Mới đây, cộng đồng mạng đã truyền tay nhau chia sẻ dòng trạng thái cảnh báo về việc sử dụng chăn sưởi. Theo đó, tài khoản V.T.C đã đăng tải loạt hình ảnh ghi lại khung cảnh hiện trường sau vụ cháy cùng dòng trạng thái: "Cháy nhà tôi do chập điện chăn sưởi. Mọi người an toàn, cứu hoả kịp thời, thiệt hại không quá nặng nề".
Chiều 12/12, chia sẻ với báo chí, lãnh đạo đội PCCC quận Đống Đa, Hà Nội đã xác nhận sự việc và cho biết vào lúc 5h12 phút sáng cùng ngày, đơn vị nhận được tin báo có cháy tại một căn phòng tầng 4 trong một con ngõ nhỏ ở Hào Nam (Đống Đa). Sau đó, lực lượng chức năng đã khẩn trương có mặt, tiến hành dập lửa.
Theo chủ nhà, nguyên nhân vụ hỏa hoạn có thể do tấm đệm sưởi bằng điện cho chó cưng gặp sự cố nên đã bốc lửa, bén vào ghế sofa. Tại hiện trường, nhiều đồ đạc trong phòng đã bị hư hỏng do cháy như điều hòa, bàn ghế, cửa sổ,... Đồng thời các hộ dân xung quanh cũng lo lắng vì sợ lửa có thể lan rộng.
Sự việc sau khi được đăng tải đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Bởi Hà Nội đang trong những ngày nhiệt độ giảm sâu, chỉ dưới 12 độ C, các thiết bị sưởi ấm được người dân tận dụng triệt để để chống lại cái lạnh. Tuy nhiên không phải ai cũng sử dụng chúng một cách an toàn, chỉ cần sơ hở một chút cũng có thể xảy ra những hậu quả đáng tiếc do chập điện gây cháy nổ hoặc giật điện.
Bỏng nặng, cháy nhà chỉ vì thiết bị sưởi ấm không phải chuyện hiếm...
Trước đó, đã từng có khá nhiều sự việc tương tự xảy ra do sử dụng các thiết bị sưởi ấm. Chia sẻ trên báo chí, ông Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng bộ môn Thiết bị điện, khoa Điện, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết ông cũng từng là nạn nhân của việc sử dụng gối điện. Khoảng 20h, ngày 3/12 vừa qua, chiếc gối điện của gia đình ông bị chập điện khiến toàn bộ hệ thống điện trong nhà bị sập. Rất may, vì là người có chuyên môn về điện nên ông đã ngắt điện kịp thời. Nguyên nhân gây chập được xác định là do gối điện không tự động ngắt điện khi đã đủ nhiệt. Chiếc gối quá nóng dẫn đến cháy và gây chập điện trong nhà.
Đầu năm 2016, bé Nguyễn Thị Bảo Trâm, 17 tháng tuổi, đã phải nhập viện trong tình trạng bỏng chi dưới, mông bẹn và bộ phận sinh dục do túi sưởi nóng bị bục. Bác sĩ Vũ Hùng, Khoa Chấn Thương - Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết bé bị bỏng sâu cấp độ 3.
Mẹ bé, chị Nguyễn Thị Lan kể lại, do thời tiết lạnh nên chị dùng túi sưởi giữ ấm cho con. Tuy nhiên chiếc túi sưởi đang sạc để trong lòng bé Trâm đã phát nổ khiến bé bị bỏng nặng. Chị Lan cũng bị bỏng nhẹ ở chân do nước từ túi sưởi chảy ra.
Tháng 12/2016, tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội anh Nguyễn Hải B. bật đèn sưởi trong nhà tắm. Không may, trong lúc đang tắm, chiếc đèn đột nhiên phát nổ khiến anh B. bị bỏng phần mặt và toàn thân.
Theo một đại diện tại Viện Bỏng quốc gia, hàng năm số ca cấp cứu bỏng do dụng cụ sưởi ấm gây ra là không hề nhỏ. Trong đó, đa phần là trẻ em bởi bố mẹ để các em gần các dụng cụ sưởi. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp trẻ tò mò, nghịch ngợm những dụng cụ sưởi đã dẫn đến bỏng hoặc cháy nhà.
Hãy tận hưởng một "mùa Đông không lạnh" thật an toàn!
Đệm sưởi, chăn sưởi hay túi sưởi,... đa phần đều có cấu tạo cực điện làm nóng, rơle khống chế nhiệt ở khoảng 60 - 70 độ. Chia sẻ trên báo chí, kỹ sư điện Lê Thế Cường (công tác tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, túi sưởi hay chăn điện cũng có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng giống như các thiết bị điện khác nếu chúng ta không biết cách sử dụng an toàn và có các kiến thức về đồ dùng điện. Nguy hiểm hơn cả đó là túi sưởi có thể phát nổ gây bỏng hoặc hỏa hoạn.
Về nguyên lý, chăn, gối hay túi sưởi bằng điện sẽ tự ngắt khi đủ nhiệt. Khi nhiệt độ giảm đến một mức nhất định thì rơle lại bật. Nhưng không phải lúc nào nó cũng vận hành đều đặn như thế, hoặc chỉ một chút sơ sẩy trong quá trình sản xuất cũng sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Nếu sử dụng lâu, dây điện có thể bị đứt, ngấm nước mà người dùng không hề hay biết. Vì vậy khi cắm điện sẽ gây giật. Hiện nay, các loại chăn, đệm, túi sưởi không rõ nguồn gốc được bày bán rất nhiều trên thị trường và rất khó để đảm bảo an toàn với các mặt hàng này. Chỉ cần một dây dẫn điện không tốt, hộp cảm biến có vấn đề không điều chỉnh được nhiệt độ cũng có thể gây ra những sự cố ngoài tầm kiểm soát.
Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2 - Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội chia sẻ, trước khi sử dụng chăn điện cũng như các thiết bị sưởi khác cần kiểm tra kĩ dây may so, khi sử dụng nên điều chỉnh nhiệt độ vừa phải.
Trẻ nhỏ là đối tượng cần được hết sức lưu ý với loại thiết bị này. Để đảm bảo an toàn, các loại máy sưởi nên để xa trẻ em với khoảng cách 1 - 2 mét. Đã có nhiều trường hợp chỉ vì các bé "tè dầm" mà dẫn đến chập điện gây cháy, nguy hiểm hơn cả là giật điện ảnh hưởng đến tính mạng.
Trước khi cắm điện nên kiểm tra lại các thiết bị xem có hiện tượng gì khác thường không. Các thiết bị quá cũ không nên sử dụng. Đối với các loại chăn, nệm, túi có chứa dung dịch phải thường xuyên kiểm tra xem có bị rỉ nước, rách mép hay không. Không nên dùng vật nặng đè lên tránh gây bục. Các chuyên gia đặc biệt lưu ý chúng ta không sử dụng túi sưởi, chăn điện,... khi đang sạc pin hoặc cắm điện tránh trường hợp hở điện.
Trên thị trường hiện nay ngày càng có nhiều loại thiết bị sưởi ấm với các loại mẫu mã vô cùng đa dạng. Song không phải mặt hàng nào cũng được kiểm định chất lượng. Vì vậy để bảo vệ chính mình và người thân, hãy chọn mua những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và luôn tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất các bạn nhé!