Đối với người lao động, người làm công ăn lương, tiền thưởng Tết không chỉ là là chế độ đãi ngộ giúp họ thêm gắn bó với công ty mà đó còn là nguồn động viên, sự ghi nhận cho những nỗ lực cống hiến trong suốt một năm vừa qua. Nguồn thu nhập từ thưởng Tết cũng là khoản tiền giúp nhiều người lao động trang trải, mua sắm trong dịp Tết đến Xuân về.
Mặc dù thưởng Tết không phải là khoản chi bắt buộc song nhiều công ty, doanh nghiệp vẫn cố gắng chi thưởng Tết "khủng" để thu hút và giữ chân người lao động. Một số doanh nghiệp trong điều kiện hạn hẹp đã thay tiền thưởng Tết bằng hiện vật như lời cảm ơn gửi đến các nhân viên nhân dịp Tết Nguyên đán.
Mới đây, một dân mạng chia sẻ về câu chuyện của anh bạn thân cũng là sếp một công ty nọ đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Cụ thể, anh sếp này cho biết, một số nhân sự trong công ty của anh sau khi cố nán lại làm việc những ngày cuối năm để nhận tiền thưởng Tết của công ty thì chưa đầy một tuần sau đã có 3 người xin nghỉ việc.
"Mới trả thưởng Tết Âm lịch cho nhân viên được chưa đầy một tuần, tôi nhận liền 3 tờ đơn xin nghỉ việc. Sao giới trẻ bây giờ vô ơn vậy nhỉ?", anh bạn tôi bức xúc kể trong buổi cà phê cuối tuần vừa rồi" - là câu chuyện đang gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Bài đăng này sau khi xuất hiện trên mạng xã hội đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người, trở thành vấn đề gây tranh cãi khá "gắt". Nhiều dân mạng đã lập tức đưa ra quan điểm trái chiều, rằng chính bản thân anh sếp trẻ cũng nên xem lại mình và phía công ty, bởi thực chất chẳng có mối quan hệ ơn - nghĩa ràng buộc nào ở đây cả, vấn đề nhân viên xin nghỉ việc sau khi nhận thưởng cũng không có gì là sai trái.
(Ảnh minh hoạ từ Internet) |
Mặt khác, có một số người dùng mạng xã hội lại cho là anh sếp này không nói gì sai cả, bởi nhiều công ty hiện nay rơi vào tình hình khó khăn nhưng vẫn cố gắng co kéo để chi thưởng cho nhân viên, nhưng nhiều người sau khi nhận thưởng Tết thì lại bỏ việc không thương tiếc, làm như vậy là không biết thông cảm cho phía doanh nghiệp.
- Khi nào sếp lượm bạn từ ngoài đường, không tài, không cán, mang về đào tạo, đối tốt với bạn, đưa lên để có như hôm nay thì mới dùng từ vô ơn được, còn nếu tuyển bạn về thì đó là trao đổi công bằng nếu người lao động cảm thấy những gì công ty mang lại cho họ không xứng với công sức họ thì họ nghỉ là chuyện rất bình thường.
- Nếu gặp trường hợp doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ, vẫn cố gắng chi thưởng dù lỗ vì thương nhân viên thì lại là chuyện khác, cũng là thông cảm được nỗi bực bội này của vị sếp trẻ thôi.
- Chẳng có gì là ơn nghĩa cả, trao đổi công bằng thôi. Người lao động dùng sức lao động để đổi lấy tiền lương. Không ai cho không ai cái gì cả. Chủ lao động trả đủ lương là nghĩa vụ. Tiền thưởng nghe có vẻ hay nhưng đó là đãi ngộ để nhân viên suy nghĩ xem có nên gắn bó với công ty hay không. Với một nơi đãi ngộ tốt thì tinh thần thoải mái, tinh thần thoải mái sẽ làm việc tốt hơn. Cống hiến nhiều hơn cho công ty.
Nói thẳng ra, lợi nhuận của doanh nghiệp nhiều hơn thì người được hưởng lợi nhiều nhất ở đây là chủ chứ không phải người lao động. Đối xử tốt với nhau thì có lợi cho cả đôi bên thôi.
- Cảm giác thưởng đậm cho anh em để động viên tinh thần, nhưng cầm tiền xong lại viết đơn nghỉ việc, ai làm chủ mới hiểu cảm giác đó như thế nào.
- Những người mang tư tưởng thưởng Tết cho nhân viên là ban ơn thì nên dẹp công ty luôn, đừng tuyển nhân viên nữa. Thật sự, đây là khoản tri ân của ông chủ dành cho nhân viên của mình. Vì họ đã cống hiến cho công ty cả năm rồi.