Có phải học sinh châu Á đang bị "xử ép" khi ứng tuyển vào Đại học Mỹ?

Có phải học sinh châu Á đang bị "xử ép" khi ứng tuyển vào Đại học Mỹ?
HHT - Sự kiện Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tiến hành điều tra các cáo buộc liên quan đến việc trường ĐH Harvard phân biệt chủng tộc trong chính sách tuyển sinh và kết luận trường này “không tuân thủ” luật liên bang đã gây chấn động nước Mỹ.

Nhiều trường đại học hạng top của Mỹ bị cáo buộc phân biệt chủng tộc 

Theo nhà báo Steve Kurtz, tác giả bài viết Harvard đối mặt với cuộc điều tra của Bộ Tư Pháp vì chính sách thiên vị - đăng trên trang The Wall Street Journal ngày 22/11 thì cuộc điều tra xoay quanh cáo buộc Harvard phân biệt chủng tộc thể hiện qua việc hạn chế số lượng sinh viên châu Á được nhận vào trường.

Thật ra, những phàn nàn về việc Harvard phân biệt chủng tộc đã xuất hiện từ những năm 1920, khi Hiệu trưởng trường này từng cố gắng hạn chế sĩ số sinh viên Do Thái.

Có phải học sinh châu Á đang bị "xử ép" khi ứng tuyển vào Đại học Mỹ? ảnh 1

Theo báo Economist, Micheal Wang, một học sinh Mỹ gốc Á sống tại California, có hồ sơ “khủng” (đứng hạng Nhì trong khối gồm 1.002 học sinh, đạt 36 điểm bài thi ACT, top 150 kì thi Toán học Quốc gia, đạt giải Ba cuộc thi Piano toàn quốc, hát trong lễ nhậm chức của Tổng thống Obama và từng nhiều lần tham gia vào chung kết cuộc thi tranh biện toàn quốc) lại bị tới 6/7 trường Ivy League từ chối. Khi viết email hỏi nguyên nhân, Micheal chỉ nhận lại được những câu trả lời mờ mịt từ các trường, có nơi còn không thèm hồi âm.

Trang themercurynews.com đã đưa tin một vụ kiện trong đó những sinh viên có tố chất, bằng cấp, hoạt động ngoại khóa tương tự nhau lại có “số phận” khác nhau khi ứng tuyển vào những trường đại học “danh giá”.

Theo tờ The Atlantic, vào năm 2005, một nghiên cứu ở Princeton (Mỹ) cho thấy học sinh gốc Á phải đạt trung bình hơn các học sinh khác tối thiểu 160 điểm trên bài kiểm tra SAT để được đánh giá tương đương trong quá trình tuyển sinh, phải đạt hơn các học sinh Latin 270 điểm và hơn các học sinh da đen 450 điểm mới có thể có cơ hội ngang bằng để vào những trường này - số điểm “dư” này được gọi ngầm là “thuế châu Á”.

Có phải học sinh châu Á đang bị "xử ép" khi ứng tuyển vào Đại học Mỹ? ảnh 2

Nhiều người cho rằng học sinh Mỹ gốc Á vượt trội hơn (hoặc buộc phải cố gắng để vượt trội hơn) bạn bè đồng lứa về điểm SAT hoặc ACT. Dữ liệu từ College Board (đơn vị tổ chức thi SAT) năm 2015 cho thấy đúng là điểm của người Mỹ gốc Á vượt trội hơn, và tính từ năm 2006, chỉ học sinh Mỹ gốc Á có tiến bộ trong điểm SAT.

Điểm SAT được chia theo sắc tộc, số liệu năm 2015

Có phải học sinh châu Á đang bị "xử ép" khi ứng tuyển vào Đại học Mỹ? ảnh 3

Theo số liệu trên, điểm Đọc hiểu trung bình của học sinh Mỹ da trắng nhỉnh hơn người Mỹ gốc Á một chút, còn ở các hạng mục khác thì nhóm học sinh Mỹ gốc Á vượt trội nhất, và theo sau đó là nhóm da trắng.

Nhóm Điểm SAT trung bình năm 2015 Sự khác biệt so với năm 2006 (*)
Mỹ gốc Ấn 1423 -27
Mỹ gốc Á 1654 +54
Người da đen 1277 -14
Mỹ gốc Mexico 1343 -28
Người da trắng 1576

-6

 Điểm SAT trung bình, và sự khác biệt so với năm 2006 (chia theo sắc tộc/nhóm dân tộc). Ở cột (*), số âm thể hiện điểm năm 2015 có sự tụt lùi so với năm 2006, và ngược lại.

Điểm ACT cũng có sự tương đồng như các số liệu nêu trên. Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao những thí sinh gốc Á có điểm thuộc hàng top lại phải nhường “vé” cho những người thuộc sắc tộc khác có số điểm thấp hơn vào trường?

Thông minh là chưa đủ để vào ĐH top?

Có phải học sinh châu Á đang bị "xử ép" khi ứng tuyển vào Đại học Mỹ? ảnh 4

Đáp trả những lời kết tội trong vụ kiện, phía ĐH Harvard cho rằng mình đã làm đúng theo tiền lệ trong suốt 40 năm qua của Toà án Tối cao, cho phép các trường ĐH sử dụng chủng tộc như một tiêu chí tuyển sinh để đạt được hiệu quả cao nhất từ việc xây dựng môi trường học đường đa sắc tộc.

Trên trang themercurynews.com, tác giả Scott Herhold nhận định: Tiêu chí tuyển sinh của các trường top khác với những gì chúng ta thường nghĩ. Các trường tư ở Mỹ (như Harvard) thường khuyến khích con của những cựu sinh viên vào trường. Các trường này còn muốn thắng các giải đá bóng, vì thế họ sẵn sàng tuyển các sinh viên là các cầu thủ. Họ muốn có sự đa dạng vì thế cơ hội là cho tất cả mọi người ở toàn bộ các yếu tố - như không chỉ học giỏi là đủ. Và tất nhiên, họ cũng rất thích các sinh viên thông minh, và điều đó lại không chỉ được căn cứ dựa vào điểm trong lớp, hay điểm SAT.

Nhưng phần lớn các trường ĐH Mỹ không chia sẻ quan điểm đưa chủng tộc vào làm điều kiện xét tuyển như Harvard. Hơn 2/3 số trường đại học đã báo cáo với Hiệp hội Tư vấn Tuyển sinh Đại học Quốc gia (National Association for College Admission Counseling) rằng vấn đề sắc tộc và nhóm dân tộc không hề ảnh hưởng đến quyết định tuyển sinh, và chỉ có 3,4% số trường nói rằng vấn đề về sắc tộc và nhóm dân tộc có ảnh hưởng đáng kể.

Có phải học sinh châu Á đang bị "xử ép" khi ứng tuyển vào Đại học Mỹ? ảnh 5

Năm 2015, Văn phòng Quyền công dân của Bộ Giáo dục Mỹ kết luận rằng, không chỉ những người Mỹ gốc Á khó khăn để vào ĐH Princeton. Những thí sinh có điểm cao nhưng không đáp ứng đủ các điều kiện khác vẫn bị loại, và trong đó tất nhiên có những người gốc Á; có 82% thủ khoa trong kì thi đầu vào 2010 bị loại, và hơn 50% thí sinh có điểm SAT I đạt 2400 (đạt điểm tối đa, theo cấu trúc đề thi cũ) bị loại. Theo trường này, để trúng tuyển còn cần phải dựa vào các yếu tố khác, chứ không phải chỉ có điểm số, và thí sinh trúng tuyển cũng có những người châu Á.

Để làm rõ hơn, trường Princeton chỉ ra vào năm 2010, có những thí sinh gốc Á trúng tuyển với số điểm thi thấp hơn những người không phải gốc Á không trúng tuyển. Có học sinh gốc Á trúng tuyển mà “chỉ” đạt điểm 3.45/4.0 ở trường phổ thông (tức chưa phải là top của các thí sinh ứng tuyển) nhưng lại là vận động viên quốc gia; có hai bạn Mỹ gốc Á khác có điểm cấp Ba lẫn SAT thấp nhưng lại có những điểm đáng lưu ý như: Làm các dịch vụ cộng đồng, vượt khó, và làm việc trong công ty gia đình.

Hiện vụ kiện của trường Harvard vẫn chưa đi tới hồi kết. Nhưng việc tuyển sinh đại học không chỉ dựa trên điểm số thì hoàn toàn hợp lý phải không nào! Vậy nên nếu tăm tia du học Mỹ, bạn đừng chỉ tập trung vào điểm số mà hãy chú ý để có một hồ sơ toàn diện, nói lên sự đặc biệt của bạn nhé!

HY DI - GIA HƯƠNG

Ảnh trong bài chỉ mang tính minh họa

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm