Giúp bạn chuẩn bị “hành trang” bước vào thế giới “mắc cài”

Giúp bạn chuẩn bị “hành trang” bước vào thế giới “mắc cài”
HHT - Đằng sau chiếc mắc cài là cả sự “kì công” và một “rổ” những thắc mắc làm đau đầu hội teen kém may mắn khi không sở hữu nụ cười đều tăm tắp.

Đằng sau chiếc mắc cài là cả sự “kì công” và một “rổ” những thắc mắc làm đau đầu hội teen kém may mắn khi không sở hữu nụ cười đều tăm tắp. Biết được điều đó, Hoa Học Trò đã “thỉnh giáo” Ths.Bs. Ngô Tuấn Anh (Thạc sỹ chuyên ngành Chỉnh nha, ĐH IMC Munster, Đức) để giúp bạn có hiểu biết ngon lành về niềng răng.

Giúp bạn chuẩn bị “hành trang” bước vào thế giới “mắc cài” ảnh 1

“Ghé thăm” cửa tiệm “hàng rào”

Họ hàng nhà niềng răng: Khay trong suốt (Invisalign, Clear Aligner)

Lí do “hớp hồn”: Tính thẩm mỹ cao Thích hợp với teen chăm cười. Vệ sinh răng dễ dàng vì tự tháo lắp được.

Biển báo đỏ: Nhiều người tháo ra để ăn xong… quên mang lại à Hiệu quả không cao nếu không mang đủ 22h/ ngày.

Giá cả “chát chúa” (khoảng 80 - 110 triệu đồng).

Nếu răng còn dính đồ ăn mà mang khay vào thì ôi thôi, mùi hương bay xa theo lời nói luôn!

ThS.Bs Ngô Tuấn Anh: “Đối với điều trị bằng khay chỉnh nha, teen mình sẽ thay khay mới mỗi 10 - 14 ngày. Để tránh cho khay bị vàng gây mất “điểm thanh lịch”, teen mình nên tháo khay trong khi ăn hoặc uống thực phẩm có màu như cà ri, cà phê… Sau khi chải răng thì dùng bàn chải và kem chải sạch khay.

“Báo động đỏ”: Mất khay sẽ làm gián đoạn việc điều trị!

Giúp bạn chuẩn bị “hành trang” bước vào thế giới “mắc cài” ảnh 2

Họ hàng nhà niềng răng: Mắc cài mặt lưỡi (mắc cài gắn ở mặt trong của răng).

Lí do “hớp hồn”: Điểm thẩm mỹ tương đối cao vì niềng mà như không niềng í!

Biển báo đỏ: Chà xát với lưỡi gây kích ứng, gây đau.

Khó phát âm chuẩn, “ngọng nghịu” trong 2 - 4 tuần đầu.

“Toát mồ hôi” trong việc vệ sinh răng miệng sạch sẽ.

Giá cả chát ngang ngửa khay trong suốt (cũng khoảng 80 - 110 triệu đồng).

ThS.Bs Ngô Tuấn Anh: “Đối với mắc cài mặt lưỡi, việc chải răng sạch sẽ khó hơn, đòi hỏi teen mình phải chịu khó chải lâu hơn, dùng thêm tăm nước, bàn chải kẽ và tái khám đều đặn”.

Giúp bạn chuẩn bị “hành trang” bước vào thế giới “mắc cài” ảnh 3

Họ hàng nhà niềng răng: Mắc cài mặt ngoài răng (loại mắc cài phổ biến nhất)

Lí do “hớp hồn”: Giá cả thấp hơn (khoảng 30 - 50 triệu đồng). Hiệu quả cao vì “ôm” răng 24/24. Những trường hợp lệch răng nặng thì mắc cài chính là “cứu tinh”.

Biển báo đỏ: Mất điểm “thanh lịch” khi cười, mang danh “răng sắt” cho đến khi niềng xong.

Khánh Linh (THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) chia sẻ: “Thực ra khi bị tụi bạn chọc, mình chỉ thấy hơi ngại ban đầu thôi. Riết rồi cũng quen à!”.

ThS.Bs Ngô Tuấn Anh: “Hoặc nếu vẫn còn ngại, có thể dùng mắc cài làm bằng sứ có màu trùng với răng.

Tít tít: Nhớ cẩn thận vì mắc cài sứ sẽ bị vỡ khi cắn phải thức ăn cứng!”.

Giúp bạn chuẩn bị “hành trang” bước vào thế giới “mắc cài” ảnh 4

Dành cho những bạn “kết thân” với “họ hàng” mắc cài: “Trong quá trình niềng, mắc cài hoặc dây cung rất dễ bị rơi ra trong khi ăn do khớp cắn vẫn chưa hoàn thiện. Do đó, teen nhớ lưu ý ăn đồ mềm hoặc cắt nhỏ thức ăn nhé!”, Ths.Bs. Tuấn Anh nhắc nhở.

Tổng đài “tiên răng” giải đáp thắc mắc

Thanh Ngân (16 tuổi, TP.HCM): “Nhiều người trước khi đeo niềng phải nhổ răng. Tớ sợ lúc nhổ rồi thì sức nhai sẽ bị ảnh hưởng”.

ThS.Bs Ngô Tuấn Anh: “Không phải ai niềng răng cũng phải nhổ răng đâu à nha. Vả lại, sức nhai phụ thuộc vào độ khớp của răng ở hai hàm chứ không phụ thuộc vào số lượng răng nên bạn cứ yên tâm “tiễn” vài chiếc răng cho “rộng chỗ” nhé! Ngoài ra nếu bạn thấy đau sau khi “chia tay” bé răng thì có thể áp dụng biện pháp chườm lạnh 15 - 30 phút/ lần trong ngày đầu tiên sau khi nhổ”.

Khánh Linh (THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM): “Tớ nghe nói có loại bàn chải chuyên dụng cho niềng răng nhưng không biết nó có thật sự cần thiết không”.

ThS.Bs Ngô Tuấn Anh: “Dù với bất cứ công cụ nào thì thói quen giữ vệ sinh răng miệng, chải răng sau khi ăn là yếu tố tiên quyết số một. Tuy nhiên để làm sạch răng tốt hơn, teen mình có thể “kết bạn” với các loại bàn chải chuyên dụng như: Bàn chải siêu âm, tăm nước (waterpick), bàn chải kẽ, chỉ nha khoa có đầu cứng...”.

Giúp bạn chuẩn bị “hành trang” bước vào thế giới “mắc cài” ảnh 5

Chí Cường (THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM): “Mình có ý định niềng răng mà sợ bây giờ răng đã “cứng” rồi, khó niềng vô”.

ThS.Bs Ngô Tuấn Anh: “Mỗi người có một thời kỳ gọi là ĐỈNH TĂNG TRƯỞNG riêng, phụ thuộc vào giới tính, di truyền, chủng tộc... Điều trị các sai hình về xương (hô/ móm do xương hàm trên, xương hàm dưới) “xịn” nhất là vào trước và trong thời điểm vàng này, giúp teen có hàm và răng “chuẩn đét”. Khi teen đã qua đỉnh tăng trưởng (trung bình là 10 - 12 tuổi ở nữ và 12 - 14 tuổi ở nam), xương nền hầu như không còn tác động được nữa (ngoại trừ can thiệp phẫu thuật chỉnh nha) nên teen chỉ có thể điều trị chỉnh nha qua việc tác động lên răng và xương ổ bao quanh răng. Tuy vậy, đa số các trường hợp chỉnh nha đều có thể di chuyển răng hiệu quả kể cả những bệnh nhân người lớn sau 40 tuổi, trừ những sai lệch xương quá mức hoặc có vấn đề nha chu từ trước”. Do đó, teen đừng lo mình đã “già”, cứ yên tâm đến gặp nha sĩ để được tư vấn kĩ hơn và chọn cho mình một chiếc niềng nhé!

“Đánh bay” nỗi ám ảnh mang tên đau răng

Cơn đau răng ê ẩm chính là ác mộng đối với hội niềng răng. Cùng “bắt mạch” một số nguyên nhân gây đau và biện pháp “tống khứ” chúng đi nhé!

- Khi niềng, răng di chuyển bị cản trở khớp cắn nên lung lay và đau. Điều này các bác sĩ chỉnh nha sẽ giải quyết cho.

- Đau do mắc cài và dây cung đâm vào môi, má, lưỡi à Teen có thể dùng sáp chỉnh nha hoặc bông gòn vô trùng xé nhỏ để che những vùng gây đau lại nhé!

- Đau do viêm nướu răng. “Cội nguồn gốc rễ” của cơn đau này chính là do giữ vệ sinh răng chưa kĩ trong quá trình niềng à Làm sạch răng miệng chính là “đơn thuốc”. Ngoài ra, nhớ tái khám định kỳ để bác sĩ theo dõi.

Giúp bạn chuẩn bị “hành trang” bước vào thế giới “mắc cài” ảnh 6

Thông thường khi niềng, cơn đau răng sẽ xảy ra theo từng thời điểm và không liên tục do răng phải di chuyển đến vị trí sau cùng. Nếu đau quá mức có thể uống 1-2 viên giảm đau paracetamol. Tuy nhiên thuốc giảm đau không phải là “thần dược” và chỉ có tác dụng tạm thời nên đừng quá lạm dụng nhé! Nhắc nhỏ nè: Nếu cơn đau đến “không hẹn giờ” và kéo dài thì phải thông báo và tái khám với bác sỹ điều trị ngay nha.

Dặn dò nho nhỏ: Trong quá trình răng di chuyển, dây chằng nha chu sẽ giãn rộng, “mở cửa” cho vi khuẩn miệng xâm nhập gây bệnh nha chu, dẫn đến nguy cơ tiêu xương, lung lay răng. Do đó, điều “tối hậu” quan trọng teen phải hết sức lưu ý: Đối với bất kì loại hình chỉnh nha nào, GIỮ VỆ SINH RĂNG MIỆNG thật tốt chính là “thượng sách”!

Chân thành cảm ơn Ths.Bs. Ngô Tuấn Anh,
Thạc sỹ chuyên ngành Chỉnh nha, ĐH IMC Munster, Đức đã hỗ trợ tư vấn cho bài viết.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm