Lao động 5 tiếng/ ngày nhưng không được trả lương liệu có phải "kỳ thực tập trong mơ"?

Lao động 5 tiếng/ ngày nhưng không được trả lương liệu có phải "kỳ thực tập trong mơ"?
HHT - Một quảng cáo về "kỳ thực tập trong mơ" với các công việc phục vụ trong chuỗi cửa hàng một thương hiệu fastfood nổi tiếng, tuy nhiên không hề đề cập đến việc trả công, hướng đến teen 14 - 18 tuổi đang bị dư luận chỉ trích gay gắt.

Chỉ cần trải nghiệm, không cần... lương?

Trên fanpage của một học viện tự quảng cáo là "đào tạo chuyên sâu, bài bản chương trình du học Mỹ" vừa đăng thông tin về một "chương trình thực tập" dành cho các bạn học sinh cấp Ba (từ 14 - 18 tuổi) tại một thương hiệu chuỗi thức ăn nhanh nổi tiếng.

Lao động 5 tiếng/ ngày nhưng không được trả lương liệu có phải "kỳ thực tập trong mơ"? ảnh 1

"Thông báo tuyển dụng" hướng đến các bạn teen trong độ tuổi từ 14 - 18 tuổi.

Cụ thể, người tham gia sẽ làm việc ít nhất 5 giờ mỗi ngày, làm các công việc của một nhân viên cửa hàng như chiên khoai, gói burger, lau sàn, rửa bát... Đổi lại các bạn sẽ được huấn luyện kĩ năng, tham gia các hoạt động của cửa hàng, hỗ trợ đồng phục, một phần ăn và giấy chứng nhận tham gia kỳ thực tập này. Đây là năm thứ 2 chương trình được tổ chức.

Theo tìm hiểu của Hoa Học Trò Online, khi đăng ký tham gia, các bạn phải điền form đăng kí online, rồi phải vượt qua vòng phỏng vấn thì mới được chọn tham gia chương trình. Kì "thực tập" này kéo dài trong vòng 1 tháng. Trước khi đăng kí, các bạn chưa được thông tin chính xác mình sẽ làm ở địa điểm cụ thể nào.

Theo học viện, các bạn vẫn sẽ được trả một khoản thù lao tuy nhiên từ chối tiết lộ mức thù lao này. Tuy nhiên, trong quảng cáo trên website và các trang mạng thì không hề đề cập đến chi tiết này trong phần Quyền lợi của thực tập sinh. Dường như do những chỉ trích nổ ra trên Facebook, tổ chức này đã đăng post mới, bổ sung thêm thông tin "Dựa trên thành tích làm việc tốt sau khi kết thúc kỳ thực tập, các em sẽ được nhận một khoản thù lao" - khá mơ hồ.

Lao động 5 tiếng/ ngày nhưng không được trả lương liệu có phải "kỳ thực tập trong mơ"? ảnh 2

Post mới bổ sung thêm nội dung "có trả thù lao" vào phần "các phúc lợi khi tham gia" nhưng rất mơ hồ.

Bạn Đ.H (16 tuổi, trường N., TP.HCM) chia sẻ: "Tớ đang có ý định xin học bổng du học nên cũng cần tham gia các hoạt động ngoại khóa. Khi thấy sau chương trình này sẽ cấp giấy chứng nhận, lại làm những công việc chưa từng làm, coi như một trải nghiệm mới, tớ đã thích mê và sẽ đăng kí luôn nếu như không bị bố mẹ ngăn cản".

Lao động 5 tiếng/ ngày nhưng không được trả lương liệu có phải "kỳ thực tập trong mơ"? ảnh 3

Quyền lợi nhận được từ việc làm phục vụ mới toe khiến teen không ngại ngần thử. (Ảnh minh họa)

Trên fanpage đăng thông tin tuyển dụng, có nhiều teen và các bậc phụ huynh khác khác đặt câu hỏi chẳng hạn như “Thực tập như vậy mình có phải đóng phí không?”, “Em mới 13 tuổi, em có thể tham gia được không?”, “em đã có bằng IELTS, em có cần làm bài test kiểm tra năng lực không?”… đủ cho thấy sức hấp dẫn của lời mời gọi đối với teen trong độ tuổi mà mẫu quảng cáo nhắm đến.

Trải nghiệm phục vụ quán ăn có xứng đáng đánh đổi không công?

Trước khi đăng kí chương trình, teen hãy cân nhắc kĩ về công sức mình bỏ ra và những gì mình nhận lại được.

Trên facebook cá nhân anh Ngô Di Lân (Founder & Chủ tịch của Tổ chức Hợp tác Thanh niên Việt Nam (VYCO)) thẳng thắn chia sẻ quan điểm về vấn đề này:

Lao động 5 tiếng/ ngày nhưng không được trả lương liệu có phải "kỳ thực tập trong mơ"? ảnh 4

"[...] Theo mình hiểu thì chiến dịch này của I. có thể vi phạm luật lao động của Việt Nam vì về cơ bản, các bạn đang cho trẻ em (14 - 18 tuổi) làm việc không công. Nhưng kể cả chiến dịch này có hợp pháp và các bạn đều tham gia hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện đi nữa thì nó vẫn rất tệ hại vì ti tỉ lý do khác nữa.

