Xét tuyển sớm là đợt tuyển sinh trước khi Bộ GD&ĐT tổ chức xét tuyển trên hệ thống chung vào tháng 7-8. Các trường chủ yếu xét học bạ, điểm từ các kỳ thi riêng (đánh giá năng lực, đánh giá tư duy...), xét kết hợp nhiều tiêu chí như giải học sinh giỏi, điểm chứng chỉ quốc tế (IELTS, SAT, A-Level...). Việc này đã phổ biến 5 - 6 năm qua.
Chính vì vậy, bên cạnh dành thời gian để ôn thi tốt nghiệp THPT Quốc gia hằng năm, một lượng lớn teen 12 cũng dành thời gian để ôn các chứng chỉ ngoại ngữ, chuẩn bị điểm học tập hay các kỳ thi Đánh giá năng lực.
Trong đó, dự kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quy định cơ sở đào tạo có thể xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp. Chỉ tiêu xét tuyển sớm do trường quy định nhưng không quá 20% chỉ tiêu từng ngành, nhóm ngành đào tạo…
Ngoài ra, nếu xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12, các phương thức xét tuyển phải quy về một thang điểm chung…
Thông tin về việc "siết" chỉ tiêu xét tuyển sớm khiến nhiều teen lo lắng về cơ hội học tập tại trường ĐH trong mơ. Ảnh: Trang Huyền. |
Thông tin này nhanh chóng khiến nhiều teen cấp Ba lo lắng, bởi việc giảm chỉ tiêu xét tuyển sớm, đồng nghĩa với việc mức độ cạnh tranh sẽ tăng cho cả kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy và tốt nghiệp THPT Quốc gia.
Hoàng Minh (lớp 12 trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM) cho biết, nếu quy định giảm chỉ tiêu xét tuyển sớm xuống còn 20%, bạn sẽ khó có cơ hội trúng tuyển sớm vào Học viện Ngoại giao. Hoàng Minh cho biết, năm 2024, trường dành 70% chỉ tiêu xét học bạ cho ba nhóm (học sinh trường chuyên, đạt giải cấp tỉnh trở lên, có chứng chỉ quốc tế), bạn vẫn còn thấy "chới với", nếu giảm xuống còn 20%, Hoàng Minh chỉ còn cách nhắm đến các trường đại học, học viện có mức điểm thấp hơn.
Thông tin trên cũng khiến Minh Ngọc (lớp 12 trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) lo lắng, vì bắt đầu từ đầu năm học, Minh Ngọc đã ôn luyện cho các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy cũng như chứng chỉ ngoại ngữ SAT. "Mình đọc tin này khi chỉ cách ngày thi SAT của mình 1 tuần, thật sự rất lo lắng vì không biết quy định này có áp dụng luôn năm học này hay không, nhưng mình mong Bộ GD&ĐT sẽ cho học sinh cơ hội thích nghi."