Hiệu ứng Diderot: Hạnh phúc không hề đắt và lãng phí như bạn nghĩ?

Hiệu ứng Diderot: Hạnh phúc không hề đắt và lãng phí như bạn nghĩ?
HHT - Diderot là một hiện tượng tâm lý gặp phải ở nhiều người: khi sở hữu một món đồ mới sẽ tạo ra vòng xoáy mua sắm khiến bạn càng ham muốn mua sắm nhiều hơn. Và tất nhiên, đó hầu hết là những thứ không cần thiết và lãng phí.

Tất cả chúng ta đều đã ít nhất có một hai lần trở thành những con nghiện mua sắm với số lần rút ví hay quẹt thẻ gần như không thể kiểm soát nổi. Và lại giống như nàng Becca trong Lời tự thú của một tín đồ shopping, sau khi giành giật với cả tá người khác để có được món đồ sale giá hời ấy, chúng ta sẽ mang nó về nhà, ngồi hàng giờ suy nghĩ rất lâu và rất sâu rằng “Tại sao mình lại mua nó nhỉ?”. Yên tâm, không phải bạn mắc vấn đề gì về thần kinh đâu. Đó đơn giản chỉ là hậu quả của hiệu ứng Diderot mà thôi!

Hiệu ứng Diderot: Hạnh phúc không hề đắt và lãng phí như bạn nghĩ? ảnh 1

Hiệu ứng Diderot và cơn ham muốn được tiêu tiền

Denis Diderot là một nhà triết học người Pháp nổi tiếng. Cả cuộc đời ông sống trong cảnh nghèo khó và chẳng mấy khi có tiền. Khi Diderot 52 tuổi thì con gái ông chuẩn bị lấy chồng. Diderot lúc ấy đã vô cùng lo lắng, đến nỗi mất ăn mất ngủ vì không có tiền để cho con gái làm của hồi môn cũng như tổ chức lễ cưới. Thật may mắn thay, ông lại là người đồng sáng lập và là tác giả của bộ từ điển bách khoa Encyclopédie - một trong những bộ từ điển bách khoa đồ sộ và hoàn chỉnh nhất mọi thời đại.

Biết được hoàn cảnh của ông, nữ hoàng Catherine Đại Đế của Nga đã đề nghị mua lại bộ từ điển bách khoa Encyclopédie với giá 1.000 bảng Anh. Bỗng chốc đang từ một kẻ khố rách áo ôm, Diderot trở thành một người giàu có. Ông hãnh diện lắm, và quyết định mua một chiếc áo choàng đỏ mới để trang trí lại cho căn phòng, cũng là để tự thưởng cho mình.

Và mọi thứ đã thay đổi từ đây.

Từ sau khi mua chiếc áo choàng mới về, ông nhận ra những thứ đồ đạc khác trong nhà mới xấu xí, cũ kĩ và thô kệch làm sao. Vậy là ông vứt hết chúng đi, và sắm mới một loạt đồ đạc. Sẵn có tiền rủng rỉnh trong tay, Diderot đã không thể kiểm soát nổi cơn nghiện mua sắm của mình để rồi cuối cùng rơi vào cảnh nợ nần chồng chất và lại trắng tay.

Từ đó “hiệu ứng Diderot” ra đời như tên gọi cho một hiện tượng tâm lý gặp phải ở rất nhiều người, khi sở hữu một món đồ mới sẽ tạo ra vòng xoáy mua sắm khiến bạn càng ham muốn mua sắm nhiều hơn nữa. Và tất nhiên, đó hầu hết là những thứ hoàn toàn không cần thiết và cực kỳ lãng phí.

Hiệu ứng Diderot: Hạnh phúc không hề đắt và lãng phí như bạn nghĩ? ảnh 2

Tỉnh lại nào, bạn không phải cô bé bán diêm

Cảm giác mua sắm đồ mới, mùi hương của đôi giày mới tinh, tiếng sột soạt của túi bọc ngoài chiếc túi hàng hiệu, tiếng chiếc thẻ được quẹt và tiếng giấy hóa đơn chạy roẹt roẹt… tất cả đều được ví như những que diêm của cô bé bán diêm trong đêm Đông lạnh lẽo. Quẹt một cái, que diêm bùng cháy, mang theo ánh sáng và hơi ấm lan tỏa. Nhưng nó lụi tàn quá nhanh. Và những người mắc hiệu ứng Diderot sẽ lại muốn bỏ tiền ra, để có thể được mua một món đồ mới, được quẹt thêm một que diêm nữa. Mục đích không có gì khác hơn là để được có lại cảm giác hạnh phúc, thỏa mãn khi có một thứ gì đó mới mà không cần biết nó có thực sự cần thiết và đáng bỏ tiền ra mua hay không.

Người ta vẫn hay đùa nhau rằng “Chúng ta toàn lãng phí tiền mua những thứ chúng ta không cần để gây ấn tượng với những người mà chúng ta không thích”. Cảm giác đắc thắng, hả hê ư? Có đấy. Nhưng cũng chỉ thoáng qua rất nhanh mà thôi. Thứ không cần, chắc chắn sẽ chẳng mấy khi dùng lại. Người không thích, ai mà có nhu cầu nhìn mặt quá hai lần? Vậy là vì lí do rất “ảo”, tiền cứ thế đội nón ra đi. Và bạn vẫn mãi chẳng hiểu tại sao mình cứ rỗng ví hết ngày này qua ngày khác như vậy.

Có rất nhiều lúc bạn có thể nhận ra mình có đang mắc phải hiệu ứng Diderot hay không, ví dụ như:

Bạn mua một chiếc quần mới, và nhận ra mình cần một đôi giày để hợp với nó. Đi mua giày, bạn lại liếc thấy cái túi hợp với nó quá thể. Ơ, nhưng mục đích ban đầu của bạn là đi mua áo cơ mà?!

Bạn mua cho mình một chiếc điện thoại mới. Và bắt đầu sắm sửa hàng loạt phụ kiện cho nó, nào ốp lưng, nào sạc, nào loa mini, nào mic, nào tai nghe… Mỗi thứ lại vài cái để còn tiện… thay đổi.

Hiệu ứng Diderot: Hạnh phúc không hề đắt và lãng phí như bạn nghĩ? ảnh 3

Bạn đầu tư một chiếc bàn học mới. Nhưng lại thấy cả căn phòng tự dưng chẳng hợp với cái bàn gì cả. Vậy là lại hì hụi mua thêm vài món đồ mới nữa để hợp tông với nhau.

Một chiếc sơ-mi có thể khiến bạn thay mới cả tủ quần áo của mình. Vì cái này nó lại hợp với cái kia, cái kia lại chỉ ăn rơ với cái kìa bla bla bla… Kết cục là đồ cũ đều lệch tông hết, phải đầu tư lại thôi.

Bạn biết thể nào cũng gặp lại ex ở bữa tiệc sinh nhật đứa bạn chung nên cố tình đầu tư cho mình thật xinh đẹp lồng lộn, tốn bộn cũng chẳng sao. Những lần party sau, lúc nào bạn cũng ở trong tâm thế sẽ-gặp-lại-ex nên lần nào cũng đầu tư không khác gì đi dự lễ trao giải Grammys.

Hạnh phúc không đắt như bạn nghĩ

Diderot sau khi sống trong cảnh nợ nần túng quẫn vì mua sắm quá nhiều đã nói rằng “Hãy để câu chuyện của tôi là lời cảnh báo dành cho bạn. Nghèo khó có cái tự do của nghèo khó. Giàu có cũng đầy rẫy những cái bẫy vô hình của giàu sang”. Bạn thấy đấy, kiếm được tiền đã khó, học được cách kiểm soát và tiêu tiền mới là điều khó hơn gấp bội. Đúng. Tiền sẽ mua được hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc không hề đắt và lãng phí như bạn nghĩ. Chỉ cần bạn biết loại bỏ, cân nhắc và chỉ đầu tư cho những thứ thật sự cần thiết, thì khi ấy, hiệu ứng Diderot đã thực sự bị vô hiệu hóa trước bạn rồi. Bí quyết cho bạn là:

Đừng tỏ ra quá quảng giao và hòa đồng quá mức. Nghiên cứu cho thấy những người càng quen biết nhiều càng có xu hướng mua sắm thiếu kiểm soát vì những mối quan hệ ấy là nguyên nhân hàng đầu khiến họ muốn đầu tư, mua sắm những món đồ mới để gây ấn tượng, giữ hình ảnh và giữ quan hệ. Lâu dần sẽ trở thành hành vi mua sắm không ý thức và khó có thể kiểm soát.

Hiệu ứng Diderot: Hạnh phúc không hề đắt và lãng phí như bạn nghĩ? ảnh 4

Tự đặt giới hạn cho bản thân: Mỗi tháng chỉ được mua một món đồ mới, mỗi tuần không chi quá 500K cho tiền shopping… bất cứ luật nào bạn nghĩ là ổn và có thể áp dụng được để “chống thấm ví tiền” và cắt cơn nghiện shopping, hãy áp dụng ngay.

Mua một món mới - bán một món cũ. Mục đích là để tiền của bạn có thể quay vòng, và bạn sẽ không còn chết ngập trong đống đồ cả mới lẫn cũ mà không phát hiện ra có những thứ giống hệt nhau.

Thay vì luôn mơ ước những thứ mình không thể có, hãy hài lòng với cuộc sống hiện tại. Tại sao lại cứ phải là một món đồ mới, mà không phải là làm quen thêm một người bạn mới, tự học một ngôn ngữ mới, tự nghĩ ra một cách kiếm tiền mới…

Hạnh phúc không được đếm bởi những thứ mới mẻ, mà nó nằm ở giá trị của những đồ vật ấy mang đến cho bạn. Đôi khi chỉ một món quà bé tẹo cũng khiến chúng ta vui cả tuần trời, đó chẳng phải mới là niềm hạnh phúc chân thành nhất hay sao?

Theo Hoa Học Trò
MỚI - NÓNG
Khơi gợi cảm hứng viết văn với "Con Đường Văn Sĩ" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
Khơi gợi cảm hứng viết văn với "Con Đường Văn Sĩ" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
HHT - Có một điều thú vị ở nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mà những người yêu viết láchcó thể học hỏi, chính là việc ông rất chăm viết nhật ký. Bằng việc suy tư và chăm ghi chép lại những điều diễn ra xung quanh mình, Nguyễn Huy Tưởng dần tìm ra những quan niệm về nhân sinh, để đưa vào các tác phẩm do ông sáng tác. 

Có thể bạn quan tâm