Áp lực điểm 10

Áp lực điểm 10
HHT - Trường có tới hơn 90% học sinh xếp loại giỏi, hoặc muốn được xét để thi vào một số trường đặc thù thì học bạ phải toàn điểm 10 mới đủ điều kiện, khiến áp lực điểm số là câu chuyện mãi chưa có hồi kết.
Áp lực điểm 10 ảnh 1
Đừng vì áp lực điểm số khiến trẻ mất niềm vui học tập. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH.

Tiêu chí tuyển chọn vào trường điểm

Bê bối sai phạm thi THPT quốc gia 2018 gây xôn xao dư luận suốt gần 1 năm qua cũng bắt nguồn từ điểm cao bất thường của hàng loạt học sinh (HS) ở những vùng vốn không được biết đến là có truyền thống dạy học tốt. Khi vụ việc được khởi tố, những thủ khoa, á khoa... buộc phải rời khỏi trường vì gian lận điểm thi, thậm chí được "hô biến" từ 1 - 2 điểm thành 9 - 10 điểm…

Các ông bố bà mẹ có thí sinh bị trường ĐH trả về thì một mực thanh minh con mình học giỏi từ bé, đi học toàn điểm 9, 10… Cách thức dễ dãi trong việc chấm điểm, đánh giá HS giỏi trong các trường phổ thông để đạt tỷ lệ thi đua khiến đôi khi phụ huynh nhìn vào điểm số đã tưởng con mình… giỏi thật. Để rồi khi đối diện với kỳ thi mà kết quả của nó được sử dụng vào mục đích quan trọng nhất là xét tuyển ĐH thì cả một bộ máy sẵn sàng bất chấp pháp luật để mua điểm, chạy điểm thật cao…

Nhiều năm nay, ngành GD-ĐT loay hoay, nỗ lực sửa quy định về đánh giá, cho điểm nhằm mục tiêu giảm áp lực điểm số cho HS, nhà trường và cho cả phụ huynh. Tuy nhiên, nhiều trường học vẫn đánh giá HS giỏi hoặc lấy điểm 10 làm tiêu chí tuyển chọn HS. Phụ huynh vẫn khao khát muốn biết mỗi ngày con đi học về được bao nhiêu điểm; câu đầu tiên khi đón con ở cổng trường vẫn thường là “hôm nay con được mấy điểm?” và mọi cảm xúc vui buồn phụ thuộc vào con số đó… Tất cả những điều đó làm cho nỗ lực giảm áp lực điểm số từ rất nhiều năm nay không đạt được mục tiêu, trái lại càng trở nên nặng nề hơn.

Áp lực điểm 10 ảnh 2

Theo hướng dẫn Sở GD-ĐT Hà Nội mới công bố, các HS dự tuyển vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam phải lọt qua vòng hồ sơ dự tuyển ngặt nghèo. Cụ thể, tổng điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm của môn toán, tiếng Việt trong 2 năm học lớp 1 và 2 phải đạt từ 39 điểm trở lên. Tính ra, trong 4 bài kiểm tra này, chỉ có 1 bài được điểm 9, còn lại là phải toàn điểm 10. Đến năm lớp 3, tổng số các bài kiểm tra định kỳ cuối năm của 2 môn toán, tiếng Việt phải đạt 20 điểm. Đến năm lớp 4 và lớp 5, từng năm phải đạt điểm 10 của tất cả 4 bài kiểm tra các môn: toán, tiếng Việt, khoa học, lịch sử và địa lý.

Hà Nội còn có mô hình trường “chất lượng cao” để phân biệt với các trường đại trà khác. Ngoài các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ… thì trường chất lượng cao còn có tiêu chí là phải có... 90% HS giỏi!

Giáo dục là làm cho học sinh học không sợ hãi

Theo PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục VN, bản thân bà khi là giáo viên đã thay đổi, từ một giáo viên luyện cho HS giỏi thành người giúp các em học "không sợ hãi". Bà Thơ kể về những lần dự giờ ở một trường “top”. Khi thấy một HS không tham gia hoạt động nhóm, cứ lủi thủi ngồi lặng lẽ, len lén xem các bạn chơi trò chơi, bà hỏi tại sao con không tham gia cùng các bạn? HS ấy đã nói, rất hồn nhiên: “Con học dốt, các bạn không thích con!”.

“HS yếu kém, HS chậm, hay HS cá tính... không ít trong một lớp học. Nhưng khi chúng ta cứ chạy đua theo kiến thức, theo chuẩn giỏi, ngoan... thì các em ấy càng bị bỏ lại về sau. Cho nên, chúng ta hãy để tầm mắt mình xuống dưới lớp học, để nhìn thấy những gương mặt đang cúi gằm xuống, lặng lẽ... Nhiệm vụ của giáo dục là để HS không sợ học, không sợ những người giỏi hơn mình, không ghét những người kém hơn...”, bà Thơ cho biết.

Không phản ánh đúng thực tế giáo dục

Trao đổi với PV, PGS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho rằng việc Bộ sửa quy chế tuyển sinh vào THCS, THPT theo hướng cho phép kiểm tra, đánh giá năng lực thay vì xét hồ sơ, học bạ để tuyển sinh vào lớp 6 một số trường đặc thù, trường chất lượng cao cũng nhằm mục tiêu giảm áp lực điểm số, GV và phụ huynh không phải tìm mọi cách để “làm đẹp” học bạ với điểm toàn 10…

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, dù đánh giá theo cách nào thì việc có quá nhiều hoặc quá ít điểm giỏi, điểm 10 đều cho thấy cách đánh giá ấy có “vấn đề”. Chưa nói tới việc “làm đẹp” học bạ, ông Thành cho rằng, cách ra đề kiểm tra với những câu hỏi mà nhiều HS đều đạt được điểm tối đa thì là một câu hỏi chưa đạt yêu cầu phân loại HS. Đáng lẽ, với điểm kiểm tra phải xếp loại HS trong khoảng từ 5 - 10 điểm thì điểm 10 ấy sẽ không phản ánh đúng trình độ HS. Số HS đạt được điểm 10 nhiều nhưng có thể điểm 10 của em này và của em khác lại rất khác nhau về năng lực.

