Lớp học giới tính: Nguyệt san thỉnh thoảng lại thích chơi trốn tìm, phải làm sao đây?

Lớp học giới tính: Nguyệt san thỉnh thoảng lại thích chơi trốn tìm, phải làm sao đây?
HHT - Bình thường cứ hai tháng xuất hiện thì hai tháng tiếp theo sẽ lặn mất tăm? Có "chữ X thứ ba” lần đầu tiên nhưng chẳng thấy “tem niêm phong” đâu cả thì có bình thường không? Mọi thắc mắc sẽ được giải đáp!

Phòng mạch bác sĩ Tò Mò và Khôn Lớn

Vùng bikini của mình có một “hệ sinh thái”… hơi “trù phú” khiến mình luôn cảm thấy tự ti trong việc “diện” đồ đi hồ bơi. Giúp mình với, huhu!

Lớp học giới tính: Nguyệt san thỉnh thoảng lại thích chơi trốn tìm, phải làm sao đây? ảnh 1

“Hệ sinh thái” ở vùng bikini thường rất phát triển để những vi khuẩn tự nhiên thân thiện với “cô bé” có thể trú ngụ, đồng thời bảo vệ khu “cấm địa” an toàn khỏi mồ hôi, hóa chất tắm gội thường ngày. Tuy nhiên, “hệ sinh thái” này có thể đánh bay sự tự tin của các nàng nhà mình khi diện đồ đi bơi, đi biển. Do đó, bạn có thể “phát quang” vùng này với những cách sau:

- Tìm đến những spa chuyên wax vi-ô-lông để các chuyên gia xử lý bằng sáp wax chuyên dụng là nhẹ nhàng và an toàn nhất. Cách này vừa khiến “vùng kín” được “dọn dẹp” sạch sẽ vừa làm cho chúng mình yên tâm nữa, vi-ô-lông mọc lại cũng thưa và mềm hơn.

- Dùng kem tẩy vi-ô-lông bán ở các siêu thị hay các tiệm bán dụng cụ làm đẹp (nhớ chọn loại cho da nhạy cảm nhé!). Bạn bôi kem lên vùng vi-ô-lông muốn “xử lý”, chờ 15 - 20 phút và dùng giấy lau đi, vi-ô-lông sẽ bị cuốn đi một cách rất nhẹ nhàng. Nhưng đừng “tiến công” quá gần với vùng niêm mạc bên trong “cô bé” nha, vì sẽ gây rát lắm í. Tuy nhiên, “rừng rậm” có thể mọc lại dày và hơi cứng hơn do kem chỉ làm mềm vi-ô-lông để dễ “rơi” ra thôi chứ không “tiêu diệt tận gốc” được đâu nha. Lưu ý là bạn nên thử kem trên một vùng da nhỏ trước khi dùng để xem loại kem này có gây kích ứng cho da không nhé!

Lớp học giới tính: Nguyệt san thỉnh thoảng lại thích chơi trốn tìm, phải làm sao đây? ảnh 2

Mình năm nay 16 tuổi và đã có nguyệt san được ba năm nhưng vẫn chưa đều. Bình thường cứ hai tháng xuất hiện thì hai tháng tiếp theo sẽ lặn mất tăm. Như vậy có được coi là ổn định không và mình có cần điều trị gì không?

Khi mới xuất hiện “đèn đỏ” thì hầu hết bạn gái đều có chu kỳ không đều, vì lúc đó hoóc-môn tiết ra chưa ổn định, cơ thể teen mình còn đang trong giai đoạn “xây dựng và phát triển” mà. Trong khoảng thời gian hai năm sau đó, việc nguyệt san “lộ diện” hai lần/ tháng, hay cách tháng, rồi mỗi lần kéo dài một số ngày khác nhau, đều hoàn toàn bình thường. Khi cơ thể đi vào cuối giai đoạn dậy thì, lúc này hoóc-môn dần ổn định lại thì nguyệt san sẽ không còn “đỏng đảnh” nữa, mỗi chu kỳ có thể cách nhau từ 21 - 35 ngày.

Nếu đã đi vào giai đoạn ổn định (nguyệt san “ghé thăm” trên hai năm), ngày “đèn đỏ” đến chậm hay sớm hơn phần lớn cũng còn tùy thuộc vào cách sinh hoạt của mỗi người, ví dụ như nguyệt san sẽ đều độ với những bạn có lối sống khỏe mạnh, tập luyện thể thao và ăn uống điều độ. Những nhân tố “làm loạn” chu kì thường là đồ ăn có tính nóng như cà phê, thức ăn nhanh, ngủ không đủ giấc, đặc biệt là xì-trét.

Ngoài yếu tố chu kì thì bạn cũng cần chú ý đến màu sắc của nguyệt san và các cơn đau (nếu có) trong “ngày đèn đỏ” nữa nhé! Bạn nên gặp bác sĩ nếu nguyệt san không đều kèm theo có màu lạ hay mùi khó chịu, hoặc khiến bạn “ôm bụng nhăn trán” nha!

Lớp học giới tính: Nguyệt san thỉnh thoảng lại thích chơi trốn tìm, phải làm sao đây? ảnh 3

Lắc não chọn câu đúng

Nếu “có chữ x thứ ba” lần đầu tiên nhưng chẳng thấy “tem niêm phong” đâu cả thì có bình thường không?

a. Có

b. Không

Chọn b là sai-oành-oạch rồi nhé, vì “chuyện í” với “tem niêm phong” không nhất thiết có “họ hàng bà con” gì với nhau đâu. “Tem niêm phong” chỉ là một tấm màng vừa mỏng vừa nhỏ xíu (chưa kể là mỗi người khác nhau và không phải nàng nào cũng có nữa chứ), nên có thể vô tình bị “gỡ ấn” bởi nhiều lý do ngớ ngẩn từ va chạm mạnh (như đi xe đạp đi học), khi nhỏ bố mẹ vệ sinh vùng kín quá tay, hay thậm chí có những nàng “khổ tâm hết sức” vì có “niêm phong” dày cui khiến cho mỗi lần nguyệt san “ghé thăm”, các bạn í lại đau đớn vô cùng nên phải nhờ đến bác sĩ dùng tiểu phẫu “gỡ ấn” hộ đấy chứ! Cũng có những loại “tem” kỳ lạ đến nỗi, làm chuyện í đến lần thứ hai, ba rồi mà vẫn chưa “biến đi” hẳn. Cơ thể con người nói chung và bạn gái nói riêng là một thế giới còn nhiều nhiều bí ẩn, trong đó “niêm phong” thuộc loại… kỳ cục nhất, vì chẳng ai hiểu được cơ chế chắc chắn của chuyện “gỡ niêm” đâu.

ÉN NÌ

Trân trọng cảm ơn CTV Trang Phương Trinh (ĐH Y của Johns Hopkins, Mỹ) đã hiệu đính cho bài viết!

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm