Khi V-Pop 2019 tóm tắt bằng Jack & K-ICM
Nếu bạn phải dùng một từ khoá để nói về V-Pop 2019, ắt hẳn “Jack x K-ICM” sẽ là một trong những lựa chọn thích hợp. Bởi đây không chỉ là những cái tên đã “khuấy đảo” thị trường âm nhạc trong năm bằng hàng loạt bản hit “gây bão” Top Trending, những kỉ lục “xịn xò” mà còn là những “sóng gió” kéo dài khiến khán giả không thể nào quên. Và trong đó, ắt hẳn không thể bỏ qua drama nổ ra trong những ngày gần đây.
Dành một phút “update” nhanh cho những ai chưa kịp theo dõi biểu đổ drama đang phát triển mạnh mẽ thì sau loạt tin tức về việc công ty quản lý Jack bóc lột sức lao động, vắt kiệt sáng tạo của anh trong 1 năm qua (tổng cộng 8 bài hát ra mắt trong 2019), đã có những lời đăng đàn “không muốn liên quan” của các nghệ sĩ từng trực thuộc công ty như: My Trang (nghệ danh cũ: T-ICM), Quang Đăng (Q-ICM) và Ngọc Thuận (Kelsey-ICM) xuất hiện, tình hình càng trở nên phức tạp khi trang cá nhân của K-ICM đột ngột “đóng cửa”, website công ty “bốc hơi”, nhiều fan thậm chí còn lên tiếng đòi công bằng cho Jack bằng cách huỷ đăng ký kênh Youtube K-ICM.
Chưa dừng lại ở đó, mới đây, “bão” tiếp tục xảy đến khi một số nghệ sĩ cho rằng công ty đã ghi tên K-ICM lên một số sáng tác với tư cách tác giả mà không có sự đồng ý từ chính họ. Theo đó, trên trang cá nhân, nhạc sĩ Nguyễn Duy Khiêm nói rằng phía K-ICM và công ty đã ghi tên K-ICM ở vị trí đồng sáng tác ca khúc Anh Thương Em Đi cùng Nguyễn Trường Giang (Jang Nguyễn). Điều đó khiến nhạc sĩ không hài lòng.
Vẫn chưa biết kết quả drama này sẽ đi đâu về đâu, liệu còn cú twist nào khiến khán giả bất ngờ khi mà những câu chuyện lời qua tiếng lại vẫn chưa có hồi kết, liệu còn nhân vật nào xuất hiện để tiếp tục vén màn bí mật đằng sau ánh hào quang mà chúng ta cứ ngỡ là vô cùng đẹp đẽ? Công ty quản lý rồi sẽ đưa ra động thái nào để vừa hợp tình, hợp lý để không làm ảnh hưởng “gà nhà” hiện tại của mình? Xin các bạn hãy ngồi vững ghế và cầm chắc bắp rang của mình.
V-Pop 4.0: Vai trò của quản lý nghệ sĩ và “mê cung” của những bản hợp đồng
Nguyên nhân chính dẫn đến drama mà nhiều cư dân mạng bình luận là “xứng đáng là drama chốt sổ của V-Biz 2019”, được lý giải từ việc Jack phải làm việc đến kiệt sức trong suốt 1 năm qua, MV Hoa Vô Sắc sử dụng bản demo mà anh còn chưa hoàn tất phần lời lẫn bè. Đồng thời, Jack cũng lên tiếng ám chỉ công ty quản lý ra sức bóc lột, thu hết cát-xê, tay trắng về quê. Hơn nữa, các bản quyền về kênh Youtube, group FC Đóm (tên fandom của Jack) được thành lập khi dưới trướng công ty, những sáng tác của anh cũng phải trao trả lại cho công ty quản lý.
Tất cả động thái trên đã dẫn đến một làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ từ công chúng. Không ít người đã thẳng thắn bày tỏ sự ủng hộ cũng như muốn bảo vệ Jack. Thậm chí nhiều người còn nhân tiện nhắc đến drama nổi tiếng tương tự giữa công ty quản lý – nghệ sĩ xảy ra cách đây không lâu là: Big Machine Records và Taylor Swift. Nhiều người cho rằng việc nghệ sĩ không thể sở hữu bản quyền ghi âm gốc của ca khúc do chính mình sáng tác chính là một điều khó có thể chấp nhận. Nhất là khi những bài hát đó làm nên sự nghiệp thăng hoa của họ.
Dẫu vậy, chúng ta cần phải có góc nhìn rộng hơn rằng việc nghệ sĩ hoạt động dưới trướng công ty quản lý và buộc phải đánh đổi bằng những điều khoản hợp đồng, những quy định, những ràng buộc là không thể tránh khỏi. Công ty quản lý đưa ra các quy trình, công cụ, những hỗ trợ cần thiết, những biện pháp bảo vệ nhanh chóng để giúp nghệ sĩ có đầy đủ cơ hội và không gian sáng tạo. Đổi lại, nghệ sĩ mang đến những sản phẩm sáng tạo của mình để hoạt động. Đó là nguyên lý cơ bản của ngành công nghiệp giải trí. Việt Nam là vậy. Thế giới cũng thế.
Và khi chưa có một thời đại nào mà vai trò của quản lý trở nên quan trọng như thời đại 4.0, khi mà hào quang của nghệ sĩ trong không đơn thuần đến từ các sản phẩm, khi mà hôm nay “hồng nhan” ngày mai lại có thể dễ dàng rơi vào “sóng gió”, bất kì bước đi nào đến từ quản lý cũng cần phải có sự thận trọng.
Vì vậy, nếu nhìn vào những quyết định vội vàng, những phát ngôn phản pháo không khoan nhượng trên mạng xã hội từ công ty quản lý cũ của Jack bắt nguồn với ồn ào liên quan đến Quân A.P và liên hoàn câu chuyện “chèn ép” khác như hình ảnh K-ICM luôn nổi bật hơn Jack trên poster hoặc tên K-ICM luôn đứng trước Jack kể cả khi K-ICM chỉ đóng vai trò producer… khán giả có thể phần nào nhận ra chính cách quản lý lỏng lẻo, nghĩ quá nhiều đến lợi nhuận lẫn những lời đăng đàn tay đôi mới chính là nguyên nhân đẩy xung đột này càng đi càng xa.
Trên thực tế, ở ngành công nghiệp đang dần chuyên nghiệp hoá và vận động với xu hướng biến thiên không ngừng như âm nhạc, nghệ sĩ muốn đi thật xa và thật vững luôn cần phải có đội ngũ hỗ trợ phía sau. Bởi khi mọi nghệ sĩ trẻ nào đang dần chứng tỏ được tài năng của mình, âm nhạc không phải là “vũ khí” duy nhất mà còn phải cộng hưởng với tầm nhìn của người quản lý. Để cả khi khán giả hiểu rằng giữa nghệ sĩ – công ty quản lý luôn tồn tại những bản hợp đồng, những trách nhiệm dành cho nhau, những sức ép thì chính cái tầm và cái tầm của người quản lý là điều cốt lõi giúp mọi việc không vượt qua giới hạn kiểm soát.