Để không cháy túi vì mua sắm, hãy trả lời 5 câu hỏi này trước khi rút ví

Để không cháy túi vì mua sắm, hãy trả lời 5 câu hỏi này trước khi rút ví
HHT - Người trẻ nào chẳng nghiện mua sắm, và cảm giác được sở hữu món đồ mình thích thì thật là tuyệt. Nhưng nếu không tập kiềm chế bản thân thì bạn cũng sớm rỗng ví mà thôi.

Bạn muốn có món đồ đó. Và bạn muốn có nó ngay lập tức. Và có quá nhiều thứ hấp dẫn khi đâu đâu cũng là màu sắc rực rỡ, không gian trang trí lộng lẫy và những tấm biển “sale off”. Nhưng hãy hít thở sâu và tự hỏi mình những câu này trước khi bạn mở ví nhé!

Để không cháy túi vì mua sắm, hãy trả lời 5 câu hỏi này trước khi rút ví ảnh 1

Mình có thể mua được thứ này không?

Đây có vẻ như một câu hỏi… thừa thãi!

Nhưng trả lời câu hỏi này không đơn giản đâu. Bạn có thể đang có tiền trong ví, nhưng chỗ tiền đó đều đã gắn với những dự định quan trọng và những việc phải làm khác rồi. Nếu thế thì rõ ràng là bạn KHÔNG thể mua được món đồ hiện tại. Bạn thực sự cần tập chi tiêu theo một ngân sách nhất định cho mỗi tuần hoặc mỗi tháng.

Các nhà kinh tế học gợi ý bạn nên đặt giới hạn cho từng “hạng mục” chi tiêu, ví dụ như thời trang và giải trí. Bạn có thể ghi ra giấy hoặc để riêng tiền vào các phong bì, nhưng dù bằng cách nào thì mục tiêu cũng là như nhau: biết rõ mình có thể tiêu những gì từ TRƯỚC khi bạn đi mua sắm.

Để không cháy túi vì mua sắm, hãy trả lời 5 câu hỏi này trước khi rút ví ảnh 2

Mình có được gì từ món đồ đó?

Rất nhiều người đã từng mua một lốc “sữa giảm cân” hoặc “dầu xả dạng xịt” có thể nói cho bạn biết rằng bạn hoàn toàn có khả năng tiêu một đống tiền cho một thứ mà không lâu sau đó bạn sẽ… tiếc.

“Tuyệt chiêu” để tránh những khoản chi tiêu hối hận như vậy là nghĩ lần thứ hai xem mình sẽ có được gì từ món đồ mà bạn định mua.

Thực ra, không có món đồ nào là hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu cả. Nhưng bạn nên tìm một cảm giác hài lòng nho nhỏ mà bạn đặc biệt thích thú, như là một chai nước hoa xinh xinh, hoặc một buổi đi xem phim, và dùng chúng làm “thước đo” cho những khoản mua sắm khác.

Ví dụ, bạn hãy nghĩ: “Mình có vui hơn khi tiêu 200K cho đôi giày này không, hay là với 200K cho hai lần đi xem phim thì mình vui hơn?”. Và, nếu cảm giác vui thích, hài lòng khi bạn mua một món đồ chỉ đến từ hành động mua nó, thì đó có lẽ không phải là một khoản mua sắm tốt.

Để không cháy túi vì mua sắm, hãy trả lời 5 câu hỏi này trước khi rút ví ảnh 3

Mình đã chọn được mức giá gần như tốt nhất chưa?

Vội vàng mua sắm có một tác dụng phụ: Thường thì bạn phải trả nhiều tiền hơn mức cần thiết. Đó là vì trong cơn bốc đồng, bạn không thể biết được là mình đã có được mức giá tốt chưa, vì bạn không “nghiên cứu” một chút nào cả.

Không phải chỉ bạn, mà rất nhiều người cũng mua đồ chỉ vì chúng đang giảm giá, mà không xem xét những nơi khác. Ví dụ, chỉ vì món này ở cửa hàng A đang giảm giá không có nghĩa là bạn không thể mua được nó với giá rẻ hơn ở cửa hàng B.

Vậy hãy “nhấn phanh” trước một khoản chi tiêu đủ lâu để ít nhất có được một hai mức giá ở các cửa hàng khác khác mà so sánh. Đôi khi, việc này chỉ đơn giản là bạn vào mạng bằng điện thoại để tìm kiếm một tẹo thôi mà.

Ngoài ra, việc có thêm thời gian để so sánh cũng là cách tốt để bạn bớt bốc đồng và có thể sẽ suy nghĩ kỹ hơn.

Để không cháy túi vì mua sắm, hãy trả lời 5 câu hỏi này trước khi rút ví ảnh 4

Mình sẽ tốn bao nhiêu thời gian để có số tiền đó?

Khi bạn đang “tối mắt” vì một món đồ (tưởng như) giá hời nào đó, thì chỉ một phép tính đơn giản cũng có thể khiến mắt bạn… sáng hơn: nghĩ xem bạn có thể có được số tiền bằng với giá của món đồ bằng cách nào, và mất bao lâu. Ví dụ, nó sẽ bằng tiền ăn sáng + tiêu vặt (do phụ huynh tài trợ) trong 4 tuần; hoặc bằng tiền lương làm thêm (vất vả) trong 3 tuần – vậy bạn có chắc là bạn sẵn sàng mua nó nữa không? Biết rằng mình phải làm những gì để có thể trả tiền cho một món đồ là cách tốt để bạn chi tiêu có suy nghĩ hơn.

Để không cháy túi vì mua sắm, hãy trả lời 5 câu hỏi này trước khi rút ví ảnh 5

Mình phải bỏ những gì để mua được nó?

Đối với hầu hết chúng ta, thì thiếu thốn là đương nhiên. Chúng ta không thể có đủ tiền để mua tất cả những gì chúng ta cần và muốn, nên mỗi khoản chi tiêu là một khoản “đổi chác”.

Thật đáng tiếc là chúng ta lại có xu hướng phớt lờ thực tế này đi khi định mua một thứ gì đó ngay trước mắt.

Cách tốt nhất để không thể phớt lờ được nữa chính là một ngân sách riêng. Bạn nên đặt tiền vào những ngăn riêng của ví, hoặc lấy giấy kẹp riêng tiền ra, tùy vào việc khoản đó phải dùng làm gì. Như thế bạn sẽ nhớ rõ hơn và tránh được việc chi tiêu vô tổ chức.

Nói cách khác, nếu bạn biết rằng tiền mua cái áo (đang giảm giá) đó sẽ phải được lấy ra từ tiền đã để dành riêng để mua bộ DVD ca nhạc mà bạn đang rất mê mẩn, thì có thể bạn sẽ nghĩ lại về cái áo.

Và sau đó thì chẳng phải tiếc hùi hụi vì đã không mua nổi bộ DVD K-Pop tuyệt cú mèo mà bạn mong chờ đã lâu.

Theo tuần san hoa học trò
MỚI - NÓNG
Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?
Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?
HHT - Nắng nóng sẽ diễn ra tại hầu hết các địa phương trên cả nước trong dịp nghỉ lễ, nếu có kế hoạch du lịch, vui chơi ngoài trời cần chú ý bảo vệ sức khỏe, tăng cường chống nắng tránh nguy cơ say nóng, đột quỵ. Thế nhưng liệu Hà Nội có nóng tới tận 41 độ C như dự báo của các ứng dụng thời tiết?

Có thể bạn quan tâm