Giải mã trào lưu eat clean “thần thánh” - hiệu quả thực sự của nó thế nào?

Giải mã trào lưu eat clean “thần thánh” - hiệu quả thực sự của nó thế nào?
HHT - Thời gian qua, các bạn quan tâm đến fitness và chế độ ăn đẹp da giữ dáng đang xôn xao về cụm từ “Eat clean” (EC). Ở Việt Nam, làn sóng EC bắt đầu từ năm 2017, các influencers, bloggers, YouTubers đua nhau đưa ra các thực đơn EC hấp dẫn.

Lợi ích được đưa ra của chế độ ăn này nghe rất “thần thánh”: Nào là tăng cân cũng được giảm cân cũng xong, nào là tăng cơ giảm mỡ, đến detox hằng ngày... nhưng hiệu quả thực sự thì như thế nào?

Giải mã trào lưu eat clean “thần thánh” - hiệu quả thực sự của nó thế nào? ảnh 1

Định nghĩa nhanh về Eat clean

EC dịch ra là “Ăn sạch” - nghe rất đơn giản phải không? Quy tắc chung của nó tóm gọn là:

1. Ăn gì cũng được, miễn là thực phẩm sạch.

2. Tốt nhất là ăn thực phẩm toàn phần, ăn thô hoặc hạn chế chế biến.

3. Ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng chính và chủ yếu lấy từ nguồn thực vật.

4. Một số phiên bản của EC yêu cầu loại bỏ một số nhóm thức ăn khác chứa gluten hay sữa.

Điểm cộng to oạch của Eat clean

Phong phú, linh hoạt: Vì có ít nguyên tắc cần tuân thủ nên thực đơn EC thường rất đa dạng, có đến 5 - 6 bữa/ ngày nên phù hợp với những bạn thích ăn vặt rả rích nè. Có nhiều bạn đã thở phào nhẹ nhõm vì đỡ gánh nặng tinh thần hơn hẳn các chế độ ăn khắt khe khác, mà lại được sáng tạo thả ga miễn sao phù hợp với bản thân.

Cổ vũ tập luyện: EC là thường được gắn liền với một chế độ tập luyện hàng ngày để có một cơ thể khoẻ mạnh săn chắc.

Giải mã trào lưu eat clean “thần thánh” - hiệu quả thực sự của nó thế nào? ảnh 2

Đi kèm lối sống: Không chỉ dừng lại ở việc ăn, mà EC chính là cuộc vận động sản xuất thực phẩm sạch, không sử dụng hoá chất gây hại…

Điểm trừ mặt mếu của Eat clean

Người thực hiện thường chủ quan: Chính vì EC có rất ít nguyên tắc nên nhiều bạn chủ quan, không tìm hiểu kĩ nên đã thực hiện sai thế nào là sạch và tốt. Kết cục không đạt được mục tiêu rạng ngời như các “xì-lép” quảng cáo, mà sức khoẻ lại đi xuống thấy rõ.

Thiếu bằng chứng khoa học: Rất nhiều kênh truyền thông ở phương Tây như BBC, The Independent, The Guardian... đã lên tiếng về việc những tuyên bố của EC quá màu hồng mà không hề có chứng cứ khoa học. Nhiều influencers tuy đẹp lóng lánh nhưng thường không có kiến thức chuyên môn về dinh dưỡng, lại thường chỉ tốt khoe xấu che. Ý kiến của họ đang bị các nhà chuyên môn đặt dấu chấm hỏi to đùng!

Ám ảnh trở lại: Mặc cho mục tiêu ban đầu của EC là để giảm bớt ám ảnh của chúng mình về việc ăn gì hay không ăn gì, thì các tín đồ của EC dường như đang vướng vào vòng lặp ám ảnh ngoại hình, tranh cãi về thực đơn, thậm chí một số trở nên cực đoan khi lúc nào cũng phải truyền bá EC cho người khác.

Giải mã trào lưu eat clean “thần thánh” - hiệu quả thực sự của nó thế nào? ảnh 3

Cẩm nang cho bạn

Thực ra, nếu bạn vẫn muốn hưởng ứng trào lưu này thì cũng không có gì xấu, miễn là trang bị cho mình đủ kiến thức và linh hoạt áp dụng. Cùng hiểu kĩ hơn về 4 nguyên tắc của EC nè:

Hiểu thế nào là “sạch”: Sạch ở đây không chỉ đơn giản ở việc chúng mình phải rửa sạch thực phẩm trước khi chế biến, mà còn cần tìm hiểu kĩ nguồn gốc thực phẩm. Nó đến từ đâu? Đã đi qua quy trình chế biến, xử lý như thế nào? Đã được thêm vào hoá chất gì?...

Để trả lời hết các câu hỏi này không hề đơn giản, nhưng ít nhất chúng mình có thể:

- Mua thực phẩm có chứng nhận hữu cơ (organic) hoặc được nuôi, trồng quanh khu vực mình sống mà được đảm bảo không phun xịt. Nếu không rõ sạch hay không thì đừng quên ngâm nước với muối hoặc một chén giấm nhé!

- Đi siêu thị chỉ nên mua đồ ăn ở quầy tươi sống đặt ở rìa ngoài thôi, thực phẩm đông lạnh thường đã được thêm chất bảo quản để lên kệ được lâu đó!

Hiểu thế nào là “toàn phần”: Từ này nhấn mạnh đến trạng thái tự nhiên của thức ăn, nhất là rau củ quả phải được ăn ở trạng thái còn đầy đủ các phần của nó. Ví như ăn cả củ cà rốt chứ không ăn các lát cà rốt đã được thái sẵn, tẩm gia vị trong hộp, lon. Bởi vì thực phẩm đóng hộp luôn có chất bảo quản, chất điều vị, màu thực phẩm được thêm vào. Những chất này gây độc cho cơ thể và nảy sinh bệnh tật về lâu dài, sợ lắm! Hoặc gạo thì nên ăn gạo lứt vì gạo trắng không có nhiều dưỡng chất, dễ gây béo bụng nữa.

Giải mã trào lưu eat clean “thần thánh” - hiệu quả thực sự của nó thế nào? ảnh 4

Ngay cả muối, đường, dầu ăn mà có chữ “tinh luyện” thì nên tránh xa vì đã mất nhiều thành phần tự nhiên và bị xử lý hoá chất rồi. Nếu được, mình nên thay bằng muối biển không tinh luyện, đường cọ nâu, dầu mè hay dầu phụng.

Khi chế biến, chúng mình cũng nên đa dạng hoá các món trộn-hấp-luộc-xào-chiên-nướng, và đừng dùng quá nhiều gia vị muối, đường nhe!

Lấy đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng từ nguồn tốt

Nguyên nhân sai lầm của nhiều người ăn EC là không phân biệt được cùng một chất khác nhau thì cần ưu tiên nguồn nào và hạn chế nguồn nào.

Dù gì chăng nữa, đừng quên yêu thương bản thân nhé!

Bạn có ngạc nhiên không khi nghe điều này: 90% người ăn kiêng thất bại vì ngay từ đầu đã đặt mục đích sai. Đó là những mục đích xuất phát từ cảm giác sợ hãi, tội lỗi, ám ảnh về ngoại hình hay cân nặng... nó sẽ làm bạn mệt mỏi, tiêu cực và đánh mất đi vẻ đẹp thực sự của mình. Bạn cứ nhớ xem: lúc mình lo lắng xem bạn crush có để ý đến cân nặng mới giảm hay cục mụn mới mọc của mình không thì mình sẽ tim đập chân run lắm luôn, không thể là chính mình được phải không nè! Bạn có muốn bạn í thích mình-mà-không-phải-mình không?

Giải mã trào lưu eat clean “thần thánh” - hiệu quả thực sự của nó thế nào? ảnh 5

Nữ diễn viên Emma Roberts kể rằng: “Khi chị lớn lên đã nhận ra: Quan trọng là được thoải mái là mình. Chị chỉ muốn buộc tóc đuôi ngựa, không phải trang điểm, mặc quần jeans áo phông và rồi đi uống cà phê buổi sáng. Những người mà chị ngưỡng mộ và muốn ở bên nhất là những người thành công không nhất thiết vì họ đẹp mà vì khi bước vào một căn phòng nào họ cũng thắp sáng căn phòng đó lên. Hay là kiểu người mà tiệc sinh nhật của mình sẽ rất khác đi nếu thiếu họ. Đó là kiểu tỏa sáng từ trong ra!”.

Để tỏa sáng từ trong ra như vậy, bạn hãy đặt mục đích xuất phát từ yêu thương bản thân mình như chính mình đang là. Cảm giác nóng vội giảm cân sẽ rất khác cảm giác tự hào thưởng cho mình một cốc nước ép ngon xuất thần sau khi chạy bộ. Tự thưởng để rồi tự tin hơn về vẻ đẹp tự nhiên của mình, tự tôn vinh nét riêng của mình, và kiên nhẫn để cho cơ thể biến đổi từ từ với lộ trình khoa học nhé!

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm