lên mạng xã hội kèm dòng chú thích: “Tôi không còn lời nào để diễn tả”. Và cặp vợ chồng đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng của Ravi - anh qua đời khi đang dựa vào vợ, trên xe lam, bên ngoài Bệnh viện SNMC.

Ấn Độ chưa từng bất lực đến thế: Bác sĩ bị đánh, người lành hô hấp nhân tạo cho người bệnh ảnh 4

Người vợ đang hô hấp nhân tạo cho chồng bị bệnh, bất chấp tính mạng của chính mình. Ảnh: Twitter.

Bên trong các bệnh viện, tình hình cũng rất u ám. Các bác sĩ đang kiệt sức, còn bị tấn công bởi người nhà của bệnh nhân COVID-19 - đó là kết quả của sự giận dữ chồng chất trước hệ thống y tế công đang sụp đổ của Ấn Độ. Ngày hôm qua, tại Bệnh viện Apollo ở Delhi, một nhóm người cầm gậy đã lao vào đánh các nhân viên y tế và bảo vệ sau khi người nhà của họ, 67 tuổi, qua đời tại phòng đợi vì chẳng còn giường bệnh nào. Bệnh viện Apollo cho biết, một số nhân viên y tế bị thương, nhưng vẫn phải trở lại làm việc ngay vì còn rất nhiều bệnh nhân đang chờ.

Ấn Độ chưa từng bất lực đến thế: Bác sĩ bị đánh, người lành hô hấp nhân tạo cho người bệnh ảnh 5

Người nhà bệnh nhân COVID-19 tấn công bác sĩ và y tá ở Bệnh viện Apollo (New Delhi), ngày 27/4. Ảnh: NDTV.

Đó cũng chẳng phải lần đầu tiên. Tuần trước, bác sĩ Siddhant Totla, 25 tuổi, ở Pune, đã bị đấm đá và bị đánh bằng một đoạn ống nước sau khi một bệnh nhân 65 tuổi tử vong và người nhà của ông ấy trút sự tức giận lên bác sĩ.

Mà cuộc sống của các bác sĩ cũng chẳng dễ dàng hơn của bất kỳ ai. Trong cuộc khủng hoảng lần này, bác sĩ cấp cao JK Mishra, 85 tuổi, ở bệnh viện SRN (Prayagraj, Uttar Pradesh), đã qua đời vì COVID-19 sau khi không tìm nổi một giường bệnh cùng máy thở ở chính bệnh viện mà ông đã làm việc suốt 50 năm qua.

Bác sĩ Trupti Gilada, chuyên khoa bệnh truyền nhiễm, đã òa khóc khi nói: “Chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy bất lực đến thế… chưa bao giờ thấy tình trạng như thế này… COVID ở khắp mọi nơi”.

Ấn Độ chưa từng bất lực đến thế: Bác sĩ bị đánh, người lành hô hấp nhân tạo cho người bệnh ảnh 6

Xác bệnh nhân đang xếp hàng để vào một khu hỏa táng ở Delhi. Ảnh: The Sun.

Quay trở lại Bệnh viện LNJP, Ishita Goyal, một cô gái hơn 20 tuổi, đang chạy dọc theo các hành lang để tìm cha mình. Cô đưa cha vào viện hôm thứ Sáu tuần trước khi cha cô phát bệnh, nhưng từ hôm đó, cô không thể tìm được ông. Số bệnh nhân nhiều đến mức nhân viên trong viện không thể cập nhật thông tin kịp.

“Bố ơi, bố ơi!” - Cô gái cứ gọi, trong khi cố tìm một bác sĩ để hỏi. Cuối cùng, cô cũng tìm được một bác sĩ.

“Có lẽ” - bác sĩ nói với cô - “ông ấy đã chết rồi”.

Ấn Độ chưa từng bất lực đến thế: Bác sĩ bị đánh, người lành hô hấp nhân tạo cho người bệnh ảnh 10
Theo nhiều nguồn tin
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm