Nếu đồ gia dụng “trình làng” ống hút cỏ, bọc lá chuối, giới làm đẹp có mỹ phẩm Go Green, vậy school-biz cũng “giữ” thiên nhiên bằng một loạt các hoạt động rất “xanh” của teen đấy!
Liên tiếp các sáng kiến xanh
Mới đây, CLB môi trường ở THPT chuyên Ngoại ngữ (Hà Nội) đã tổ chức chương trình Green Swap lần hai, chương trình trao đổi giấy vụn và ecobrick (gạch sinh thái được làm từ chai nhựa chứa đầy rác thải) lấy cây xanh. Sau thành công của lần một với 256 kg giấy vụn và 26 chai ecobrick, chắc chắn booth đổi “rác” lấy cây sẽ xuất hiện ở sân trường Chuyên Ngoại ngữ thêm nhiều lần nữa đấy!
Kim Liên Hi.Green - “đại bản doanh” của greenager THPT Kim Liên (Hà Nội) cũng là nơi teen cùng làm ecobrick, tái chế đồ nhựa. Những giờ sinh hoạt câu lạc bộ chính là lúc các bạn ấy chia sẻ kiến thức về hệ sinh thái, bàn “chiến lược” tham gia hoạt động lớn như Tắt đèn bật ý tưởng, Ngày Trái Đất... Còn bạn nào ở THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng biết đến GHA - CLB luôn “trình làng” nhiều sự kiện như Green Life - đổi giấy vụn lấy đồ handmade, Camp Blast - trại Hè môi trường.
Không chỉ gói gọn trong phạm vi “trường bạn, trường tôi”, các chiến dịch của biệt đội greenager còn là sự chung tay của cộng đồng teen cả nước. Chẳng hạn như học sinh Hà Nội có Jarvie Project - dự án “hô biến” một bãi rác tự phát trên đường Hoàng Hoa Thám thành vườn hoa để người dân không xả rác bừa bãi. Dưới tên gọi Green Fingers Vietnam, teen 3 thành phố Hà Nội - Hải Phòng - Bắc Ninh đã tổ chức các hoạt động thu pin, workshop tái chế rác thải nhựa... dành cho các bé tween và teen trên địa bàn.
Bạn Khánh Phương (THPT chuyên Ngoại ngữ), Phó BTC Striped Project, một dự án môi trường của học sinh Hà Nội chia sẻ: “Striped đã thay đổi mình rất nhiều. Mình học được cách tái chế, phân loại giấy vụn, biến hóa mấy quyển vở tưởng như là vô dụng thành những quyển sổ xinh xinh. Và trong thời gian làm việc và học làm đồ tái chế như vậy mình cũng quen thêm được rất nhiều bạn mới nữa, cùng nhau cắt dán, dạy nhau những cách hay ho để bảo vệ môi trường và đặc biệt còn được chạy sự kiện chính của Striped tên là "Giờ Phe", tổ chức vào tháng 8 năm ngoái nữa. Cảm giác khi bản thân làm được điều gì tốt đẹp thực sự rất tuyệt”.
Viral tình yêu thiên nhiên qua mạng xã hội
Bên cạnh nội dung “chất lừ” và các thành viên nhiệt tình hết nấc, chiến dịch bảo vệ môi trường còn gây được “sức công phá” lớn nhờ vào sự chăm chút trên các “trợ thủ” công nghệ Facebook, Instagram hoặc blog riêng.
Thay vì viết một bài dài ơi là dài rằng nên tái chế chai rỗng, dự án giảm thiểu đồ nhựa PlasFix của teen THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Hà Nội) lại truyền tải thông điệp bằng bộ ảnh siêu đáng yêu và những tâm sự rất thương về cuộc đời của chai rỗng sau khi bị “bỏ rơi”. Giống như vậy, Giọt Project kêu gọi mọi người giữ nước sạch qua câu chuyện lãng mạn giữa anh chàng hay vứt rác xuống sông và nàng tiên cá sống trong môi trường ô nhiễm. Nghe ấn tượng hơn hẳn đúng không?
Bạn Nguyệt Hạ (THPT chuyên Khoa học Tự nhiên), Trưởng ban Truyền thông PlasFix 2019 chia sẻ: “Dự án có mục đích là tác động đến nhận thức của mọi người về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. Chai nhựa là thứ gần gũi nhất với mọi người và được sử dụng một cách rộng rãi, nên chúng mình đã chọn chai nhựa làm hình ảnh chính của chuyên mục. Khi xây dựng thành một câu chuyện về vòng đời của chai nhựa và chia thành các phần để đăng bài, những điều nhóm muốn chia sẻ sẽ tạo được sự tò mò và mọi người cảm thấy hứng thú hơn khi theo dõi”.
Chưa hết đâu, nếu ghé qua ngôi nhà online của các câu lạc bộ, chúng mình thường xuyên nhận được nhiều thông tin bổ ích. Chẳng hạn như Green School Club - CLB của trường THPT chuyên Ngoại ngữ sẽ chỉ bạn cách chăm sóc cây non, tác hại từ việc xả giấy vụn ra môi trường sống. Green Enviroment Club của teen THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) rất chăm cập nhật tin thiên nhiên bị tàn phá, chia sẻ kiến thức về các nhân tố tự nhiên và tổ chức mini game “thử thách” độ hiểu biết của NTT-ers.
Mở rộng “bản đồ xanh” tới các “mầm non”
Không chỉ hướng tới những “chiến binh xanh” từ trường THCS, THPT, dự án “cộp mác” greenager còn gieo cảm hứng tới các em học sinh Tiểu học - thế hệ “mầm non” sẽ tiếp nối các bạn ấy giữ sạch thành phố.
Một ví dụ là Greenucation, dự án giáo dục về môi trường mới được thành lập, nhưng chặng đường “tỏa sóng” lại không hề ngắn chút nào đâu nhé! Trong mùa đầu tiên hoạt động, các bạn ấy đã ghé qua 4 trường Tiểu học để gặp gỡ “hậu bối”. Bạn Hà Anh (TNV dự án) tâm sự: “Chúng mình gọi đó là Green Class, nghĩa là lớp học xanh dành cho những mầm xanh. Ở mỗi trường học, mình lại được dành thời gian chia sẻ về đất, nước, không khí... đồng thời còn dạy các em nhỏ làm đồ chơi từ chai nhựa bỏ đi nữa. Được nhìn thấy các bạn đó thích thú với việc tái chế, khoe thành phẩm với mình là một việc vô cùng ý nghĩa!”.
Trong khi đó, các HSGS-ers dành riêng ngày dạy học PlasShare trong chuỗi hoạt động PlasFix 2019 của mình tại trường Tiểu học Đoàn kết (Hà Nội). Mang theo những cây sen đá xanh, tím... và vô số trò chơi, kiến thức xoay quanh giảm thiểu rác thải nhựa, teen đã dành cả ngày để giúp các em nhỏ hiểu ra của việc bảo vệ môi trường.
Dù khác tên gọi, khác nội dung nhưng tin rằng những chương trình, dự án nhỏ của các bạn học sinh đều đem đến sự thay đổi trong suy nghĩ, hành động của cộng đồng teen. Bảo vệ môi trường đang là vấn đề nóng mà ai cũng cần quan tâm, còn việc gia nhập “biệt đội” greenager thì đâu có khó đâu bạn nhỉ!