Giới trẻ chúng ta chính là những người quyết định cách thế giới vận hành

Giới trẻ chúng ta chính là những người quyết định cách thế giới vận hành
HHT - Một chiến dịch truyền thông của Bộ Giao thông Đức hướng tới giới trẻ vừa rơi vào tình thế oái oăm: Trong khi giới chính trị ra sức “ném đá” thì giới trẻ lại lên tiếng bênh vực.

Bộ Giao thông Đức nhận “gạch đá” vì “chiều lòng giới trẻ”

Vừa qua, Bộ Giao thông ở Đức đã gây tranh cãi khi phát hành một bộ ảnh tuyên truyền việc mang mũ bảo hiểm khi đi xe đạp. Bộ ảnh có sử dụng người mẫu ăn mặc gợi cảm, với sự góp mặt của những người mẫu tên tuổi. Trong đó phải kể đến thí sinh Germany’s Next Top Model Alicija Kohler, mặc đồ ngủ và mũ bảo hiểm để tạo dáng. Câu slogan “Look like s***. But saves my life” (tạm dịch: “Nhìn chả ra gì. Nhưng nó cứu mạng tôi”) cũng đem lại không ít ý kiến trái chiều.

Giới trẻ chúng ta chính là những người quyết định cách thế giới vận hành ảnh 1

Bộ ảnh làm dấy lên nhiều quan điểm về phân biệt giới tính. Nữ chính trị gia Maria Noichl chỉ trích bộ ảnh trông “khiên cưỡng, ngu xuẩn, và phân biệt giới tính” khi sử dụng hình thể phụ nữ để quảng cáo thay vì năng lực thực sự của họ, trong trường hợp này là việc lái xe đạp. Ngoài ra, nhiều người còn cho rằng ảnh nên cho người mẫu mặc trang phục thể thao, đội nón bảo hiểm và chạy xe đạp thực sự.

Đáp lại làn sóng chỉ trích, Bộ Giao thông Đức cho rằng việc sử dụng hình ảnh trên là để thu hút giới trẻ, thành phần đi xe đạp đông nhất nước nhưng tỉ lệ đội nón bảo hiểm chỉ có 8%. “Rất nhiều người trẻ từ chối sử dụng nón bảo hiểm vì nghĩ rằng đội nó khiến họ trông xấu xí. Chiến dịch này hướng đến việc thay đổi suy nghĩ đó”, người phát ngôn của Bộ Giao thông cho hay.

Đây không phải lần đầu tiên đoạn quảng cáo hướng tới cộng đồng người đạp xe gây tranh cãi như vậy. Trước đây, hãng xe đạp Superior từng nhận vô số “gạch đá” vì đoạn quảng cáo được cho là thể hiện quan điểm đánh giá thấp phụ nữ: “Phụ nữ thường không có nhu cầu vượt qua giới hạn, chạy đua với thời gian và tăng lượng adrenaline (một loại hoóc-môn tiết ra khi cơ thể hưng phấn) khi chạy xuống dốc” nhằm bán một loại xe đạp dành cho nữ giới.

Bất chấp để chiều lòng giới trẻ

Giới trẻ chúng ta chính là những người quyết định cách thế giới vận hành ảnh 2

Quyết định của Bộ Giao thông Đức không phải không có cơ sở. Trong thời đại số, bên cạnh tính thông điệp, khán giả cũng ngày càng chú trọng đến hình ảnh bên ngoài. Một bài đăng trên Facebook sẽ nhận được nhiều tương tác hơn nếu đi kèm một hình ảnh được thiết kế bắt mắt. Đặc biệt, đối tượng mà chiến dịch trên hướng tới là giới trẻ, vốn yêu thích những nội dung độc đáo, ấn tượng, hấp dẫn. Bộ Giao thông Đức đã tận dụng đặc tính này vào chiến dịch tuyên truyền của họ.

Và kết quả, rất nhiều bạn trẻ cũng tỏ ra đồng tình với bộ Giao thông Đức. Một bình luận trên trang bicycling.com chia sẻ: “Giờ tự nhiên chúng tôi phải tỏ ra giận dữ trước một cách truyền thông rõ ràng là rất hữu hiệu trong việc khuyến khích giới trẻ Đức đội mũ bảo hiểm. Tha cho tôi đi!”. Bạn H.N (17 tuổi, TP.HCM) cũng cho rằng: “Người lớn chỉ đang làm quá lên. Thời buổi này quảng cáo nào muốn thu hút mà chẳng cần trai xinh gái đẹp tham gia”.

Ngoài ra, cách làm của Bộ Giao thông Đức cũng tuân theo lời khuyên như trên trang entrepreneur.com: “Điều quan trọng (trong các chiến dịch truyền thông) là bắt lấy sự chú ý của khách hàng và thuyết phục họ mua hàng. Sợ làm người khác bực mình ư? Trong số những người ghét quảng cáo của bạn, 98.9% vẫn sẽ đến mua sản phẩm của bạn khi họ cần.” Nhiếp ảnh gia Rankin, người thực hiện bộ ảnh, cũng lên tiếng bênh vực cho đứa con của mình: “Nếu nhìn chiến dịch theo một cách tổng thể, rõ ràng là việc tạo ra một cuộc tranh luận (và có thể một chút tranh cãi) là một yếu tố rất quan trọng. Chúng ta ai ai cũng bàn tán về nó chứng tỏ nó đang có tác dụng!”.

Có cần giật gân để lôi cuốn?

Giới trẻ chúng ta chính là những người quyết định cách thế giới vận hành ảnh 3

Mặt khác, việc sử dụng tính giật gân và gây tranh cãi có thể biến thành con dao hai lưỡi đối với các chiến dịch truyền thông.

Chắc hẳn bạn còn nhớ hãng thời trang Dolce & Gabbana đã bị tẩy chay tại thị trường béo bở Trung Quốc vì đoạn quảng cáo giễu cợt văn hóa cầm đũa, hay chiêu trò “lăng xê” cho bộ phim mới ra bằng cách tạo scandal tình ái của Kiều Minh Tuấn, An NguyCát Phượng bị khán giả phản đối dữ dội. Đó là một vài ví dụ cho thấy “chơi sốc” hoàn toàn có thể phản tác dụng, khiến người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm.

Và hơn cả, đã từng có những chiến dịch truyền thông thành công, không hề có yếu tố gây sốc, nhưng vẫn có sức lan truyền mạnh mẽ. Đơn cử như “ông trùm” ngành quảng cáo Thái Lan với những video quảng cáo là những câu chuyện hoặc ảm động rơi nước mắt hoặc hài “bể bụng” nhưng vẫn mang tính thông điệp cao. Những video này dễ dàng đạt mốc số lượng người xem khổng lồ vì đã chạm tới cảm xúc bên trong của người xem, khiến họ nhớ mãi. Rõ ràng bên cạnh vẻ ngoài bắt mắt, nếu nội dung của bạn đủ chất, khán giả sẽ tự động chuyển sự chú ý về bạn!

Quay trở lại với những hình ảnh truyền thông của Bộ Giao thông Đức, trang bicycling.com gợi ý, Bộ Giao thông Đức nên thể hiện sự “chiều lòng” giới trẻ bằng cách thiết kế những chiếc mũ bảo hiểm đẹp mắt thì hơn.

Giới trẻ chúng ta chính là những người quyết định cách thế giới vận hành ảnh 4

Sẽ có những ý kiến đánh giá khác nhau về chiến dịch của Bộ Giao thông Đức. Nhưng có một điều chúng ta có thể rút ra từ câu chuyện này, đó là chú ý nhiều hơn đến cách chúng ta tương tác với những thứ xung quanh. Đừng chỉ chăm chú vào những thông tin giật gân mà hãy chú ý đến cả nội dung bên trong nữa. Vì hơn hết, chính chúng ta là người quyết định xu hướng, sản phẩm và cả cách các nhãn hàng truyền thông.

Chúng ta chính là người quyết định cách thế giới này vận hành!

Theo Hoa Học Trò
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm