Như định mệnh, như là trò đùa của vị thần may rủi, trong 16 đội tuyển ở nhóm 2 và nhóm 3 vòng loại, cơ hội cho Việt Nam gặp Thái Lan chỉ có xác suất 12,5% đã trở thành hiện thực. Lần thứ ba trong 6 tháng qua, hai nền bóng đá lại gặp nhau. 2 trận trước đó, cả ở cấp độ đội tuyển cũng như U23, là 2 chiến thắng của người Việt Nam.
Từng ấy vẫn là chưa đủ, 2 đội vẫn phải gặp lại nhau. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam và Thái Lan sẽ gặp nhau với tư cách 2 kẻ ngang hàng ở giải đấu chính thức tầm châu lục.
So với cuộc gặp gỡ hồi tháng 6, cả Việt Nam và Thái Lan đều sẽ được chuẩn bị tốt, mạnh mẽ, quyết tâm hơn. Với cả Thái Lan và Việt Nam, đánh bại đối thủ không chỉ là nhiệm vụ, đó còn là cuộc đối đầu của định mệnh.
Mối duyên nợ giữa bóng đá Việt Nam và Thái Lan
Định mệnh từng chọn Thái Lan làm kẻ ngáng đường bóng đá Việt Nam.
4 kỳ SEA Games từ năm 1995 tới 2005, bóng đá Việt Nam 4 lần về nhì dưới tay người Thái. Nhiều thất bại trước đó của tuyển Việt Nam ở Tiger Cup và AFF Cup đều dưới tay Thái Lan. Trước khi Singapore và Malaysia nổi lên ở Đông Nam Á, tuyển Việt Nam luôn là kẻ về nhì trong những cuộc đấu mà Thái Lan là người thắng.
Vòng loại World Cup 4 năm về trước, Thái Lan đánh bại tuyển Việt Nam ở Mỹ Đình với chiến thắng 3-0. Tại SEA Games gần nhất, vẫn Thái Lan, vẫn cách biệt 3 bàn. Việt Nam với Thái Lan không chỉ là nỗi đau thất trận, đó còn là sự tuyệt vọng, là cảm giác bất lực trước một địch thủ hoàn toàn vượt trội.
Định mệnh chọn Thái Lan làm kẻ đứng trên Việt Nam. Tại Đông Nam Á, bóng đá Thái Lan ám ảnh Việt Nam hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Với Việt Nam, Thái Lan là đối thủ, đối tượng để học hỏi. Từ thời Kiatisak còn tung hoành ở V.League tới ngày Chanathip tỏa sáng tại Nhật Bản, thành tựu bóng đá Thái đã luôn ám ảnh người Việt Nam. Tuy nhiên, những điều đó đang dần thay đổi.
Dưới sự dẫn dắt của Park Hang-seo, chính Việt Nam cũng đang trở thành “con ngáo ộp” ngáng đường người Thái. Từ đầu năm tới nay, Thái Lan thua Việt Nam ở cả cấp độ U23, đội tuyển lẫn CLB (Bangkok United thua CLB Hà Nội). 2 năm qua, Việt Nam thăng hoa ở giải nào, thì Thái Lan bại trận tại giải đấy. Khi Việt Nam mạnh nhất, cũng là lúc Thái Lan yếu nhất, khi người Thái ngại Việt Nam hơn cả, thì đôi bên lại liên tiếp đối đầu.
Định mệnh đã khiến kẻ này ngáng chân người kia trên từng cung đường lịch sử, và hiện tại là lượt của bóng đá Việt Nam.
2 giai đoạn khủng hoảng của bóng đá Thái Lan
Cuộc khủng hoảng hiện tại của bóng đá Thái Lan có thể tạm chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn một bắt đầu từ vòng loại World Cup hồi cuối năm 2016 tới Asian Cup 2019. Đặc điểm của thời kỳ này là các thất bại liên tiếp trước nhóm đối thủ hàng đầu châu lục mà đỉnh điểm là 2 trận thua với cùng tỷ số 0-4 trước Nhật Bản và Iraq. Tuy nhiên, thất bại ở vòng loại World Cup 2018 chỉ khiến Thái Lan nhận ra họ còn cách xa đẳng cấp châu lục.
Tại Đông Nam Á, tuyển Thái vẫn vô địch AFF Cup 2016, U23 Thái Lan vẫn giành HCV SEA Games 2017. Nền móng của bóng đá Thái Lan trong giai đoạn này không bị ảnh hưởng. Họ vẫn sản sinh ra các ngôi sao, vẫn liên tục đưa người sang Nhật Bản. Vị thế của họ vẫn dẫn đầu Đông Nam Á, nền bóng đá vẫn đủ khả năng thu hút các chiến lược gia hàng đầu.
Mọi thứ chỉ thực sự trở nên tồi tệ trong giai đoạn 2 kéo dài từ Asian Cup 2019 tới nay.
Giai đoạn này chứng kiến những thất bại nặng nề ở cấp độ đội tuyển và U23. Tuyển Thái Lan thảm bại trước Ấn Độ, bị loại tại Asian Cup trước khi thua Việt Nam, đứng hạng 4 King’s Cup (thấp nhất trong lịch sử). U23 Thái Lan đại bại ở Mỹ Đình, chỉ được dự VCK U23 châu Á 2020 với tư cách chủ nhà.
