Trong sự việc mà báo chí thế giới gọi là “kinh hoàng”, “choáng váng” này, một bé gái 8 tuổi làm người giúp việc đã bị nhà chủ đánh đến chết. Lỗi duy nhất của em chỉ là chẳng may để xổng mấy con vẹt nuôi, trong khi em đang dọn lồng cho chúng.
Cô bé này tên là Zohra Shah (tên cô bé có thể được viết là Zahra), làm giúp việc trông con nhỏ 1 tuổi cho chủ ở Rawalpindi (Pakistan). Em được chủ đưa tới Bệnh viện Tưởng niệm Begum Akhtar Rukhsana sau khi bị đánh đập dã man. Tuy nhiên, tại đây, em đã không vượt qua được vì những vết thương quá nặng nề trên cơ thể.
(*Lưu ý: Hình ảnh tiếp theo có thể khiến bạn thấy không thoải mái, xin hãy cân nhắc trước khi xem).

![]() |
Vụ việc của bé Zohra khiến dư luận thế giới "kinh hoàng", "choáng váng". Ảnh minh họa: Eisenberg Rothweiler.
Em Zohra đến từ thành phố Kot Addu, được cặp vợ chồng này thuê từ 4 tháng trước. Họ hàng của Zohra nói rằng, vợ chồng nhà chủ hứa sẽ cho cô bé đi học. Nhưng rồi sự việc khủng khiếp đã xảy ra. Hiện cặp vợ chồng đánh đập Zohra đang bị tạm giam đến 6/6 rồi phía cảnh sát sẽ có quyết định tiếp.
![]() |
Việc sử dụng lao động trẻ em và bạo hành dã man đang bị lên án mạnh mẽ.
Hiện vụ việc về cô bé Zohra đã được đăng lên khắp các tờ báo lớn trên thế giới, khiến tất cả mọi người đau lòng và phẫn nộ. Thượng nghị sĩ Sherry Rehman ở Pakistan đã lên tiếng rằng việc sử dụng lao động trẻ em “phải ngừng lại”. Một vị lãnh đạo khác cũng lên án hành động bạo lực của cặp vợ chồng kia, nói rằng “tính dã man” của vụ phạm tội này “khiến người ta thấy ghê sợ và kinh tởm”.
Trên Twitter tại Pakistan, hashtag #JusticeForZohraShah (Công bằng cho Zohra Shah) đang nằm trong danh sách Trending.
![]() |
Cộng đồng mạng nhấn mạnh: "Mọi mạng sống đều đáng giá".
Trong khi các cuộc biểu tình với khẩu hiệu Black Lives Matter (Mạng sống của người da đen (cũng) đáng giá) đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, thì mọi người lại đau xót với cái chết của voi mẹ ăn phải chất nổ ở Ấn Độ, rồi đến sự việc của Zohra. Trên các mạng xã hội, nhiều người đang sử dụng hashtag All Lives Matter (Mọi mạng sống đều đáng giá). Mà chẳng phải đó là điều tất nhiên hay sao?
