Lớp học giới tính: Cốc nguyệt san - “người bạn lạ” trong ngày "đèn đỏ" của con gái

Lớp học giới tính: Cốc nguyệt san - “người bạn lạ” trong ngày "đèn đỏ" của con gái
HHT - Những thông tin về cốc nguyệt san bạn nên biết. Và còn rất nhiều giải đáp siêu tiện ích về những rắc rối dậy thì nữa đấy, cùng đọc xem nha bạn!

Cốc nguyệt san - “người bạn lạ” trong ngày đèn đỏ

Cốc nguyệt san là một vật dụng có hình chiếc phễu nhỏ, làm bằng silicon y tế, dùng thay thế băng vệ sinh cho các kẹp nơ trong các ngày đèn đỏ. Khác với “urgo” truyền thống, cốc nguyệt san có thể được dùng đi dùng lại nhiều lần và giúp kẹp nơ đi bơi, chạy nhảy, sinh hoạt thoải mái mà không lo “nước tràn bờ đê”. Một lợi thế của cốc nguyệt san so với tampon hay băng vệ sinh truyền thống là có thể dùng khi ngủ thoải mái luôn. Tuy nhiên, có một số lưu ý các bạn cần biết trước khi “làm quen” với em “urgo” mới này nhé!

Lớp học giới tính: Cốc nguyệt san - “người bạn lạ” trong ngày "đèn đỏ" của con gái ảnh 1

1. Cốc nguyệt san - cũng như tampon - khi sử dụng sẽ được đặt sâu vào trong âm đạo của bạn nữ. Cốc sẽ nằm gọn ở đó và hứng trọn dịch tiết từ trong cơ thể, không để rò rỉ ra ngoài. Vì vậy, cốc nguyệt san không được sử dụng với những kẹp nơ chưa có quan hệ giới tính vì sẽ ảnh hưởng đến màng trinh.

2. Tuy silicon y tế rất sạch và an toàn với cơ thể, nhưng nếu không giữ vệ sinh thì vùng bikini dễ bị kích ứng và gây ra nhiễm trùng. Sau mỗi lần sử dụng, cốc cần được rửa và luộc với nước sôi để tiệt trùng.

3. Không được dùng chung cốc nguyệt san vì dễ lây nhiễm các bệnh đường sinh dục.

4. Tuy không gây hại cho môi trường vì có thể tái sử dụng nhiều lần, nhưng bạn phải rất cẩn thận khi sử dụng, vì nguy cơ nhiễm trùng cao nếu không tiệt trùng kỹ giữa các lần sử dụng. Bạn cũng phải thay cốc mới sau một thời gian vì silicon sau khi bị luộc sôi nhiều lần sẽ không còn giữ được chất lượng ban đầu nữa.

Lớp học giới tính: Cốc nguyệt san - “người bạn lạ” trong ngày "đèn đỏ" của con gái ảnh 2

Phòng mạch bác sĩ Tò Mò và Khôn Lớn

“Em rất thích màu da ngăm khỏe mạnh. Thế nhưng sau nhiều lần thử tắm nắng thì em đều có cùng một kết quả là màu da… đen xỉn chứ không phải màu bánh mật khỏe khoắn mà em mong muốn. Hoa có thể “bắt bệnh” cho làn da của em không?”.

Chào bạn, da của mỗi người có màu trắng, đen, sáng, tối khác nhau đã được quy định trong gen của chúng ta rồi. Thế nên việc cố gắng có một màu da khác với màu da “cha sinh mẹ đẻ” (trắng thành ngăm đen, da nâu thành “Bạch Tuyết”) là cả một quá trình dưỡng và giữ gìn cực khổ. Độ bắt nắng của da cũng tùy thuộc vào từng người, vì vậy, có người khi phơi nắng sẽ có màu da bánh mật, có người thì da lại xỉn màu đi. Tuy nhiên, không có cách nào làm đổi màu da tự nhiên của mình mà không gây hại cho da hết, cả tắm trắng lẫn tắm nâu. Tất cả các phương pháp làm đổi màu da, các loại kem giúp bắt nắng, tạo màu cho da như tanning sun cream đều để lại những tổn thương cho làn da của teen mình. Bạn không nên dại dột “dâng thân” cho nắng khi nắng quá gắt (sau 9 giờ sáng), mà chỉ nên hứng nắng mỗi ngày 15 - 20 phút vào khoảng 8 giờ sáng để giải phóng vitamin D cho cơ thể. Làn da khỏe mạnh và “nguyên thủy” mới là làn da tỏa sáng. Vì vậy, để da không xỉn màu thì bạn nên uống nhiều nước, bổ sung nhiều vitamin bằng cách ăn nhiều trái cây, vitamin E, từ dầu cá và các loại hạt tự nhiên. Cho dù có thích phơi nắng và thích da ngăm đến đâu, hãy bảo vệ da bằng kem chống nắng và kem dưỡng da thường xuyên nhé!

Lắc não chọn câu đúng

Lớp học giới tính: Cốc nguyệt san - “người bạn lạ” trong ngày "đèn đỏ" của con gái ảnh 3

Có phải ai cũng phải nhổ răng khôn không?

a. Đúng

b. Sai

Răng khôn còn được biết đến như những chiếc răng… ngu ngốc và khó trị nhất trong “thế giới nha khoa”. Chúng mọc lúc sớm lúc trễ (từ năm 18 tuổi đến 25 tuổi), khi mọc thì đau nhức và gây cho “khổ chủ” biết bao nhiêu là rắc rối. Các rắc rối mà răng khôn đem lại có thể là mọc lệch, mọc ngầm “chen lấn” chỗ ở của các “anh chị em” cạnh bên, gây viêm nướu, sưng tấy vùng mọc răng, sâu răng… hay răng mọc lệch ra khỏi cung hàm, gây khó khăn trong quá trình vệ sinh răng miệng. Tuy nhiên, nếu khuôn hàm đủ rộng thì các bé răng khôn vẫn sẽ mọc “ngoan ngoãn” đấy, nên không phải cứ có răng khôn mọc là phải nhổ đâu. Đáp án đúng là câu b. Khi răng khôn mọc, các bạn sẽ được đi chụp X-Quang hàm để “định vị” “chỗ ở” của răng, các nha sĩ sẽ đưa ra lời khuyên nhổ hay không nhờ vào phim chụp này đấy!

Mẹo nhỏ dành cho ngày nắng to

1. Những ngày nắng gắt thì không muốn ra đường tẹo nào đúng không? Dù đã “che chắn” kỹ lưỡng như… ninja thế nhưng cơ thể thường thấy mệt mỏi, uể oải ngay cả khi đã vào trong bóng mát. Hãy cùng Hoa giữ những mẹo nhỏ bỏ túi để cơ thể luôn được “tươi mát” những ngày nắng nào!

2. Tip 1: Dùng một viên đá lạnh nhỏ chà nhẹ quanh vùng sau gáy. Bạn sẽ thấy cả cơ thể mát lạnh trông thấy luôn.

Lớp học giới tính: Cốc nguyệt san - “người bạn lạ” trong ngày "đèn đỏ" của con gái ảnh 4

3. Tip 2: Trời nắng, da tăng tiết mồ hôi và bã nhờn nên các lỗ chân lông trên da mặt dễ nở to ra. Sau khi rửa mặt sạch, lấy một viên đá lạnh chà khắp mặt rồi lau khô. Bạn có thể dùng các dung dịch khác như trà hoa cúc, trà xanh, nước xay với lá bạc hà… để vào khay làm đá rồi áp dụng tương tự, mỗi ngày hai lần sáng và tối. Cách này vừa giúp da mặt luôn thấy mát lạnh sảng khoái, vừa se nhỏ lỗ chân lông và làm sáng da lên nữa í.

4. Tip 3: Trái cây là người bạn thân thiết của mùa nóng. Luôn trữ trong tủ lạnh một ít trái cây ngọt mát như bưởi, cam, dưa hấu… để nhâm nhi quà vặt. Ăn trái cây nhiều không những giúp da dẻ dịu lại mà còn giúp đầu óc nhẹ nhàng thư giãn hơn, đầu óc không “bốc hỏa” theo Mặt Trời nhé!

5. Và quan trọng nhất, hãy uống nước đủ (2 - 3 lít/ ngày) vì trời nắng làm cơ thể dễ mất nước. Mất nước quá nhiều sẽ dẫn đến uể oải, mệt mỏi và thậm chí là say nắng, ngất xỉu khi đi nắng quá lâu í. Bạn cũng đừng nên tắm nước lạnh ngay sau khi đi nắng về. Hãy để cơ thể “nguội” lại một chút rồi hẵng tắm để cơ thể không bị “sốc” nhiệt nhé!

ÉN NÌ

Trân trọng cảm ơn CTV Trang Phương Trinh (ĐH Y của Johns Hopkins, Mỹ) đã hiệu đính cho bài viết

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm