Người Sài Gòn cần nhớ để không mất xe: Xe trong nhà, trong bãi cũng "hô biến"

Người Sài Gòn cần nhớ để không mất xe: Xe trong nhà, trong bãi cũng "hô biến"
HHT - "Con mồi" của các đối tượng trộm cắp không chỉ là xe máy dựng sơ hở ở lòng lề đường, quán xá,… mà còn là xe dựng trong nhà, thậm chí là bãi giữ xe có bảo vệ.
Người Sài Gòn cần nhớ để không mất xe: Xe trong nhà, trong bãi cũng "hô biến" ảnh 1

Chỉ cần một phút lơ là, người trông giữ bãi xe đã có thể rơi vào “bẫy” của bọn trộm cắp xe máy. Ảnh: HOÀI NHÂN

Theo anh Đ.Q.L (Đội trưởng một đội săn bắt cướp ở TP.HCM), những tên trộm xe có hai cách thức “hành nghề”, bao gồm lợi dụng các “con mồi” không người trông giữ hoặc theo dõi “con mồi” từ trước. Theo đó, tất cả các xe máy chỉ cần có yếu tố sơ hở đều có thể lọt vào “tầm ngắm” của chúng, bất kể trong bãi giữ xe hay trong nhà.

“Vẫn tầm 3 tên trở lên, khi muốn nhập nha (tiếng lóng chỉ hành vi đột nhập nhà để trộm tài sản), chúng đều phải rảo nhiều lần để quan sát. Cách “làm ăn” này tương đối nguy hiểm hơn với chúng, buộc chúng phải quan sát rất kĩ và lâu. Sẽ có một tên đột nhập nhà bẻ khóa xe và ít nhất hai tên bên ngoài cảnh giới, sẵn sàng hỗ trợ tẩu thoát. Chúng sẽ ưu tiên các căn nhà dựng xe phía trước và không khóa cổng, cửa”, anh L. nói.

Người Sài Gòn cần nhớ để không mất xe: Xe trong nhà, trong bãi cũng "hô biến" ảnh 2

Các khu nhà trọ trong hẻm chật hẹp, xe đậu tràn ra ngoài rất dễ lọt vào “tầm ngắm” của bọn trộm xe máy. Ảnh: HOÀI NHÂN

Anh L. cho biết, thông thường, chủ xe khi đã vào nhà sẽ không có các biện pháp bảo vệ vì nghĩ đã an toàn. Trong khi chỉ cần trên dưới 3 giây, trộm đã có thể mở khóa một chiếc xe hớ hênh bằng đoản (hay còn gọi là khóa lục giác). Ấy là chưa kể các trường hợp chúng theo dõi “con mồi” trong một khoảng thời gian nhất định, thậm chí nhiều ngày. Khi phát hiện chủ nhà đi vắng, chúng lập tức ra tay.

Anh L. chia sẻ, “tầm ngắm” của trộm bao gồm nhà để cổng mở, nhà trọ công nhân, sinh viên với diện tích hẹp không thể đưa xe vào nhà, hoặc cửa nẻo không đảm bảo an toàn. Với các trường hợp táo tợn hơn, chúng có thể cắt khóa cửa và đột nhập vào nhà, nhưng với các đối tượng chỉ chuyên trộm xe máy chứ không phải đồ vật khác, hành động này không phổ biến.

“Với các trường hợp nhập nha, để đề phòng, chủ xe phải cẩn thận khóa cổng, cửa kĩ càng, không để xe trong tầm mắt người bên ngoài. Chắc hơn cứ khóa xe như ngoài đường, bỏ chút công nhưng đảm bảo an toàn. Nếu có điều kiện, nên lắp thêm camera an ninh, vì bọn trộm xe thường không đủ trình độ và thời gian để vô hiệu hóa các thiết bị này”, anh L. cho biết.

Hiện nay, nhiều khi người dân gửi xe trong bãi giữ xe vẫn mất. Từ các camera an ninh, có thể thấy rất nhiều trường hợp bảo vệ bị chúng dàn cảnh và thu hút sự chú ý. Xe trong bãi không hề có khóa an toàn nào, nên trộm “hành động” càng nhanh.

Người Sài Gòn cần nhớ để không mất xe: Xe trong nhà, trong bãi cũng "hô biến" ảnh 3

Tang vật thu giữ được trong một vụ trộm xe máy. Ảnh: CTV

Ông Huỳnh Văn Hồng (41 tuổi, ngụ Q.9), một nạn nhân, cho biết: “Tôi làm bảo vệ cho quán cà phê. Bữa đó còn sớm, chỉ tầm 5 giờ chiều, có một người thanh niên ăn mặc lịch sự tấp xe máy vào có ý hỏi đường. Vì không nghe rõ nên tôi bước ra phía ngoài. Hắn ta hỏi một địa chỉ rất xa và khó hướng dẫn, chưa đến 1 phút thì rời đi. Khi quay vào tôi vẫn không biết một chiếc xe vừa bị trộm, cho đến khi khách tìm xe”.

Không an toàn nhất là các bãi giữ xe cho hàng quán nằm sát lòng lề đường, không có dây giăng hoặc rào chắn. Chỉ cần một tên dừng lại hỏi đường hoặc dàn cảnh tập trung sự chú ý của bảo vệ, một chiếc xe trong bãi đã có thể “không cánh mà bay”. Những người trông giữ xe nên cực kỳ cảnh giác điều này.

Người Sài Gòn cần nhớ để không mất xe: Xe trong nhà, trong bãi cũng "hô biến" ảnh 4

Một đối tượng trộm xe SH đang bẻ khóa bị camera an ninh ghi lại.

“Xe sau khi lấy được, chúng sẽ lập tức thay biển số giả, sau đó dùng chính xe đó tiếp tục đi “đá xế” (tiếng lóng chỉ hành vi trộm cắp xe máy đậu sơ hở) khác. Nếu có đủ thời gian, chúng còn có cả đường dây ngầm thay luôn giàn áo xe và bán đi. Chỉ cần trộn lẫn vài chiếc như vậy, cả màu xe lẫn biển số đều đã thay đổi, không cách gì nhận diện. Vì vậy, rất khó khăn để lực lượng chức năng có thể kịp thời điều tra, nên đừng mất bò mới lo làm chuồng, phòng vẫn hơn chống”, anh L. cảnh báo.

Anh cho biết, cách để nhận diện những tên trộm xe máy là quan sát ngoại hình và hành vi của chúng. Chúng thường có hai loại trang phục: Một là bịt kín kẽ từ đầu đến chân để tránh bị nhận dạng, hai là đồ đóng thùng rất lịch sự để phân tán sự chú ý, cùng với việc đi giày để dễ dàng di chuyển. Chúng thường nhòm ngó xung quanh một cách rất bất thường. Khi phát hiện các dấu hiệu trên, phải thật chú ý đến tài sản.

Một dấu hiệu nữa để nhận diện xe bị trộm, đó là xe chạy với tốc độ rất nhanh. Tại khu vực cắm chìa khóa sẽ có một chiếc áo khoác hoặc vật gì đó nằm bất thường nhằm mục đích che đi ổ khóa đã bị phá.

Người Sài Gòn cần nhớ để không mất xe: Xe trong nhà, trong bãi cũng "hô biến" ảnh 5

Hàng loạt biển số giả của những tên trộm cắp xe máy bị lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh: LÂM VIÊN

“Trong trường hợp bắt quả tang được trộm, một trong những điều phải làm đầu tiên là tri hô để thu hút sự chú ý của mọi người. Đừng vội vàng lao ra ngăn cản vì hiện nay bọn chúng rất manh động, sẵn sàng chống trả bằng hung khí khi bị phát hiện, trong khi an toàn bản thân vẫn là trên hết. Nếu chúng lấy được xe tẩu thoát, phải báo ngay cho lực lượng chức năng hoặc đường dây nóng các đội hiệp sĩ để được hỗ trợ, đừng để quá lâu”, anh L. cho biết.

Theo thanhnien.com.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm