Triển lãm "Mạch di sản" nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám, 79 năm Quốc khánh và kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, do Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với Latoa Indochine tổ chức. Nơi đây trưng bày hơn 60 bức tranh, tạo diện mạo mới cho các bức tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng bằng chất liệu sơn mài, sơn khắc.
Ảnh: TikTok @yangodau |
Video: @hungpvan |
Ngoài tranh dân gian, các họa sĩ còn đem tới các góc nhìn khác ở loạt tranh lấy đề tài sen, múa đèn, phong cảnh, nhân vật… Triển lãm mở cửa tự do, từ 9h - 17h các ngày từ thứ Ba đến Chủ Nhật hằng tuần, tại tầng 1 và tầng 2 của Trung tâm Giao lưu văn hóa khu phố cũ Hà Nội (số 49 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) - hay còn được nhiều người biết tới là căn biệt thự Pháp cổ.
Biệt thự Pháp cổ trở thành địa điểm tham quan và "sống ảo" mới được lòng giới trẻ ở Hà Nội sau khi trùng tu. - Ảnh: leechiee |
Địa điểm tổ chức cũng là một yếu tố thu hút nhiều bạn trẻ ghé tới "Mạch di sản", bởi đây là nơi check-in "hot hit" thời gian gần đây. Căn biệt thự này được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, gần như để hoang và có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Một dự án trùng tu đã được Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) thực hiện từ năm 2022. Tới đầu năm nay, "tọa độ" này chính thức mở cửa đón khách tham quan.
Video: Chúng mình là Ổ OAIII |
"Trung Thu vui ký" là triển lãm trưng bày tranh minh họa có sự tham gia của 47 họa sĩ trẻ trong và ngoài nước, vừa được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến hết ngày 21/9. Mỗi bức tranh là một phong cách, câu chuyện khác nhau, gợi nhớ về ký ức tuổi thơ của nhiều người hoặc một Trung Thu những năm đã xa...
Vì thế, đây sẽ là chuyến đi một được mười, bạn vừa có thể ngắm nhìn những bức họa mới lạ mùa Trung Thu, vừa được tranh thủ dạo quanh Văn Miếu. Phiên bản "tối lên đèn" sẽ còn lung linh và đem tới một góc nhìn khác, nhất là thời gian có tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Đây không phải một triển lãm nhưng đây cũng là "tọa độ" đáng ghé qua đợt này ở Hà Nội. "Tuyến tàu điện số 6" là một dự án, không gian trưng bày và trải nghiệm văn hóa ẩm thực Hà Nội, do UBND phường Trúc Bạch chỉ đạo triển khai. Toa tàu mở cửa miễn phí, từ 15h - 22h hằng ngày, nằm ở ngã tư Ngũ Xã - Trúc Bạch, ngay ở vị trí khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình).
Ảnh: Page Tuyến tàu điện Số 6. |
"Tuyến tàu điện số 6 - Toa Bao cấp: Bếp - Chạn - Mâm" gây ấn tượng ngay bởi cách dựng hoài niệm. Tầng 1 của toa tàu là nơi trưng bày "bảo tàng thu nhỏ", nơi trưng bày những hiện vật cũ. Những đồ vật này được sưu tầm hoặc được người dân quyên góp. Bên ngoài là khu vực được bày trí như sạp báo, đánh cờ... đưa khách tham quan "quay ngược thời gian" về một góc Hà Nội thời bao cấp. Ngoài ra còn có những hình ảnh đầy gợi nhớ chất xưa như cột điện sắt nguyên bản, những chiếc xe đạp Phượng Hoàng...
Ảnh: Trọng Tài/ Báo Tiền Phong. |
Tầng 2 là khu trải nghiệm ẩm thực và ngắm cảnh. Các món ăn được chuẩn bị mô phỏng lại bữa cơm đặc trưng của gia đình thời bao cấp. Bát đĩa, chạn đựng... toàn bộ các vật dụng nhỏ nhất trong "Toa bao cấp" đều đem lại chất cổ cho không gian.
"Toa bao cấp" được thay áo mới dịp Trung thu. - Ảnh: Page Tuyến tàu điện Số 6. |
Dự án "Tuyến tàu điện số 6" sẽ còn được mở rộng trong thời gian tới. Bên cạnh "Toa bao cấp", sẽ còn 7 toa nữa được bố trí dọc theo đường Trúc Bạch. Mỗi toa là một chủ đề khác nhau mang theo di sản, là "bảo tàng thu nhỏ" văn hóa, ẩm thực Hà Nội.