- Thứ nhất, ở mọi nơi trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam, chỉ có những người thật sự phải kiếm thêm thu nhập mới đi làm ở những nhà hàng ăn nhanh như M.. Vì sao? Vì công việc nặng nhọc, môi trường làm việc hại sức khoẻ, lại thu nhập thấp. Từ bé đến lớn mình chưa gặp được nổi một người nào đi làm ở M. vì họ muốn có trải nghiệm mới hay muốn học tiếng Anh cả!

- Thứ hai, chuyện thực tập ở M. để rèn luyện tiếng Anh là hết sức nhảm nhí. Cả ngày công việc của các bạn sẽ chỉ có chiên khoai, xếp bánh burger rồi lấy order của khách, v.v... Tức là kể cả khi bạn có cơ hội giao lưu với khách thì cũng chỉ có mấy câu rập theo khuôn mẫu chứ chẳng có nhân viên bán hàng M. nào lại đứng chém gió với khách cả (vì như thế thì cái tiệm nó không thể nào bán fastfood được!).

Hơn nữa, kể cả đây có là cơ hội rèn luyện tiếng Anh hiệu quả đi nữa, bạn thử nghĩ mà xem, một ngày làm việc 8 tiếng ở đó, bạn sẽ gặp bao nhiêu khách nước ngoài? Tại sao các bạn lại có thể nghĩ rằng khách tây họ sẽ đến Việt Nam để ăn M. nhỉ? Ở nước ngoài những quán ăn nhanh rất "hot" dù người ta nhận thức được cái tai hại của đồ ăn nhanh vì nó RẺ. Ở Việt Nam thì burger, khoai chiên lại là những đồ ăn khá đắt tiền. Thế thì tại sao các du khách nước ngoài đến Việt Nam lại chui vào M. để ăn trong khi họ có thể ra ngoài ăn bún, phở, mỳ, miến, v.v... và thưởng thức nền ẩm thực đặc sắc của chúng ta? Tóm lại là cái chuyện làm ở M. để rèn tiếng Anh là cực kỳ nhảm.

- Bạn muốn đánh bóng hồ sơ du học?

Thế bạn nghĩ là dòng chữ "đã thực tập tại M." sẽ có sức nặng đối với các trường IvyLeague lắm sao? Hơn nữa, đại đa số các trường họ không quan tâm tới cái giấy chứng nhận, cái họ quan tâm là bạn học được gì từ những hoạt động ngoại khoá của mình. Mình đi học tây ta đủ kiểu rồi nhưng chưa một lần trong đời phải trình bất kì một cái giấy chứng nhận nào về MUN hay gì đó cho các trường xem. Bạn mà khai man trong hồ sơ thì có ngày họ phát hiện ra bạn sẽ lãnh đủ thôi.[...]".

Trên mạng xã hội, rất nhiều ý kiến phẫn nộ cho rằng đây là một hình thức bóc lột sức lao động trẻ em trá hình. Thông tin "cảnh giác" được lan truyền khắp nơi.

Bạn Mỹ Ngọc (Q.Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ: “Mình cho rằng đây giống như một hình thức bóc lột trẻ em. Tại sao nhân viên phục vụ của M. được trả lương còn tụi mình thì không? Bên cạnh đó, ngoại trừ một phần ăn mỗi ngày làm tụi mình cũng không hề có được một ưu đãi khác? Tụi mình mới 13 - 14 tuổi, không thể lao động như trâu bò để đổi lấy một phần ăn được. Như thế là quá bất công!”.

Thế nhưng, cô Ngọc Mai (48 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thì cho rằng: "Cô có thấy thông tin trên mạng về chương trình này. Cô biết là không lương nhưng mà so với việc con trai cô suốt ngày chơi game thì cho nó làm gì đó có ích vẫn hơn!".

Lao động 5 tiếng/ ngày nhưng không được trả lương liệu có phải "kỳ thực tập trong mơ"? ảnh 5

Lao động 5 tiếng/ ngày nhưng không được trả lương là một sự bất công đối với teen. (Ảnh minh họa)

Quang Quang (Q.Tân Bình, TP.HCM) từng thực tập không lương nhưng là với những việc liên quan đến nghề nghiệp tương lai mà bạn muốn khám phá, còn bạn không nghĩ teen có thể học được gì từ "kỳ thực tập "chiên gà" này: “Nếu muốn “chiên gà”, bạn có thể hỏi mẹ hoặc đọc sách có thể sẽ chiên tốt hơn. Mình nghĩ mùa Hè chúng mình nên tích lũy kinh nghiệm, rèn kỹ năng thay vì tham gia các khóa bóc lột không lương đội lốt hào nhoáng như thế này. Hơn nữa, công sức lao động cần phải được trả lương tương xứng”.

Hiện nay có rất nhiều trại Hè, nhiều chương trình giao lưu văn hóa mở ra cho teen những cơ hội trải nghiệm, vừa rèn luyện được kĩ năng nhưng vẫn có một mùa Hè trọn vẹn. Nhiều teen hiện nay cũng đã dành thời gian để đi, để cảm nhận cuộc sống bên ngoài theo cách này. Lựa chọn của mỗi người trong cách hoàn thiện bản thân không có gì đáng trách. Thế nhưng bạn phải dự đoán trước về sự vất vả mà công việc này mang lại.

Trước những lời quảng cáo trông có vẻ "hời", teen cần cân nhắc thật kĩ để không bỏ thời gian và công sức để rồi thất vọng với những gì mình nhận lại.

PHƯƠNG VY - NGỌC TRÂM

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm