Một du học sinh người Trung Quốc, 18 tuổi, ở Sydney, đã biến mất bất ngờ, khiến bạn bè cô lo lắng và báo cảnh sát vào ngày 8/9, cảnh sát New South Wales (NSW, Úc) cho biết.
Sau đó, những bức ảnh và video hình du học sinh này bị trói đã được gửi qua ứng dụng WeChat tới cho gia đình của cô ấy ở Trung Quốc. Tiếp theo, một (hoặc một số người) liên lạc với gia đình của du học sinh này, tự xưng là cảnh sát Trung Quốc, yêu cầu gửi tiền cho họ để đảm bảo là cô ấy sẽ được an toàn.
Một sinh viên nữ người Trung Quốc đã bị lừa để chụp những bức ảnh giống như mình bị bắt cóc. Ảnh: NSW Police.
Tất nhiên, trong tình huống đó thì gia đình của du học sinh rất hoảng loạn. Hơn 213.000 đôla Úc (hơn 3,6 tỷ đồng) đã được chuyển tới một tài khoản ở nước ngoài.
Tuy nhiên, đến tuần trước thì cảnh sát Úc và các nhà chức trách Trung Quốc đã tìm thấy nữ sinh viên kia đang an toàn ở Pyrmont (Sydney).
Sự việc này dường như bắt đầu khi nữ sinh viên nói trên nhận một e-mail từ người lạ, tự xưng là cảnh sát Trung Quốc, bảo rằng thông tin cá nhân của cô đã bị sử dụng bất hợp pháp trên một bưu phẩm ở nước ngoài.
Một thanh niên 22 tuổi hiện đang bị cảnh sát mời về điều tra.
Những vụ lừa "bắt cóc ảo" thường nhằm vào du học sinh châu Á, đặc biệt là du học sinh Trung Quốc. Ảnh: NSW Police.
Cảnh sát NSW cho biết, trong vòng chưa đầy 2 tháng, đã có nhiều vụ lừa “bắt cóc ảo” nhằm vào du học sinh châu Á, chủ yếu là du học sinh Trung Quốc tại Úc. Bọn chúng đánh vào điểm yếu của những gia đình ở cách xa con em mình và tống tiền.
Đã có ít nhất 9 du học sinh tại Úc là nạn nhân của những vụ lừa này, và tổng số tiền được chuyển cho bọn tội phạm là không dưới 3,4 triệu đôla Úc (gần 58 tỷ đồng).
“Chiêu” của những kẻ thực hiện “bắt cóc ảo” là gọi điện cho du học sinh, nói bằng tiếng mẹ đẻ của du học sinh đó, tự nhận rằng mình là người của đại sứ quán hoặc cảnh sát. Du học sinh bị bảo rằng sẽ bị trục xuất hoặc bị bắt, trừ phi gia đình trả một khoản tiền đảm bảo.
Một vụ lừa "bắt cóc ảo" khác. Ảnh: NSW Police.
Sau đó, các du học sinh phải gửi ảnh chính mình bị trói và bị bịt miệng, rồi phải tự chuyển đến một khách sạn nào đó ở tạm và cắt mọi liên lạc với bên ngoài. Khi du học sinh làm theo, bọn tội phạm sẽ gửi những bức ảnh đó tới gia đình của họ và đòi tiền, từ 20.000 đến 500.000 đôla Úc (340 triệu đến 8,5 tỷ đồng). Cá biệt có gia đình bị đòi đến 2 triệu đôla Úc (34 tỷ đồng).
Nạn nhân bị lừa để tạo ra những vụ bắt cóc "fake". Mà nhận những bức ảnh thế này thì gia đình nào không choáng? Ảnh: NSW Police.