Khi đánh giá chỉ nhìn vào điểm số trong học bạ, sổ điểm như vậy thì sẽ không biết và càng không phân biệt được điểm 10 của những em thực sự có năng lực tốt khác với điểm 10 của em chỉ ở mức độ khá là thế nào. Ông Thành cho rằng, mấy năm gần đây, Bộ đã chỉ đạo đánh giá kết quả học tập của HS theo định hướng phát triển năng lực chứ không chỉ kiểm tra tái hiện kiến thức đơn thuần, cân bằng việc đánh giá trong quá trình hoạt động dạy học và đánh giá kết quả cuối cùng.

Chỉ đạo này đã đi vào thực tế nhưng không phải là tất cả, sự chuyển biến của các cơ sở giáo dục và giáo viên còn trễ hơn so với mong muốn.

Sắp tới, khi thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, việc thay đổi đánh giá HS sẽ thay đổi ra sao, liệu tâm lý nặng về điểm số có tồn tại nữa hay không? PGS Nguyễn Xuân Thành cho rằng, từng bước phải khách quan hóa việc đánh giá và muốn như vậy thì cách ra đề, kỹ thuật đánh giá phải đạt một chuẩn chung nhất định chứ không phải điểm 10 ở nơi này lại khác điểm 10 ở nơi kia hoặc khác nhau ngay giữa HS trong cùng một lớp, được giảng dạy bởi cùng một giáo viên… Mục tiêu của chương trình mới là hướng tới năng lực thực sự của người học nên dù vẫn cho điểm nhưng giá trị đích thực của kết quả học tập là đánh giá cả quá trình, đánh giá khả năng vận dụng được những điều học được vào cuộc sống của người học. “Đánh giá dễ dãi quá, tỷ lệ HS giỏi, điểm 10 nhiều quá theo kiểu đánh đồng thì sẽ mất động lực phấn đấu của người học, nhất là những em có năng lực nổi trội”, ông Thành nói.

Áp lực lòng vòng

Phan Thị Hồ Điệp, Khoa Giáo dục đặc biệt Trường ĐHSP Hà Nội, cho rằng một trong những áp lực lớn nhất với nhà giáo chính là áp lực điểm số từ phía phụ huynh. Phụ huynh luôn mong muốn con mình phải đạt điểm cao, phải có thành tích trong các cuộc thi... Chính vì chạy theo điểm số nên trong con mắt phụ huynh, đời sống học đường chỉ bao gồm việc học, học và học.

Theo bà Điệp, phụ huynh coi con là phương tiện để đạt được những kỳ vọng của mình, nhiều trường hợp kỳ vọng quá cao so với sức lực và khả năng của con. “Tôi đã chứng kiến cha mẹ giận dữ, xé sách vở của con ngay cổng trường chỉ vì con bị điểm kém”, bà Điệp nói.

Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cũng cho rằng, các tiêu chí đánh giá nhà trường phổ thông của ngành giáo dục đều có chỉ tiêu về tỷ lệ HS giỏi, hạnh kiểm tốt, tỷ lệ lên lớp, đỗ tốt nghiệp 100%... Cha mẹ HS đánh giá chất lượng dạy học của nhà trường chỉ thông qua điểm số. Đó là những áp lực lớn đối với các nhà trường phổ thông muốn đánh giá điểm số thực chất, năng lực học tập thực chất của HS.

Dương Thị Phương Thảo, Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (Q.Ba Đình, Hà Nội), nói: “Rất nhiều giáo viên thực sự chán nản, mất niềm tin với nghề khi phải chấp nhận hỗ trợ điểm số cho một số HS không xứng đáng”.

Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Trường THCS - THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) đúc kết: Tâm lý coi nặng về điểm số, chạy theo thi cử, thành tích, chỉ tiêu thi đua tạo ra áp lực khi cấp trên gây áp lực cho nhà trường, nhà trường áp lực cho giáo viên, giáo viên áp lực cho HS, cha mẹ cũng áp lực cho thầy cô và chính thầy cô cũng áp lực cho mình.

Theo thanhnien.com.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

HHT - Bình thường vẫn nóng và khô theo kiểu sa mạc, thậm chí vài hôm trước vẫn rất nóng bức, nhưng rồi thành phố Dubai (UAE) bất ngờ có mưa to. Mưa nhiều đến mức lượng mưa trong một ngày bằng tổng lượng mưa ở đây trong 2 năm, gây rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân vốn không quen với mưa thế này.
Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

HHT - Nắng nóng tiếp tục diễn ra gay gắt tại nhiều nơi trên cả nước, trong đó có các tỉnh Tây Bắc Bộ. Tại Yên Châu (Sơn La), mức nhiệt đo được lúc 13h lên đến 41,7 độ C. Trong khi đó, Đông Bắc Bộ có nền nhiệt duy trì ngưỡng cao nhất khoảng 29-32 độ C. Vì sao lại có sự khác biệt rõ rệt này?