Bạn có đủ dũng cảm đứng dậy từ “thung lũng” đề thi Quốc gia

Bạn có đủ dũng cảm đứng dậy từ “thung lũng” đề thi Quốc gia
HHT - Kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua đã khiến nhiều sĩ tử “lên bờ xuống ruộng”. Được cho là một trong những bộ đề thi “khó kỉ lục”, các mã đề năm nay “hứa hẹn” “đánh gục” kết quả thi các thí sinh và làm điểm chuẩn rơi không phanh!

“Trùng vi thạch trận" trong đề thi tốt nghiệp

Với nhiều thay đổi, bộ đề năm 2018 đang nhận về vô vàn lời chỉ trích vì “độ khó vượt cấp”.

Thầy Vũ Khắc Ngọc (giáo viên luyện thi Toán trên một trang học trực tuyến) đã có dòng trạng thái chia sẻ trên mạng xã hội Facebook về những bất cập của đề thi và nhận được hơn 2.000 lượt yêu thích. “Trong mỗi khối câu hỏi, mức độ thực ra cũng không hoàn toàn tương đồng nhau và lại được xáo trộn ngẫu nhiên giữa các mã, thành ra vẫn có tình trạng "Mã may mắn" - những câu khó nhất được dồn xuống cuối cùng và "Mã đen đủi" - những câu khó bị đẩy lên trên”.

Bạn có đủ dũng cảm đứng dậy từ “thung lũng” đề thi Quốc gia ảnh 1

Theo nhận định này, nếu các bạn học sinh nhận được “mã đề đen đủi”, tâm lý sẽ bị lung lay khi bị “xử trảm” trước bằng hàng loạt câu hỏi khó nhằn. Với đặc thù Toán học, bạn phải giải thử rồi mới biết câu hỏi khó hay không. Vì vậy nên để nhận diện câu hỏi khó khi mới nhìn vào liền là một điều khó thực hiện. Đề thi gồm 50 câu giới hạn trong vỏn vẹn 90 phút làm bài, đồng nghĩa với việc thí sinh chỉ có 1 phút 48 giây cho một câu. Nếu bạn dành một nửa số thời gian trên để kiểm tra câu khó và phải đương đầu với mã đề “xui như hụi” thì bạn đã mất trắng 25 phút hoảng loạn rồi!

Bên cạnh độ khó, đề thi năm nay ngoài lượng kiến thức lớp 12 còn “tải” thêm 20-25% kiến thức lớp 11. Cũng vì lý do này mà thời gian ôn thi Đại học đã eo hẹp nay lại càng nặng nề hơn  với các “chú rồng” 2K. Không kể đề Toán, các đề môn Tự nhiên như Hóa và Sinh cũng gặp phải phản ứng dữ dội tương tự. Bạn Đoàn Nhật Khang (Lớp 12 Hóa, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) chia sẻ: “Để làm được những câu phân hóa, cần nhiều thời gian hơn. Dù những câu dễ có thể hoàn thành trong dưới 1 phút, song những câu khó đôi khi cần 15 - 20 phút lận. Những học sinh giỏi đặt các nguyện vọng cao như Đại học Y, Dược đôi khi lại mất cơ hội vào những bạn chỉ nắm vững kiến thức nền nhưng “lụi” được những câu cuối nhờ “ăn hên”.

Bạn có đủ dũng cảm đứng dậy từ “thung lũng” đề thi Quốc gia ảnh 2

Đề Văn cũng bị cho là quá khó để có thể phân tích sâu sắc trong 120 phút, trong khi nếu chỉ liệt kê ý thì học sinh giỏi hay học sinh khá đều làm được như nhau. Trang Sơn Isn’t Blogging (admin là cựu học sinh chuyên Văn trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) nêu quan điểm: “Đồng ý là đề thi cần có sự phân hóa cao hơn, cách chọn tác phẩm để phân tích và tác phẩm liên hệ cũng phải trí tuệ hơn để chọn lọc và phân cấp được thí sinh. Nhưng người ra đề hãy cân bằng giữa tính đại trà và tính học thuật. Dễ ở câu cần dễ và khó ở câu cần phải khó để nó làm nhiệm vụ của một cái phễu, đấy là lọc tư duy của người làm”.

Nhìn chung, đề thi năm nay đã làm các diễn đàn học thuật tranh cãi sôi nổi như “chợ vỡ” và rất nhiều thí sinh não nề lòng dạ.

Số điểm trên trang giấy nói gì về bạn?

Thế nhưng dù có thất bại ê chề trước đề thi khó nhằn, cũng đừng suy sụp, vì một con điểm không thể nói hết về con người và quá trình lớn lên 18 năm của bạn!

Bạn có đủ dũng cảm đứng dậy từ “thung lũng” đề thi Quốc gia ảnh 3

Câu chuyện của Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai hay nhà sáng lập hệ thống An Nam Group là minh chứng rõ ràng. Trượt đại học lần đầu năm 1982, chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức không nản lòng, quyết định thi lại và tiếp tục… rớt suốt 3 lần tiếp theo. Hay Lý Quí Trung - ông chủ tập đoàn An Nam Group từng “té cái uỵch” trước kì thi vào trường Đại học Tổng hợp Ngoại ngữ. Rất nhiều những cá nhân thành công đã học hỏi từ những nguồn khác ngoài trường Đại học, như học từ các bậc tiền bối, tài liệu online, thư viện sách, kinh nghiệm từ các công ty... Nổi trội trong ngành kiến trúc, có thể biết đến Frank Lloyd Wright hay Buckminster Fuller, những cái tên “cúp cua” đại học nhưng vẫn thành công vang dội nhờ sự nỗ lực cố gắng.

Dù đại học là một con đường dẫn đến thành công, và bài thi là kết quả phản ánh khả năng của bạn, nhưng câu chuyện không phải lúc nào cũng chỉ có một chiều như thế. Bài thi thực sự là tấm gương phản chiếu thực lực của bạn TRONG LÚC BẠN LÀM BÀI KIỂM TRA. Nhưng để thành công, hay để đi xa hơn nữa, bạn cần nhiều hơn những kĩ năng trên tờ giấy chi chít những câu hỏi kia. Và trên chặng đường gian nan dài đằng đẵng đó, bài kiểm tra này chỉ là một cột mốc để bạn chứng tỏ khả năng thôi, nếu thất bại thì hãy học hỏi và đứng lên để tiếp tục đánh trả trong những cột mốc, những thử thách tiếp theo!

Bạn có đủ dũng cảm đứng dậy từ “thung lũng” đề thi Quốc gia ảnh 4

Tập làm quen với chướng ngại vật bất ngờ

Những đổi mới trong đề thi cũng giúp bạn nhận ra: Khó khăn trong cuộc sống không phải lúc nào cũng được báo trước và nằm trong khả năng của bạn. Tuy nhiên, để có thể vượt lên trên tất cả mọi người, bạn phải làm được những điều người khác không làm được. 

Cánh diều mỏng bay cao được là do gió thổi ngược, con người trưởng thành được là do vượt qua những chướng ngại. Bạn Tanpopo Đoàn Phương Linh (du học sinh Mỹ, ĐH Minerva) chia sẻ rằng chính những khó khăn liên tiếp trong hơn 2 năm gap year đã giúp cho bạn í trưởng thành hơn, tìm được cách chinh phục ban tuyển sinh của ngôi trường có tỉ lệ trúng tuyển khó nhằn nhất thế giới và nhận được hỗ trợ tài chính.

Những người có xuất phát điểm càng thấp càng có nhiều động lực để cố gắng. Thất bại càng “thảm khốc”, như kì thi đại học vừa qua, bạn càng nhận ra nhiều bài học để cố gắng hơn và hiểu rõ điểm mạnh-yếu của mình hơn. Nếu có trải qua một trải nghiệm khó khăn tương tự, bạn cũng đã cứng cáp hơn để đối mặt (so với một tay mơ ngồi mát ăn bát vàng chưa từng qua “thử lửa” trước đây). Nếu không tiếp xúc với chướng ngại nào, có lẽ khi trưởng thành, một cú vấp té cũng đủ để quật ngã bạn.

Vậy nên hãy tự tin lên vì những thử thách không khuất phục được bạn sẽ luôn làm bạn mạnh mẽ hơn!

Theo Trích HHT 1266
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm