Lợi dụng danh xưng uy tín để lấy lòng tin
Nhận được tin nhắn nhờ bình chọn tranh vẽ của học sinh bằng cách nhấp vào link có đuôi là “hoahoctro”, chị Hạnh Chi (Nha Trang) đã không nghi ngờ mà đăng nhập vào website, nhập các thông tin như tên đăng nhập và số điện thoại, mật khẩu Facebook.
Chị Chi chia sẻ: “Tin nhắn đó đến từ một cô giáo trên trường chị quen biết. Chính vì vậy khi mà nhận được lời mời bình chọn là chị cũng tin tưởng mặc dù cách nói chuyện của cô có hơi lạ. Đến sau khi mất acc Facebook thì mới chị biết tài khoản của cô giáo vốn đã bị hack từ trước rồi”.
Giả danh báo Hoa Học Trò, những kẻ gian đã lấy tên báo để lừa nạn nhận click vào website nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân. Ảnh: NVCC |
Cụ thể về cách thức lừa đảo, chị còn cho biết, khi nhấp vào link bình chọn, trang web có giao hiện rất chi tiết và y như thật, kẻ gian còn “chỉ điểm” cho chị Chi hãy bình chọn cho tác phẩm vẽ số 1. Chị thuật lại: “Ngay khi vừa bấm vào phần bình chọn, website đó sẽ hiện lên thông báo cần đăng nhập Facebook. Chị điền đến 3-4 lần luôn nhưng hệ thống cứ báo mình là “sai mật khẩu”. Chị cũng không nghĩ nhiều mà thoát khỏi website đó rồi ngủ trưa.”
Tuyệt đối không chuyển khoản nếu chưa gọi điện kiểm tra rõ ràng. Ảnh: Báo Phụ nữ Online. |
Tận dụng buổi trưa khi mọi người đang nghỉ ngơi, kẻ trộm thông tin đã sử dụng tài khoản của cô giáo để gọi video cho chị Hạnh Chi liên tục nhiều lần. Khi bắt máy, chị chia sẻ rằng màn hình bên đầu đây bên kia là màu đen, chỉ nghe những tiếng alo không rõ ràng của cô giáo.
“May mắn là chị đã cảm thấy có gì đó không ổn nên lúc mở camera, chị không giơ điện thoại show hết mặt mà chỉ lộ vùng miệng mà thôi. Đến vài ngày sau khi mất nick Facebook, bạn bè chị mới kể lại là những kẻ gian đã ghi âm lại giọng nói của chị, tải về hình ảnh call video của chị để gọi bạn bè, người thân mình mượn tiền”.
Cần tỉnh táo và cảnh giác trước mọi quyết định
Điều đáng sợ là khi giả danh chị Hạnh Chi mượn tiền, tên hacker còn gửi thông tin tài khoản ngân hàng có họ tên của chị để người thân, bạn bè không mảy may nghi ngờ.
“Bạn bè của chị khi nhận được tin nhắn mượn tiền cũng có cảm giác không ổn, nhưng mà khi nhập thông tin tài khoản ngân hàng để chuẩn bị chuyển thì nó lại hiện tên của chị, thế là bạn chị đã chuyển ngay 15 triệu đồng cho kẻ lừa đảo. Đến khi “ngờ ngợ” ra và gọi lại số điện thoại cho chị thì mới vỡ lẽ mình đã bị lừa mất tiền”, chị Hạnh Chi kể lại.
Anh Nguyễn Quốc Thắng (Giám đốc trung tâm giáo dục an ninh mạng Athena) cho biết: “Thao tác nhấp vào các link độc hại, không rõ nguồn gốc sẽ khiến cho các thông tin cá nhân của bạn trên mạng sẽ bị đánh cắp dễ dàng. Chúng ta đã rất nhiều lần vô tình tự tay “giao thông tin cho giặc” thông qua các ứng dụng chơi game, mạng xã hội, các cuộc gọi yêu cầu cung cấp thông tin cho việc nào đó quan trọng”.
Anh Thắng còn cho biết, những kẻ lừa đảo thường sẽ chọn vào thời điểm giữa trưa để gọi nạn nhân vì lúc đó mọi người còn đang nghỉ ngơi, ngủ trưa, chưa đủ tỉnh táo nên sẽ dễ bị "mắc bẫy". Ảnh: Báo Tiền Phong |
Đến hiện nay, các phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thông tin cá nhân đã ngày càng biến tướng và tinh ti. Các kẻ gian sẽ lợi dụng vào những mối quan hệ như giả dạng bạn bè, người thân, đối tác để khiến nhiều người không mảy may mà chuyển tiền. Để tránh được những nguy cơ lừa đảo, mất tài khoản mạng xã hội, ngân hàng vào tay giặc, bạn đọc báo Hoa Học Trò cần lưu ý những điều sau:
- Không nhấp vào các đường link không rõ nguồn gốc, có những dấu hiệu lừa đảo như: tên website sai chính tả, ngữ pháp, tên đường link sử dụng quá nhiều dấu câu (chấm, phẩy) ngăn cách, viết hoa và viết thường không theo trật tự.
- Không cung cấp các thông tin nhạy cảm như mật khẩu mạng xã hội, số CCCD, số điện thoại trên các trang web nghi ngờ lừa đảo.
- Luôn kiểm tra chéo và nhiều lần về danh tính của người nhận tiền trước khi xác nhận chuyển tiền (ví dụ như gọi số điện thoại, gặp mặt trực tiếp,...)