Sau đại dịch COVID-19, số lượng chuyến bay ngày càng nhiều, nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa và đảm bảo an toàn kỹ thuật cho máy bay cũng tăng vọt. Mỗi chiếc máy bay để được phép cất cánh phải trải qua nhiều quy trình kiểm tra kỹ thuật nghiêm ngặt theo định kỳ. Công việc này không thể thiếu đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên có tay nghề cao và kiến thức chuyên sâu.
Việc bảo dưỡng máy bay không đơn giản là thay thế linh kiện hay lau chùi động cơ. Mỗi kỹ thuật viên phải hiểu tường tận cấu tạo của từng bộ phận, biết cách phát hiện và xử lý sự cố tiềm ẩn. Họ cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế trong suốt quá trình làm việc để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho chuyến bay.
Ngoài ra, ngành này còn yêu cầu người học có tư duy logic tốt, tính kỷ luật cao và đặc biệt là sự tỉ mỉ, cẩn trọng bởi chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Để được cấp phép trực tiếp bảo trì, kiểm tra và ký xác nhận cho máy bay, kỹ sư cần đạt chứng chỉ hành nghề Part-66 - tiêu chuẩn do Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) ban hành.
Tại Việt Nam, các trường đại học đào tạo ngành Hàng không vũ trụ chưa nhiều, nhưng số lượng sinh viên đăng ký theo học ngày càng tăng. Những lớp học đặc biệt này không chỉ đào tạo lý thuyết mà còn chú trọng thực hành. Sinh viên được tham gia chế tạo thiết bị bay, thiết kế vệ tinh cỡ nhỏ, phát triển công nghệ bay không người lái và tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế.
![]() |
Sinh viên được thực hành với thiết bị hiện đại. Ảnh: Facebook Đại học Bách khoa Hà Nội. |
Nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng tăng, các trường Đại học Công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Bách khoa TP.HCM và Học viện Hàng không Việt Nam đã mở ngành đào tạo Kỹ thuật hàng không. Tuy vậy, quy mô tuyển sinh vẫn còn hạn chế, mỗi khóa chỉ dao động từ 40 đến 120 sinh viên.
![]() |
Điểm chuẩn ngành Kỹ thuật Hàng không tại trường Đại học Bách khoa TP.HCM. |
Không chỉ học về kỹ thuật bay, sinh viên còn được trang bị kiến thức toàn diện về động lực học, công nghệ vật liệu, điện điều khiển và tự động hóa hệ thống. Lộ trình học tập này giúp sinh viên có nền tảng vững chắc để dễ dàng bước vào những lĩnh vực như: Thiết kế máy bay không người lái, phát triển vệ tinh, hoặc các ứng dụng trong quốc phòng và dân dụng.
Sinh viên sau khi ra trường có thể làm việc tại các viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ cao, công ty quốc phòng, startup về thiết bị bay hoặc tiếp tục du học để chuyên sâu hơn.
![]() |
Sinh viên trường Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội trong một buổi bay thử máy bay không người lái tại Hòa Lạc. Ảnh: UET-VNU |
Mức lương khởi điểm đối với sinh viên mới ra trường dao động từ 15 - 20 triệu đồng/tháng, tùy vị trí và hãng tuyển dụng. Đối với những kỹ sư có chứng chỉ quốc tế và kinh nghiệm làm việc từ 3 - 5 năm, thu nhập có thể tăng lên 40 - 60 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản phụ cấp, thưởng và cơ hội làm việc ở nước ngoài với mức lương gấp nhiều lần.
Ngành hàng không vũ trụ tại Việt Nam cho thấy tiềm năng lớn trong việc góp phần vào hệ sinh thái công nghệ cao. Nước ta đã có những bước tiến đáng kể trong việc thiết kế máy bay không người lái phục vụ nông nghiệp, giám sát môi trường, tìm kiếm cứu nạn và bước đầu tiếp cận lĩnh vực vệ tinh. Với đà phát triển này, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành đối tác cung ứng thiết bị công nghệ cao trong khu vực.
![]() |