Mùa Đông đến mang theo những "vị khách khó ưa", bạn đã biết cách đối phó chưa?

Mùa Đông đến mang theo những "vị khách khó ưa", bạn đã biết cách đối phó chưa?
HHT - Những ngày vào Đông thật sự, trời lạnh buốt về chiều tối, sức đề kháng của chúng mình dễ bị suy yếu lắm đấy! Đây là thời điểm có rất nhiều "vị khách" khó ưa ghé thăm!

Khô da

Mùa Đông đến luôn kéo theo không khí hanh khô, khiến cho da của chúng mình thô ráp, nứt nẻ và ngứa ngáy. Kết quả là nhiều bạn sẽ gãi liên tục, khiến da vốn đã khô sẽ càng dễ bị xước, chảy mảu, mẩn đỏ - các triệu chứng của dị ứng da khiến bạn đau đớn khó chịu.

Vì thế, hãy chăm chỉ uống nước vào mùa Đông, dù không thấy khát như mùa Hè. Ăn nhiều cam, quýt, bưởi hay uống bổ sung vitamin C cũng là cách chống khô da rất tốt đấy. Buổi tối trước khi đi ngủ, bạn cũng nhớ thoa kem dưỡng ẩm lên hai chân, hai tay, đặc biệt là bàn tay và môi là khu vực dễ bị nứt nẻ nhất đó.

Mùa Đông đến mang theo những "vị khách khó ưa", bạn đã biết cách đối phó chưa? ảnh 1

Cảm lạnh

Trời lạnh, đặc biệt là vào sáng sớm khi chúng mình đi học thì càng rét hơn, nên nhiều bạn thường mặc quần áo dày cộp tránh rét. Đến trưa, nhiệt độ tăng lên thì nhiều bạn sẽ cảm thấy nóng bức vì mặc nhiều áo hoặc áo quá dày. Thậm chí có bạn còn toát mồ hôi, nhưng mồ hôi không bay hơi được sẽ thấm ngược trở lại da, gây cảm lạnh.

Bạn nên mặc một áo cotton mỏng bên trong, một áo nỉ hoặc len và áo khoác dày bên ngoài. Như thế đi đường vẫn đủ ấm, mà khi ngồi học trong phòng cởi áo khoác ra là xong, không bị nóng chút nào. Cotton cũng vừa giữ ấm tốt, mà thấm hút mồ hôi cũng rất nhanh nữa đấy.

Mùa Đông đến mang theo những "vị khách khó ưa", bạn đã biết cách đối phó chưa? ảnh 2

Viêm mũi dị ứng

Thời tiết mùa Đông thường rét vào đêm và sáng sớm, ban ngày nhiệt độ chênh lệch khá nhiều khiến chúng mình rất dễ ốm. Khi này, bạn cực kỳ dễ mắc chứng viêm mũi dị ứng, thường bị hắt hơi, sổ mũi hay ngạt mũi, đặc biệt là vào sáng sớm khi mới ngủ dậy.

Cách xử lý tốt nhất là bạn hãy xịt hay nhỏ nước muối sinh lý vào sáng và tối trước khi đi ngủ để giữ ẩm cho mũi cũng như rửa sạch bụi bẩn. Nếu như có triệu chứng hắt hơi, sổ mũi hay ngạt mũi thì bạn nhớ uống thuốc, nên mặc đủ ấm, giữ ấm cổ, thoa dầu vào gan bàn chân để chống lạnh nhé. Tuyệt đống đừng cạy gỉ mũi nhé, vì mũi bị khô nên dễ bị chảy máu lắm đó. Bạn nên nhỏ nước muối để làm mềm gỉ mũi trước khi lấy nó ra.

Mùa Đông đến mang theo những "vị khách khó ưa", bạn đã biết cách đối phó chưa? ảnh 3

Đau mắt đỏ

Virus gây mắt đỏ thường nằm ngủ trong nhiều tháng, chờ đến dịp chuyển mùa thì thức dậy và gây bệnh đau mắt cho rất nhiều người. Bởi lúc này, sức khỏe của chúng mình suy yếu nên dễ bị virus tấn công hơn. Nếu như bạn thấy mắt mình bỗng dưng bị cộm khi chớp mắt, chảy nước mắt liên tục, khó nhìn vào chỗ sáng… thì đó chính là triệu chứng đau mắt đỏ đấy. Bệnh này sẽ kéo dài khoảng một tuần mới hết, và bạn sẽ chẳng thể nhìn rõ cái gì trong lúc này.

Để tránh bị virus đau mắt đỏ kéo đến tìm, bạn hãy tránh dụi mắt, luôn đeo kính khi ra đường, nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy. Nếu như có người thân hay bạn bè bị đau mắt đỏ, bạn hạn chế tiếp xúc, ở gần để tránh lây bệnh nhé!

MIU MIU

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm