Chi tiêu từ 5-7 triệu đồng/tháng đối với sinh viên có phải là "lãng phí"?

Chi tiêu từ 5-7 triệu đồng/tháng đối với sinh viên có phải là "lãng phí"?
HHT - "Đó là những khoản chi tiêu cần thiết hàng tháng mà mình nghĩ bạn sinh viên nào cũng đều phải trải qua mà thôi..." - Trần Nhậm, sinh viên năm cuối Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ.

Kế hoạch chi tiêu sao cho hợp lý, tiết kiệm luôn là vấn đề được nhiều sinh viên quan tâm bởi không phải ai cũng có điều kiện để sống dư dả, thoải mái. Không ít sinh viên chọn cách thắt chặt "ngân khố", hạn chế tối đa những việc làm không cần thiết để tiết kiệm. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc tiết kiệm một cách khắc khổ như vậy không phải cách tốt.

Tại Hà Nội - nơi được cho là "đắt đỏ" nhất trên cả nước thì mọi chi phí sinh hoạt thường ngày cũng cao hơn so với những tỉnh thành khác. Để trang trải được cuộc sống tại Thủ Đô, nhiều sinh viên phải "thắt lưng buộc bụng" cho khỏi tốn kém. Nhưng cũng có không ít sinh viên chia sẻ rằng, họ vẫn đủ khả năng để chi tiêu ở mức từ 5-7 triệu đồng/tháng nhờ đi làm thêm chăm chỉ ngoài giờ học trên lớp.

"U-ta-chi" một phần, phần còn lại tự kiếm

Bạn Trịnh Ánh Nguyệt (SN 1997, sinh viên năm 3 Học viện Báo chí và tuyên truyền) không ngần ngại tiết lộ rằng, mỗi tháng cô nàng thường chi tiêu "tất tần tật" các khoản hết hơn 6 triệu đồng.

May mắn hơn nhiều bạn khác, Ánh Nguyệt được bố mẹ chu cấp hàng tháng đầy đủ nhưng cô nàng vẫn chọn cách đi làm thêm vào mỗi buổi tối để có thêm nguồn thu nhập. 

Chi tiêu từ 5-7 triệu đồng/tháng đối với sinh viên có phải là "lãng phí"? ảnh 1
Cô bạn Trịnh Ánh Nguyệt đến từ Hà Giang, hiện đang là sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền.

Chia sẻ về kế hoạch chi tiêu hàng tháng của mình, Ánh Nguyệt bật mí: "Hiện tại mình đang ở một mình tại một phòng trọ nhỏ ở quận Nam Từ Liêm nên chi phí rơi vào khoảng 2,1 triệu đồng/tháng. Thêm vào đó, mỗi tháng mình sẽ phải trả thêm 100.000 đồng tiền nước, khoảng 500.000 đồng tiền điện vào mùa Hè vì có sử dụng cả điều hòa. Tiền gửi xe là 100.000 đồng/tháng, tiền mạng với tiền rác là 100.000 đồng. Như vậy, tổng các khoản cho việc thuê nhà mỗi tháng hết gần 3 triệu đồng". 

Chi tiêu từ 5-7 triệu đồng/tháng đối với sinh viên có phải là "lãng phí"? ảnh 2
Căn phòng trọ nhỏ đơn giản của Ánh Nguyệt.

Do gia đình hiện đang sinh sống tại thị trấn Mèo Vạc (Hà Giang), cách Hà Nội khoảng hơn 400km nên Ánh Nguyệt chỉ về quê mỗi năm hai lần. Vì thế, cô nàng cũng không thường xuyên nhận thực phẩm "tiếp tế" từ gia đình do khoảng cách khá xa. Bận rộn với lịch học trên lớp, lại tranh thủ làm thêm buổi tối nên Ánh Nguyệt cũng không hay nấu ăn tại phòng. Cô nàng thường lựa chọn ăn ngoài hàng quán cho tiện, khi thì bún phở, khi thì cơm hộp qua loa.

"Buổi sáng mình thường ăn bún hoặc phở, giá dao động từ 20-30.000 đồng/bát. Trưa và tối thì mình ăn cơm ngoài quán, có hôm thì nấu ăn tại phòng. Vì mình đi học và đi làm nhiều nên luôn ăn uống đủ bữa để đảm bảo sức khỏe. Trung bình mỗi ngày tiền ăn uống của mình khoảng 80.000 đồng và một tháng khoảng gần 2,5 triệu đồng", Ánh Nguyệt chia sẻ.

Cô nàng cho biết thêm, thường thì ngoài tiền nhà và ăn uống thì hội con gái thường tốn thêm nhiều khoản linh tinh khác như mỹ phẩm, đồ làm đẹp, dầu gội, sữa tắm,... nhưng bản thân rất ít khi trang điểm nên Ánh Nguyệt không quá tốn kém trong khoản mua sắm các sản phẩm chăm sóc nhan sắc. Cô bạn cũng ước tính một tháng sẽ dành ra khoảng 500.000 đồng để chi tiêu lặt vặt, sắm những vật dụng cần thiết.

Ngoài ra, Ánh Nguyệt còn tốn khoảng 300.000 đồng/tháng cho tiền xăng xe vì đi lại nhiều. Chưa kể có những sự kiện hay tụ tập ăn uống cùng bạn bè cũng làm cô nàng tiêu tốn thêm một khoản nhỏ.

Từ các khoản chi tiêu như vậy, Ánh Nguyệt ước tính rằng, bản thân thường tốn khoảng hơn 6 triệu đồng/tháng. Cô bạn cũng không ngần ngại chia sẻ rằng, bản thân được gia đình chu cấp 5 triệu đồng/tháng và số tiền kiếm được từ việc làm thêm cũng giúp cô nàng "rủng rỉnh" tiền và chi tiêu khá thoải mái.

"Mình may mắn vì được gia đình hỗ trợ nhiều nhưng không có nghĩa vì thế mà mình ỷ lại. Mình chăm chỉ đi làm thêm bằng những việc như chạy bàn, làm nhân viên quán trà sữa. Mỗi tháng mình cũng có thể kiếm được khoảng 3-4 triệu đồng từ việc làm thêm. Mình nghĩ rằng, nếu chăm chỉ và chịu khó tự kiếm cho bản thân nguồn thu nhập thì sinh viên hoàn toàn có thể chi tiêu một cách thoải mái. Vẫn có những tháng mình tiêu ít hơn vì còn tùy thuộc vào hoàn cảnh và những yếu tố khác nữa", Ánh Nguyệt bày tỏ.

Nhiều người tỏ ra khá ngạc nhiên với mức chi tiêu của Ánh Nguyệt vì theo đó, con số 6 triệu/tháng là mức "khủng" mà nhiều gia đình, vợ chồng trẻ sống tại Hà Nội còn phải khắt khe tính toán chứ sinh viên đâu đến mức tiêu như vậy. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, không chỉ Ánh Nguyệt mà nhiều sinh viên tại Hà Nội cũng đang sinh sống với kế hoạch chi tiêu từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Chưa có người yêu, chi tiêu đều đều từ 5 - 7 triệu

Chàng sinh viên năm cuối Đại học Công nghiệp Hà Nội Đặng Trần Nhậm cũng tiết lộ rằng, cậu bạn thường tiêu tốn khoảng 6 triệu đồng/tháng dù đã cố gắng hạn chế những khoản chi tiêu không cần thiết. 

Chi tiêu từ 5-7 triệu đồng/tháng đối với sinh viên có phải là "lãng phí"? ảnh 3
Cậu bạn Đặng Trần Nhậm - sinh viên trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.

"Mình cùng một người bạn thân thuê chung một căn nhà nhỏ có hai phòng ngủ tại Cầu Diễn thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội với giá 3 triệu đồng. Hàng tháng, tiền điện, nước, mạng của bọn mình tốn khoảng gần 1 triệu đồng nữa. Vì mình và bạn cùng phòng cũng bận đi học và đi làm thêm, lại hai đứa con trai nên lười, thường ăn ở ngoài quán chứ không mấy khi nấu nướng ở nhà.

Thường thì mình ăn uống không đúng giờ giấc và không theo bữa do bận rộn đi làm thêm nhiều nhưng trung bình một tháng mình tiêu khoảng 2,5 triệu tiền ăn. Tiền xăng xe đi lại rơi vào khoảng 400.000 đồng/tháng. Mình con trai ít phải mua sắm đồ cá nhân nhưng cũng dành ra khoảng 1 triệu đồng/tháng để chi tiêu các khoản phí phát sinh khác như tiền nạp thẻ điện thoại, tiền mua đồ dùng trong nhà,...".

Chi tiêu từ 5-7 triệu đồng/tháng đối với sinh viên có phải là "lãng phí"? ảnh 4
Chi tiêu từ 5-7 triệu đồng/tháng đối với sinh viên có phải là "lãng phí"? ảnh 5
Chi tiêu từ 5-7 triệu đồng/tháng đối với sinh viên có phải là "lãng phí"? ảnh 6
Căn nhà trọ tiện nghi, đầy đủ mà Trần Nhậm đang thuê ở cùng cậu bạn thân.

Anh bạn cũng chia sẻ thêm rằng, ngoài việc học tập trên trường, Trần Nhậm còn đang hoạt động trong lĩnh vực diễn viên tự do, làm người mẫu ảnh và đóng quảng cáo để có thêm nguồn thu nhập trang trải cho các sinh hoạt phí hàng ngày. Bố mẹ chỉ chu cấp một khoản tiền nhỏ hàng tháng, còn lại thì anh bạn tự làm thêm để đảm bảo cuộc sống của sinh viên xa nhà. Mỗi tháng, Trần Nhậm cũng chi tiêu ở mức 6 triệu đồng.

Chi tiêu từ 5-7 triệu đồng/tháng đối với sinh viên có phải là "lãng phí"? ảnh 7
Chi tiêu từ 5-7 triệu đồng/tháng đối với sinh viên có phải là "lãng phí"? ảnh 8
9x thường đi diễn xuất trong phim sitcom hay đóng quảng cáo để kiếm thêm thu nhập.

"Đó là những khoản chi tiêu cần thiết hàng tháng mà mình nghĩ bạn sinh viên nào cũng đều phải trải qua mà thôi. Thường thì do công việc nên nhiều khi mình cũng có những cuộc hẹn, bữa tiệc tùng không thể từ chối nên khoản tiền dành cho việc giao lưu, gặp gỡ bên ngoài cũng khá tốn kém. Mình cũng chưa có bạn gái nên không tốn kém khoản dẫn người yêu đi chơi, đi ăn uống gì cả. Thỉnh thoảng thì mình mua sắm cho bản thân thêm bộ quần áo hoặc đôi giày mới mà thôi", Trần Nhậm chia sẻ.

Theo nhiều người bày tỏ, việc sinh viên chi tiêu ở mức trên 5 triệu đồng/tháng quả thực là lãng phí và xa xỉ. Dù là gia đình có điều kiện hay không thì sinh viên cũng không cần thiết phải chi tiêu quá thoải mái vì còn nhiều việc cần dùng đến tiền thiết thực hơn. Nhưng theo những sinh viên có mức chi tiêu từ 5-7 triệu/tháng, họ cho rằng việc nào cần thiết thì họ buộc phải đầu tư chứ không thể cái gì cũng khắc khổ, tằn tiện được vì điều kiện sống và công việc mỗi người mỗi khác.

Đi làm thêm cũng là gợi ý tốt được nhiều bạn sinh viên đề xuất để có thêm nguồn thu nhập cho cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Thậm chí còn có thêm khoản tiền tiết kiệm để dành vào những việc thực sự cần thiết. Tiêu bao nhiêu không hẳn là điều quan trọng nhất nhưng tiêu như thế nào, làm sao để đáp ứng được mức chi tiêu phù hợp với mỗi người thì luôn là vấn đề được nhiều bạn trẻ quan tâm, cân nhắc.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

HHT - Bình thường vẫn nóng và khô theo kiểu sa mạc, thậm chí vài hôm trước vẫn rất nóng bức, nhưng rồi thành phố Dubai (UAE) bất ngờ có mưa to. Mưa nhiều đến mức lượng mưa trong một ngày bằng tổng lượng mưa ở đây trong 2 năm, gây rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân vốn không quen với mưa thế này.
Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

HHT - Nắng nóng tiếp tục diễn ra gay gắt tại nhiều nơi trên cả nước, trong đó có các tỉnh Tây Bắc Bộ. Tại Yên Châu (Sơn La), mức nhiệt đo được lúc 13h lên đến 41,7 độ C. Trong khi đó, Đông Bắc Bộ có nền nhiệt duy trì ngưỡng cao nhất khoảng 29-32 độ C. Vì sao lại có sự khác biệt rõ rệt này?