1001 định nghĩa về du lịch
Những tưởng, chuyến đi “chinh phục mọi đường biên giới” của Cassie sẽ truyền cảm hứng đến với những người trẻ đam mê du lịch. Nhưng không, chính Cassie cũng bất ngờ, bởi bủa vây cô bạn toàn là những lời nghi hoặc, “ném đá”, cho rằng đó chỉ là chuyến hành trình ảo-không-tưởng.
Mặc dù đã đăng những video hành trình trải nghiệm của mình trong suốt chuyến đi, nhưng Cassie bẫn bị cộng đồng mạng chấn vấn: “Liệu đi vi-vu lướt gió thời gian như vậy, Cassie sẽ nhận được gì ngoài con số quốc gia kỷ lục?”, hay “Liệu Cassie có “ăn gian” hành trình và tiền bạc trong chuyến đi vòng quanh thế giới của mình?”…
Nhắc đến hành trình của Cassie, người ta lại bỗng nhớ đến những hiện tượng dịch chuyển tại Việt Nam. Còn nhớ, Huyền Chip với chuyến đi “vòng quanh thế giới với 700 đô-la” bị cư dân mạng ném đá không thương tiếc: “Nói dối thế mà cũng được à?”. Hay cô bạn Võ Thị Mỹ Linh với chuyến đi “phượt Mỹ” bị cho là chuyến đi “lừa bịp” khi chỉ tốn có 300 đôla…
Rõ ràng chúng ta có những định nghĩa và quan niệm khác nhau về “du lịch”. Có người cần trải nghiệm đầy đủ từ ẩm thực đến nơi ở. Có người lại chỉ cần được thấy mình đổi-khác sau mỗi chuyến đi: Mở lòng hơn, gặp gỡ nhiều người và mở mang tầm tin. Có người muốn thử thách bản thân với hành trình không tưởng, có người lại chỉ muốn đến một ốc đảo yên bình và thư giãn ở đó.
Với Cassie De Pecol, ngay từ đầu, mục tiêu của cô bạn là “chinh phục Quả Đất” trong thời gian ngắn nhất. Điều đó có gì là sai?
Đi du lịch với những mục tiêu khác nhau cũng hiển nhiên như việc những khách sạn hạng sang với phòng suite và những phòng dorm giường tầng cùng đắt khách vậy.
Đi một ngày đàng, học một sàng khôn
Phần lớn những lời chỉ trích cho rằng, với tốc độ đi “bão gió”, Cassie chẳng kịp cảm nhận chút nào bản sắc địa phương. Nói cách khác, cô bạn không nhận lại được gì ngoài những dấu nhập cảnh của 193 quốc gia và 3 vùng lãnh thổ.
Nhưng thực tế, Cassie chia sẻ: “Nếu tôi không gặp gỡ các quan chức địa phương, nói chuyện với sinh viên đại học, thu thập mẫu cho các tổ chức khoa học, xin visa hay làm các hoạt động quảng bá thì đúng là tôi tự do du lịch một mình thật, nhưng thời gian cho điều đó rất ít ỏi”.
Để hiện thực hóa chuyến đi của mình, ngoài 10.000 đôla (khoảng hai trăm ba mươi triệu đồng) tiền dành dụm, Cassie xin tài trợ của các tổ chức. Và những hoạt động trong suốt chuyến đi là để đổi lại cho nguồn tài trợ đó, cũng là những trải nghiệm du lịch mà Cassie lựa chọn.
Với tư cách là Đại sứ hòa bình của Viện Quốc tế Hòa bình thông qua Du lịch cùng tổ chức Skal International, Cassie đã gặp gỡ những sinh viên du lịch để thảo luận về du lịch và kinh tế bền vững.
Đó cũng là những trải nghiệm thú vị mà một chuyến du lịch tự túc thông thường không thể mang lại. Cũng như Huyền Chip đã chinh phục được Stanford bằng câu chuyện “xách ba lô” đầy khác biệt.
Đừng để mạng xã hội ngăn cản ước mơ của bạn!
Cassie chia sẻ: “Sự bắt nạt và phỉ báng trên mạng không phải trò đùa. Trước đây tôi đã từng có lần chỉ trích những nhân vật của công chúng trên mạng. Nhưng sau khi bản thân phải chịu phỉ báng trên mạng quá nhiều trong hơn bốn năm qua, giờ tôi cực lực phản đối hành vi đó, giờ tôi đã hiểu những gì mà các nạn nhân phải gánh chịu hàng ngày”.
“Tôi thực sự lo lắng cho những người quyết tâm thực hiện giấc mơ của mình, và rồi mạng xã hội khiến họ cảm thấy rằng họ không xứng đáng với cuộc sống họ đang có hay đạt được điều gì đó lớn lao cho mình.”
Qua Facebook của mình, Cassie kêu gọi mọi người cân nhắc kỹ trước khi đưa ra những bình luận tiêu cực: “Bạn có thể góp phần đẩy nạn nhân đến bờ vực khi thậm chí còn không biết rằng họ đọc được comment của bạn. Đó là thực tế tàn nhẫn mọi người cần biết và những người có lượng theo dõi đông đảo cần ý thức thường trực.”
PHƯƠNG TRINH