... thậm chí còn tạo áp lực trong việc lựa chọn thực phẩm sạch sinh ra nỗi ám ảnh khi ăn uống. Thế nào mới đúng đây?
Sơ yếu lí lịch “cậu bé vàng” trong làng diet
Eat Clean xuất hiện khi mọi người bắt đầu chán ngán thực phẩm đóng hộp, chiên dầu và tìm kiếm nguồn thực phẩm an toàn cho sức khỏe của mình hơn. Trào lưu này bùng nổ vào những năm gần đây khi các bloggers, ngôi sao thể hình… chia sẻ những tác dụng thần kì của Eat Clean.
Chị Trang Phương Trinh (bác sĩ bệnh viện New York Presbyterian, Mỹ) chia sẻ: “Hầu hết những người chọn ăn kiểu này chọn ăn thực phẩm sạch, ít qua chế biến, càng gần với nguồn gốc ban đầu của nó càng tốt, và có người còn chọn loại bỏ hoàn toàn thức ăn làm từ động vật. Đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng ăn thực phẩm toàn phần sẽ tốt cho hệ tiêu hoá nhiều hơn là thực phẩm đã qua chế biến. Ví dụ mọi người hay lầm tưởng là uống nước trái cây đóng sẵn bán ngoài siêu thị tốt cho sức khoẻ. Thật ra, xét về mặt dinh dưỡng, uống một lon nước trái cây đóng hộp không khác gì uống một lon nước ngọt hay một ly nước đường, vì chất xơ đã bị lấy đi hết và những dinh dưỡng bình thường có trong trái cây mình ăn như vitamin hay chất chống oxy hoá hầu hết đều mất tác dụng trong quá trình vận chuyển. Đó là lý do vì sao lối sống Eat Clean hạn chế mua đồ ăn uống đã qua chế biến và chọn thực phẩm toàn phần và nguyên hạt, tránh dùng đường đơn (cacbonhydrat) sẽ rất tốt cho sức khoẻ”.
Học lại cách… ăn
Eat clean về lý thuyết là việc sử dụng thực phẩm sạch và thực phẩm tự chế biến để đảm bảo dinh dưỡng cũng như sức khỏe. Đây là một chế độ ăn giảm thiểu chất đạm và dầu mỡ để cơ thể không tiếp nhận nhiều calo rỗng, bắt buộc cơ thể sử dụng mỡ tích tụ trong cơ thể để hoạt động. Nhưng nhiều teen vẫn nghĩ rằng đây là một chế độ ăn để giảm cân và thường bỏ bữa cũng như thay thế các thực phẩm cần thiết cho cơ thể bằng cơm và rau. Những hiểu lầm này sẽ khiến teen hủy hoại cơ thể mình bằng những bữa ăn thiếu dưỡng chất cho cơ thể, gây ảnh hưởng sức khỏe cũng như hiệu quả học tập, tư duy.
Bạn Ngọc Diệp chia sẻ: “Ban đầu mình nghĩ rằng Eat Clean là “công cụ thần kì” để giảm cân, thế là mình chỉ ăn gạo lức, rau với cơm và trái cây. Thế rồi mình liên tục đau bụng, mệt mỏi và chán ngấy với các món thường xuyên lặp đi lặp lại. Mình cảm thấy mệt mỏi hơn, dễ buồn ngủ và khó tiếp thu các bài học. Giai đoạn đó mình giảm được 3kg nhưng quá mệt luôn”.
Ngoài ra, việc luôn phải tìm cách đảm bảo tất cả mọi thứ đưa vào cơ thể đều phải sạch dễ gây căng thẳng cho bạn. Health coach Quỳnh Nga (tác giả cuốn Eat Clean - Thực đơn 14 ngày thanh lọc cơ thể và giảm cân) chia sẻ: “Một số bạn trẻ đang hơi khó tính khi cho rằng tất cả mọi thứ nạp vào cơ thể đều phải “sạch”. Việc này khiến người theo Eat Clean trở nên cực đoan, gay gắt trong lựa chọn thực phẩm và khó hòa nhập với cuộc sống”.
Đầu tiên bạn cần hiểu đúng về Eat Clean. Đây không phải là một chế độ ăn kiêng nên teen tuyệt đối đừng nên bỏ bữa cũng như “đày đọa” bản thân bằng những bữa ăn không đủ dinh dưỡng.
