“Cộng thêm” hoạt động - “Nhân đôi” hứng thú
NGUỒN project là dự án bảo tồn văn hóa do học sinh khối Anh của trường Phổ thông Năng Khiếu (TP.HCM) thành lập. Vừa qua, NGUỒN project đã tổ chức thành công sự kiện mộc., gây dấu ấn khi tiếp cận nghệ thuật múa rối nước qua góc nhìn mới của giới trẻ.
Chia sẻ về ý tưởng ban đầu của sự kiện này, bạn Lê Ngọc Bảo Trân (leader của NGUỒN project) cho biết: “Trong một tiết học Văn, nhóm chúng mình nhận được chủ đề thuyết trình là “Lập một bản kế hoạch để góp phần khôi phục một loại hình văn hóa có nguy cơ bị thất truyền ở Việt Nam”. Chúng mình đã lên một kế hoạch rất chi tiết để bảo tồn nghệ thuật múa rối nước và cho ra đời NGUỒN project. Sự kiện mộc. là một trong những hoạt động chúng mình đề xuất trong bản kế hoạch đó”.
Thay vì chỉ tổ chức show múa rối nước như dự định ban đầu, các bạn đã thêm vào nhiều hoạt động khác như trải nghiệm điều khiển con rối, talkshow với nghệ nhân, làm rối handmade, bói dân gian. Sự mở rộng này thể hiện lối suy nghĩ rất trẻ, rất mới; tuy nhiên cũng mang lại nhiều khó khăn về nhân lực và chi phí. Nhưng với kinh nghiệm hoạt động ở nhiều dự án khác nhau, cách làm việc nhiệt tình, kỹ lưỡng và hiệu quả, cuối cùng các bạn đã thuyết phục được các nhà tài trợ và khách tham gia.
Chị Lê Minh Châu An, một trong các nhà tài trợ cho sự kiện, chia sẻ: “Bọn chị quyết định tài trợ cho mộc. ngay sau khi biết đây là sự kiện nhằm mục đích truyền bá nghệ thuật múa rối nước. Tuy nhận được nhiều sự quan tâm nhưng sự thật là các cô chú nghệ nhân không thể kiếm sống được bằng nghề nghiệp của mình, vì vậy mà thúc đẩy các sự kiện liên quan đến múa rối nước là việc cần thiết mà chúng ta phải thực hiện”.
Gen Z chung tay - deadline là chuyện nhỏ
Nhờ uy tín của NGUỒN project trong giai đoạn quảng bá online, cũng như sự giúp đỡ của các thầy cô và nhà trường, sự kiện mộc. đã thu hút gần 30 bạn cộng tác viên (CTV) Gen Z đến từ nhiều trường khác nhau hỗ trợ chạy chương trình.
Tận dụng khoảng thời gian trong Hè, các bạn đã dành hai tháng lên ý tưởng và bắt tay vào chuẩn bị cho sự kiện trong vòng đúng một tháng. Vô số deadline như xin tài trợ, thiết kế các ấn phẩm truyền thông, bán vé, tập văn nghệ, mua vật liệu, dựng sân khấu... đã được xử lý “ngon ơ” nhờ niềm đam mê và sự kiên định với sự kiện múa rối nước chưa từng có ở các trường cấp Ba.
Anh Thư (học sinh trường quốc tế Vietnam-Finland International school, CTV) chia sẻ bạn đã học hỏi được rất nhiều kỹ năng tổ chức sự kiện và được trao dồi kiến thức về bộ môn nghệ thuật múa rối nước. Như cách các con rối được làm ra, nguồn gốc của loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc này, cách dựng sân khấu rối nước, cách vận hành tiết mục và những kỹ thuật múa rối.
Những gian hàng kết nối với quá khứ
Sự kiện mộc. đã thu hút hơn 200 khách tham dự đa dạng tuổi đời và nghề nghiệp, nhưng chung nhau sự trân trọng văn hóa cổ truyền. Từ các bạn học sinh, những cô chú lớn tuổi đến các bé tween đều say sưa trải nghiệm những gian hàng độc đáo về rối nước.
Nguyễn Hồ Nguyên Vy (sinh năm 2015) “bật mí”: “Em thích nhất gian hàng làm con rối, ở đó em có thêm những kiến thức mới. Em học được cách chế tạo và điều khiển rối nước, biết được chất liệu để tạo con rối là gỗ cây sung”.
Bạn Trương Quang Kha (học sinh trường PTNK) lại thích thú với gian hàng “Mái vòm tri thức” nhất: “Ở đây mình được học hỏi một cách trực quan và sinh động với rất nhiều chú rối nước đủ loại hình thù, từ động vật đến con người và cả những nhân vật hoạt hình chúng mình hay xem. Điều này khiến mình thấy rối nước thực sự gần gũi và tạo cảm hứng cho các sản phẩm nghệ thuật, cũng như truyền thống ông bà ta để lại thật sự rất có giá trị cho thế hệ mai sau”.
Chia sẻ về nét độc đáo của sự kiện, cô Phùng Thị Thanh Lài (giáo viên Ngữ Văn trường PTNK, mentor của NGUỒN project) cho biết: “Cô nghĩ điểm nhấn làm nên sự thành công của mộc. là dự án đã chạm đúng khát khao quay về nguồn cội với tinh thần phục dựng và làm mới những giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc của giới trẻ. Các bạn hướng về những giá trị văn hóa nghệ thuật của dân tộc Việt Nam đang bị mai một, góp phần nhắc nhớ và gìn giữ căn tính Việt trong bối cảnh giao lưu văn hóa toàn cầu.”