Trong giai đoạn này, cuộc khủng hoảng đã lan rộng tới mọi ngóc ngách của bóng đá Thái. Sau tuyển quốc gia, U23 và U19 Thái Lan đồng loạt thua Việt Nam. Tuyển Thái thất bại ở tất cả giải đấu tầm khu vực và châu lục trong 2 năm qua, bị Malaysia loại ở bán kết AFF Cup. Muangthong của Thái Lan chìm trong khủng hoảng, còn Bangkok United bị CLB Hà Nội của Việt Nam loại ở cúp châu Á.
Bóng đá Thái lần đầu tiên không còn giữ được vị thế anh cả khu vực sau nhiều năm. Họ không còn là điểm đến yêu thích của các HLV danh tiếng và phải dự King’s Cup với HLV tạm quyền. Nền móng bóng đá Thái cũng bị ảnh hưởng khi lứa trẻ của họ thảm bại trước Việt Nam trong khi nhiều gương mặt ở đội tuyển đã bước sang sườn dốc bên kia sự nghiệp.
Hàng loạt HLV danh tiếng đã từ chối Thái Lan trước khi họ chiêu mộ thành công Akira Nishino. Hiệp hội Bóng đá Thái Lan (FAT) phải gấp rút bổ nhiệm Giám đốc kỹ thuật người Tây Ban Nha Carles Romagosa.
Ở giai đoạn trước, UAE hay Nhật Bản mới đủ sức khiến Thái Lan lao đao. Trong giai đoạn sau, Ấn Độ hay Việt Nam cũng khiến người Thái phải cúi đầu. Từ giấc mơ châu lục, Thái Lan giờ không giữ nổi ngai vàng khu vực. Từ vài trận thua cấp đội tuyển, thất bại lan tới các đội trẻ, ảnh hưởng tới cả nền bóng đá, làm chao đảo các kế hoạch và tham vọng lâu dài của bóng đá Thái.
Gặp lại ở World Cup
Giữa những khó khăn chồng chất, chiêu mộ thành công Akira Nishino có thể xem là thắng lợi quan trọng của người Thái. Chiến lược gia 64 tuổi từng để lại những dấu ấn đậm nét ở Olympic và World Cup. So với 2 HLV huyền thoại từng thành công tại châu Á là Philippe Troussier và Guus Hiddink, Nishino có sự thấu hiểu và đồng cảm với bóng đá châu lục hơn. So với những người cùng màu da như Shin Tae-yong hay Hajime Moriyasu, ông kinh nghiệm hơn và có những thành tựu được cả thế giới thừa nhận. Có HLV đẳng cấp, lại mang quốc tịch châu Á như Nishino là thuận lợi rất lớn cho Thái Lan.
Mang về Nishino sau quá trình đàm phán rất dài và phức tạp là bằng chứng cho thấy tầm nhìn, sự kiên định và tinh thần không lùi bước của người Thái. Những thất bại liên tiếp không làm Thái Lan chùn bước. Họ hiểu nền bóng đá đang hướng về World Cup cần HLV ở trình độ World Cup.
May cho Việt Nam, vì đó cũng là tâm thế của chúng ta. HLV Park Hang-seo và ê-kíp của ông đều xác nhận mục tiêu lớn nhất của mình là “World Cup thực sự, World Cup 32 đội của người lớn chứ không phải giải trẻ”. Ông Park thậm chí đi xa tới mức suýt bỏ SEA Games để tập trung cho đấu trường này.
Cả cỗ máy bóng đá Việt Nam cũng vậy, VFF tuyên bố đặt trọng tâm, ưu tiên những cầu thủ tốt nhất cho vòng loại World Cup. V.League dồn lại toàn bộ lịch thi đấu, các CLB phải chơi liên tục với cường độ 4 ngày mỗi trận suốt thời gian dài. Tất cả đều vì mục tiêu hy sinh cho đội tuyển quốc gia. Chia sẻ với Báo, HLV Vũ Quang Bảo của Thanh Hóa nói: “Chính chúng tôi cũng thấy lịch thi đấu dày quá, nhưng mình phải chấp nhận những chuyện đó để chia sẻ với đội tuyển và sắp tới là cả U23 nữa. Các CLB đều ủng hộ và chúng tôi chấp nhận chuyện này”.
Những gì đang diễn ra lúc này là bằng chứng cho thấy cả Việt Nam và Thái Lan đều đang hướng về World Cup.
Bản thân Park Hang-seo và Nishino cũng là những người châu Á hiếm hoi từng để lại dấu ấn đậm nét ở World Cup. Họ cũng tới từ 2 quốc gia, 2 nền bóng đá đối địch, họ khát khao đánh bại nhau như Lee Young-jin từng bảo “chúng tôi có những lý do cá nhân để muốn đánh bại Nhật Bản” (tại ASIAD 18). Với Park và Nishino, đối đầu Việt Nam - Thái Lan có thêm tầng ý nghĩa mới, đó là cuộc chạm trán Hàn Quốc - Nhật Bản ở sân chơi Đông Nam Á, nơi cả hai HLV sẽ chiến đấu không chỉ vì chiến thắng, mà còn nhằm bảo vệ niềm tự hào dân tộc của mình.
Đối đầu tại Bangkok tháng 9 tới sẽ là lần thứ 3 Việt Nam gặp Thái Lan trong năm 2019. Đến lúc này, cảm giác háo hức vẫn còn nguyên vẹn. 90 phút tới vẫn sẽ là cuộc đối đầu cực kỳ thú vị và ý nghĩa với cả đôi bên.