Chị Trang Phương Trinh chia sẻ: “Phải hiểu rằng cơ thể người cần đầy đủ các chất dinh dưỡng để có thể hoạt động bình thường. Cắt bỏ bất kỳ chất nào hoàn toàn cũng đều có tác hại. Cắt bỏ thịt là cắt bỏ chất đạm, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ bắp và sự cân bằng chuyển hoá các chất trong máu, có hại cho thận. Có rất nhiều nguồn thực phẩm giàu đạm mà không đến từ động vật, như tàu hũ, seitan, các loại đậu và các loại hạt. Nguyên tắc cần nhớ là khi loại bỏ một nhóm đồ ăn nào thì phải thay thế bằng một nhóm đồ ăn tốt hơn nhưng phải có cùng giá trị dinh dưỡng”.
Giai đoạn đầu theo Eat Clean có thể bạn sẽ cảm thấy lạ và thèm ăn nhiều hơn một chút, teen vẫn có thể ăn thêm bằng cách chia nhỏ nhiều bữa ăn trong ngày, ăn trái cây, smoothie mỗi khi thèm ăn vặt và tuyệt đối “ngó lơ” thức ăn hàng quán.
Ăn đúng, tác dụng tích cực không ngờ
Chị Thu Hà (Eat Clean blogger, TP.HCM) chia sẻ: “Eat Clean có nhiều thực đơn khác nhau tùy thuộc vào thể trạng mỗi người”. Chị Kim Do (blogger Cookkim) thì chia sẻ hiệu quả của Eat Clean kết hợp cùng tập gym sau 1 - 2 tuần: “Chị thấy rõ nhất là hai lợi ích. Ăn xong chị không bị buồn ngủ. Nhất là bữa trưa. Người nhẹ, không bị cảm giác thèm ăn vặt. Thứ hai, người chị nó gọn lại. Cơ phát triển hơn, mỡ giảm xuống đáng kể và luôn ở mức thấp. Với cả để tiết kiệm thời gian, thường thì chị lên plan vào thứ Bảy, Chủ Nhật để mua thực phẩm cho cả tuần. Chiều chị về nấu ăn tối cho cả nhà và chuẩn bị đồ ăn trưa cho hôm sau, sáng dậy sớm thì chuẩn bị đồ ăn sáng. Thỉnh thoảng chị nấu 5 - 6 hộp cơm trưa rồi để tủ lạnh ăn dần”.
Đối với những bạn muốn thực hiện Eat Clean, hãy tìm hiểu thật kỹ, bắt đầu từ những bước nhỏ để điều chỉnh thói quen ăn uống. Đầu tiên hãy tập ăn gạo lứt 1 - 2 ngày trong tuần, trong giai đoạn đó hạn chế đồ ăn dầu mỡ, đồ đóng gói sẵn, nước ngọt, mỡ động vật… Ăn thật nhiều rau củ trong ngày, uống đủ nước. Đặc biệt, hãy đảm bảo ăn đủ bữa và chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để không cảm thấy đói. Nếu lo mình sẽ thèm đồ vặt không kiềm chế được thì hãy mang theo sữa chua, smoothie hoặc trái cây.
Chị Emma (blogger trang Emma Pham Kitchen) chia sẻ thêm: “Eat Clean hoàn toàn không đắt đỏ, mình ưu tiên các thực phẩm theo mùa vừa ngon vừa rẻ. Ví dụ như về tinh bột bạn hoàn toàn có thể ăn gạo lứt, khoai lang ngọt. Về protein, bạn ăn thịt cá hải sản bình thường nhưng chọn phần không nhiều mỡ, rồi bổ sung rau củ các loại”. Chị Kim Do cũng nói thêm: “Mình không đủ “rủng rỉnh” mua cá hồi thì mua cá diêu hồng, cá lóc. Thịt gà, thịt heo, thịt bò là những thực phẩm có giá bình dân. Quan trọng là cách mình chế biến gia vị và xem có cân bằng dinh dưỡng hay không”.
Có rất nhiều blogger, YouTuber và group về các thực đơn Eat Clean sẵn sàng “giải ngố” cho các teen đang “gà mờ” không biết nên bắt đầu từ đâu như group “Eat Clean and Healthy - cộng đồng ăn sạch và sống khỏe”, blogger Hana Giang Anh, blogger Emma Pham Kitchen, blogger Hà Nhêu trên Instagram với những tấm ảnh lung linh sẽ nhanh chóng khiến teen đổ đầy cảm hứng cho hành trình Eat Clean của mình.