Sở GD&ĐT Hà Nội quy định điểm xét tuyển (điểm chuẩn) là căn cứ duy nhất để tuyển sinh, dựa trên kết quả 4 bài thi (có tính hệ số) các môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử trong kỳ thi vào lớp 10 năm 2021 và điểm ưu tiên (nếu có).
Theo đó, điểm chuẩn sẽ bao gồm điểm môn Ngữ văn và Toán (nhân hệ số 2) cộng với điểm ngoại ngữ, điểm môn lịch sử, cộng điểm ưu tiên. Điểm chuẩn năm nay dự kiến sẽ cao hơn năm 2020 với hai lý do:
- Thứ nhất do năm 2020 thí sinh chỉ thi 3 môn (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) còn năm nay có thêm môn Lịch sử nên cách tính điểm chuẩn cũng thay đổi.
- Thứ hai là đề thi năm nay được đánh giá nhẹ nhàng hơn do thời gian thi rút ngắn nên phổ điểm thi năm nay dự kiến cao hơn năm trước.
Học sinh Hà Nội đi thi vào lớp 10 năm học 2021-2022. (Ảnh: Phương Thảo) |
Theo thầy Nguyễn Mạnh Cường - Giáo viên môn Toán, trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam nhận định đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Toán của Sở GD&ĐT Hà Nội, cấu trúc đề thi và các dạng giống như các năm gần đây. Tuy nhiên số lượng câu hỏi trong đề thi năm nay đã giảm bớt đáng kể do thời gian thi chỉ còn 90 phút, đặc biệt giảm một số ý mang tính phân loại học sinh. Nhìn chung với đề thi này là phù hợp với thời lượng 90 phút và vẫn đảm bảo tính phân loại học sinh. Phổ điểm chung mà học sinh có thể đạt được là 7 điểm. Tuy nhiên với những học sinh ôn tập bài bản và kỹ thì điểm 8 - 9 thì các bạn học sinh hoàn toàn có thể đạt được.
Cô Trần Liễu - giáo viên dạy Ngữ văn tại một trường THCS tại Hà Nội cho rằng do đề thi an toàn, quen thuộc, bám sát ngữ liệu trong SGK và học sinh được ôn luyện kỹ, không có yếu tố bất ngờ, nếu thí sinh chăm chỉ sẽ có thể đạt trung bình ở mức 7 điểm, phổ điểm sẽ nhỉnh hơn năm trước.
Đối với môn Lịch sử, cô Trần Mai - giáo viên môn lịch sử trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhận định, tuy nội dung kiến thức trải rộng khắp chương trình nhưng khá cơ bản. Phổ điểm tập trung ở mức 8 và sẽ có nhiều thí sinh đạt 9-10 điểm. Nhiều thí sinh dự thi vào các trường tốp đầu của Hà Nội như THPT Yên Hòa, THPT Kim Liên, THPT Thăng Long, THPT Phan Đình Phùng cho biết đề Lịch sử chỉ có 3-4 câu khó hơn, dễ gây nhầm lẫn, còn lại đều rất cơ bản.
Đối với môn tiếng Anh, các bạn thí sinh có học lực khá trở lên đều nhận xét là đề có phần dễ hơn so với mọi năm. Phổ điểm sẽ tập trung ở khoảng 7,5 - 9 điểm, tỉ lệ điểm 9, 10 sẽ cao hơn so với các môn khác.
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết theo lịch trình dự kiến, ngay sau khi kết thúc kỳ thi lớp 10 (ngày 16/6), Sở sẽ tiến hành chấm thi. Cán bộ chấm thi được huy động bao gồm 50% là giáo viên THCS và 50% là giáo viên THPT. Năm nay, do bài thi Ngoại ngữ và Lịch sử thi hoàn toàn theo hình thức trắc nghiệm nên việc chấm thi 2 môn này sẽ được tiến hành trên máy.
Dự kiến chậm nhất ngày 29/6 Hà Nội sẽ hoàn tất công tác chấm thi; tiến hành ghép điểm xét tuyển, in phiếu kết quả cho từng thí sinh, cấp phiếu báo kết quả thi cho các phòng GD&ĐT. Chậm nhất ngày 30/6 công bố kết quả thi. Cũng trong ngày 30/6 Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ họp xét duyệt và công bố điểm chuẩn của từng trường THPT công lập (hệ chuyên và không chuyên).