Không ấn định cách thi tốt nghiệp THPT kiểu “2 trong 1”

Không ấn định cách thi tốt nghiệp THPT kiểu “2 trong 1”
HHT - Dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) chỉ quy định nguyên tắc học sinh học hết chương trình THPT thì được dự thi để lấy bằng tốt nghiệp, không quy định phương thức cũng như quy mô tổ chức thi.

Sáng 21/5, thay mặt UB Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Không ấn định cách thi tốt nghiệp THPT kiểu “2 trong 1” ảnh 1
Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình thay mặt UB Thường vụ Quốc hội báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo luật.

“Chốt” phương án nhiều sách giáo khoa

Về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và thi tốt nghiệp THPT, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho biết, cho đến thời điểm này, vẫn có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về chương trình, sách giáo khoa; đề nghị xây dựng một chương trình, một bộ sách giáo khoa dùng chung cho cả nước.

Nêu quan điểm, UB Thường vụ Quốc hội lập luận, quy định trong bản dự thảo mới nhất đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29 năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, Nghị quyết số 88 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Theo đó, việc giảng dạy và học tập phổ thông chuyển từ giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh. Với quan điểm này, trên nền tảng một chương trình thống nhất, dùng chung trong cả nước do Bộ GD-ĐT ban hành, sách giáo khoa là tài liệu học tập, cụ thể hóa chương trình, giúp giáo viên và học sinh sáng tạo trong phương pháp dạy và học, nhằm tiếp thu tốt nhất kiến thức của chương trình.

Thực tế, hiện nay, Bộ GD-ĐT đã công bố chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và đang soạn thảo ban hành bộ sách giáo khoa theo chương trình này. Phần việc sẽ hoàn thành sau năm 2022.

Từ những phân tích đó, cơ quan giải trình, tiếp thu dự luật đề nghị giữ quy định về một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa như trong dự thảo luật.

Để bảo đảm chất lượng của chương trình và sách giáo khoa, dự thảo luật quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, UBND các địa phương, Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, sách giáo khoa và Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục cấp tỉnh.  

Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa; quy định cụ thể về Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định tài liệu giáo dục của địa phương; đề nghị quy định 1/2 thành viên Hội đồng thẩm định là giáo viên đang tham gia giảng dạy; quy định thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa.

Về ý kiến này, UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, trên nguyên tắc chương trình là pháp lệnh, thống nhất trong cả nước, chủ trương tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục, nhà khoa học, nhà giáo tham gia biên soạn sách giáo khoa để bảo đảm mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa là cần thiết. Điều này nhằm tránh độc quyền trong việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa.

Để đảm bảo chất lượng sách giáo khoa và khách quan trong biên soạn, chọn lựa sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục, dự thảo luật quy định Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm quy định quy trình biên soạn, thẩm định, phát hành và quy trình chọn lựa sách giáo khoa bảo đảm có ít nhất một bộ sách giáo khoa đủ chất lượng cho giáo dục phổ thông.

Về quy định cụ thể đối với các Hội đồng thẩm định chương trình, sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo quy định về Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và Hội đồng cấp tỉnh thẩm định tài liệu giáo dục của địa phương, giao Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định cụ thể.

Về thành phần Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, cơ quan giải trình đề nghị giữ quy định có ít nhất 1/3 thành viên Hội đồng thẩm định là giáo viên đang tham gia giảng dạy. Tỷ lệ này tạo điều kiện để Bộ GD-ĐT có thể chủ động trong việc sắp xếp nhân sự bảo đảm cân đối, hợp lý giữa các thành phần khác nhau.

Về quy định việc lựa chọn sách giáo khoa, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT (Điều 32).

Không quy định phương thức, quy mô kỳ thi tốt nghiệp THPT

Báo cáo giải trình cũng nêu vấn đề thời sự vẫn đang gây nhiều tranh luận hiện nay là đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị vẫn giữ kỳ tốt nghiệp THPT và giao các địa phương thực hiện.

Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục Phan Thanh Bình phân tích, hiện nay, việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy, chính sách giáo dục và tuyển sinh đại học, đồng thời tạo hành lang pháp lý để thể chế hóa giáo dục thường xuyên, tự học của người dân trong tương lai.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ông Bình nhận định, việc tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi tiếp tục việc học ở nước ngoài.

Theo đó, để linh hoạt cho Chính phủ trong tổ chức thực hiện thi tốt nghiệp THPT, dự thảo luật chỉ quy định nguyên tắc học sinh học hết chương trình THPT thì được dự thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT, không quy định phương thức cũng như quy mô tổ chức thi (Điều 34). Việc tuyển sinh cao đẳng, đại học của các cơ sở giáo dục được thực hiện theo cơ chế tự chủ quy định bởi luật Giáo dục đại học và luật Giáo dục nghề nghiệp.

Theo dantri.com.vn
MỚI - NÓNG
Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn
Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn
HHT - Hoa hậu H'Hen Niê vừa có chuyến công tác tại tỉnh Điện Biên, hưởng ứng "Tháng Nhân đạo năm 2024 cấp Quốc gia", đồng hành cùng Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam trong chuỗi hoạt động “Hành trình nhân đạo, trao nhận yêu thương” hướng đến trẻ em, phụ nữ, người dân gặp khó khăn tại Điện Biên.

Có thể bạn quan tâm