Hạt chia - Tưởng là siêu thực phẩm nhưng hóa ra 2 mặt Tốt - Xấu nhiều như nhau

HHT - Bất chấp mọi lời đồn rằng hạt chia là siêu thực phẩm, vẫn có những mặt trái của loại hạt này mà bất kỳ ai muốn theo chế độ ăn uống lành mạnh phải hết sức lưu ý.

Những mặt tốt không thể chối cãi của hạt chia

Hạt chia nhiều năm nay được gọi là siêu thực phẩm và quá nổi tiếng. Lợi ích của hạt chia không cần phải bàn cãi: Giàu chất xơ, đạm, Omega-3, chất chống oxy hóa và giàu nguyên tố vi lượng (rất cần thiết cho chức năng trao đổi chất của cơ thể). Dùng hạt chia có thể giúp bạn giảm cân, giảm kích ứng trên da, giảm cholesterolTuy ít được nhắc đến, nhưng hạt chia còn có tác dụng tăng cường sức khỏe cho răng, nhờ vào lượng vitamin A và canxi, phốt pho, kẽm - tất cả đều tốt cho xương và giúp răng chắc khỏe.

Hạt chia - Tưởng là siêu thực phẩm nhưng hóa ra 2 mặt Tốt - Xấu nhiều như nhau ảnh 1
 Hạt chia có thể được cho vào nhiều món ăn, thậm chí có thể cho cả vào nước lọc để uống hằng ngày.

Thế nhưng... hóa ra hạt chia cũng có những tác dụng phụ rất đáng lưu tâm

Sự thật là làm gì có loại thực phẩm nào tốt hết cả "đường đi lối về"? Với hạt chia, nếu không sử dụng đúng cách, bạn vẫn có thể rước hại vào thân.

1. Omega-3 trong hạt chia cực kỳ khó hấp thu

Hạt chia vốn được quảng cáo là một siêu thực phẩm vì có chứa hàm lượng Omega-3 rất cao đúng không nhỉ? Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng Omega-3 trong hạt chia khó hấp thụ hơn nhiều so với Omega-3 có trong cá hồi, để cơ thể có thể hấp thụ một lượng Omega-3 đủ như trong cá hồi cung cấp, bạn sẽ phải ăn đủ 100gr hạt chia. Thế nhưng, 100gr hạt chia tương đương với một chiếc hamburger đấy, bạn có nên nghĩ lại không?

2. Hạt chia gây hạ huyết áp

Do Omega-3 trong hạt chia có rất nhiều và không dễ hấp thu, nó lại gây ra vấn đề với máu, hạt chia có thể làm loãng máu và giảm huyết áp. Thế nên nếu như ai đó vốn huyết áp thấp thì lại không nên ăn hạt chia, hoặc nếu muốn thì phải hỏi bác sĩ thật kỹ về liều lượng trước khi ăn.

Hạt chia - Tưởng là siêu thực phẩm nhưng hóa ra 2 mặt Tốt - Xấu nhiều như nhau ảnh 2

3. Hạt chia cũng có thể gây dị ứng 

Thực ra đây là một vấn đề khá phổ biến với thực phẩm, thực tế là bất kỳ loại đồ ăn nào cũng có khả năng gây dị ứng cho một ai đó. Mặc dù những trường hợp bị dị ứng với hạt chia là cực kỳ hiếm nhưng thực tế đã được các bác sĩ ghi nhận. Nếu bạn ăn hạt chia mà thấy có những triệu chứng như nổi mẩn đỏ, khó thở, nôn mửa thì phải dừng lại ngay nhé!

4. Hạt chia có thể gây vấn đề tiêu hóa 

Chất xơ vừa đủ thì tốt, nhưng nhiều quá thì lại thành hại cho bao tử và đường ruột. Vậy mà hạt chia lại còn đoạt “cúp vàng trong làng chất xơ”, mà không có một cơ thể nào có thể “sống yên ổn” với “cơn lũ” chất xơ ấy được cả.

Hậu quả nhận được khi tiêu thụ quá nhiều chất xơ có thể kể sương sương là tiêu chảy hoặc táo bón, đầy hơi, dẫn đến việc phải "xì hơi" thường xuyên, rất khó chịu. 

May mắn thay, vẫn có cách ăn hạt chia mà không bị vấn đề tiêu hóa. Hãy bỏ hạt chia vào nước uống để hạt mềm ra, hoặc ngâm hạt cho mềm trước khi chế biến, sẽ giúp hạt chia dễ được tiêu hóa hơn.

Hạt chia - Tưởng là siêu thực phẩm nhưng hóa ra 2 mặt Tốt - Xấu nhiều như nhau ảnh 3

5. Hạt chia dễ gây mắc nghẹn

Một người đàn ông người Mỹ 39 tuổi đã từng phải đi cấp cứu sau khi ăn một muỗng hạt chia khô và sau đó uống nước. Ít phút sau, ông ta không thể nuốt được bất cứ thứ gì, ngay cả nước bọt. Bác sĩ đã tìm thấy một “chùm” hạt chia bị vón cục, nút chặt thực quản của người đàn ông này. Thực ra người đàn ông này đã có tiền sử bị chứng khó nuốt. Tuy nhiên, dù sao thì bạn  cũng không nên ăn hạt chia khô, mà nên bỏ vào nước hoặc ngâm trước khi chế biến, vừa an toàn vừa không làm mệt cơ thể vì lượng chất xơ quá “dồi dào”.

6. Phụ nữ có thai không nên ăn hạt chia
Mặc dù chưa có những kết luận chính thức về tác dụng phụ của hạt chia với phụ nữ có thai, các bác sĩ Mỹ vẫn đưa ra lời khuyên rằng nữ giới tốt nhất là không nên "động" vào hạt chia trong suốt 9 tháng của thai kỳ, đề phòng bất trắc không đáng có.
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm