Trong tiềm thức của khán giả nhiều thế hệ, âm nhạc Trịnh Công Sơn gắn liền với giọng ca Khánh Ly hay Hồng Nhung. Nhạc Trịnh đề cao sự tối giản, cảm xúc được ưu tiên và không cần quá nhiều sự phô diễn kĩ thuật. Do đó, khi chọn thể hiện ca khúc Tuổi Đá Buồn, Juky San không tránh khỏi lo lắng. Nhưng vượt trên cả nỗi sợ, cô muốn mang đến cho khán giả những cảm giác mới mẻ về thứ âm nhạc đã đi cùng thời gian.
Giám đốc âm nhạc Huỳnh Quang Tuấn đã thực hiện bản phối Tuổi Đá Buồn theo nhịp 6/8, xen vào hiệu ứng lo-fi. Người nghe sẽ cảm giác như đang thưởng thức ca khúc từ một chiếc băng cassette cũ. Juky San cũng được biết đến với cách hát lả lơi, pha chút Jazz trong giọng hát. Vì vậy, bản phối của ca khúc được thực hiện không cầu kỳ và đi theo hướng tối giản.
Với trải nghiệm của một ca sĩ thuộc thế hệ Gen Z, Juky San thổi vào Tuổi Đá Buồn nỗi buồn nhè nhẹ, mỏng manh nhưng đầy hoài niệm. Một nỗi buồn đẹp đẽ và lả lướt, để thấy rằng, trái tim ta khi còn biết buồn, biết nhớ, biết thương thì đó cũng là một đặc ân.
Sau khi nghe giai điệu do mình thể hiện vang lên trong bộ phim Em và Trịnh và Trịnh Công Sơn, Juky San cho biết: “San rất thích Tuổi Đá Buồn nên khi nghe anh Avin Lu hát trong khung cảnh của phim khiến mình càng thêm có nhiều cảm xúc. Nghe từng câu hát, khung cảnh được tái hiện trước mắt, những nhân vật cũng xuất hiện bằng xương bằng thịt thật sự là một trải nghiệm âm nhạc thú vị với San."
Tuổi Đá Buồn qua tiếng hát Juky San vừa giữ tinh thần mộc mạc, sâu lắng vốn có của nhạc Trịnh, vừa cho khán giả vùng đất riêng cảm thấu ca từ, giai điệu. Với dự án nhạc Trịnh lần này, Juky San cũng cho thấy sự trưởng thành hơn trong âm nhạc sau những sản phẩm cá nhân vui tươi, trẻ trung như Phải Chăng Em Đã Yêu, Bởi Vì Yêu, Khóc Cười...