Nhà trường phản hồi về đề thi Văn bàn về "lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay"

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn trường THPT Mạc Đĩnh Chi khẳng định nội dung đề Văn phù hợp với chương trình Ngữ văn lớp 10. Đây là bài kiểm tra định kỳ thực hiện theo từng lớp, giáo viên bộ môn là người ra đề, dưới sự thống nhất của tổ chuyên môn.

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền đề kiểm tra môn Ngữ văn giữa Học kỳ I lớp 10A25 của trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM), thời lượng làm bài là 45 phút với nội dung tuy ngắn gọn nhưng lại gây xôn xao: “Hãy viết bài văn nghị luận bàn về Lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay”.

Một số giáo viên cho rằng đề thi chưa tường minh, dễ khiến học sinh hiểu sai dẫn đến không làm được bài. Nhiều ý kiến cho rằng "phông bạt" là từ lóng nên người ra đề cần có phần gợi dẫn về lối sống "phông bạt" trước khi đi sâu vào bàn luận hoặc chú giải cho học sinh rõ nghĩa của từ này.

Nhà trường phản hồi về đề thi Văn bàn về "lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay" ảnh 1

Đề kiểm tra môn Ngữ văn giữa học kỳ I lớp 10A25 của trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM)

Trả lời Hoa Học Trò Online, cô Trần Thị Bích Châu, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn trường THPT Mạc Đĩnh Chi, khẳng định đề thi thực hiện theo từng lớp, giáo viên bộ môn là người ra đề và tổ chuyên môn thống nhất nội dung.

Giải thích thêm về đề thi, cô Châu cho biết đề bài yêu cầu nghị luận bàn về một vấn đề. Đây là kiểu bài dùng lý lẽ và dẫn chứng để bàn luận và làm sáng tỏ một vấn đề xã hội chứ không phải dùng ngữ liệu.

Việc đề thi kể trên chỉ làm trong thời lượng làm bài 45 phút, nhiều người cho rằng sẽ quá sức với học sinh, cô Châu lý giải các bạn đã được hướng dẫn trước trong quá trình ôn tập.

Theo đó, trước khi kiểm tra, học sinh đã được giáo viên hướng dẫn nhận biết yêu cầu của kiểu bài nghị luận xã hội về một vấn đề xã hội. Các bạn cũng đã được học cách vận dụng các thao tác lập luận trong bài viết sao cho phù hợp với thời gian yêu cầu. Bên cạnh đó, học sinh còn được học cách diễn đạt ngắn gọn, trình bày rõ ràng, có lý lẽ và dẫn chứng phù hợp.

Cô Châu thông tin thêm, trước khi thực hiện bài kiểm tra, giáo viên đã hướng dẫn học sinh nêu ý nghĩa thực tiễn các vấn đề xã hội mà các em được định hướng lựa chọn, trong đó có nội dung về lối sống "phông bạt". Trong tiết học viết, học sinh đã được thực hành các kỹ năng viết, trình bày vấn đề xã hội đã lựa chọn. Trong tiết học nói - nghe, học sinh trình bày theo nhóm về các vấn đề xã hội, giáo viên lắng nghe và nhận xét.

"Các tiết học trên giúp học sinh nhận thức đúng vấn đề xã hội, thể hiện được nhận thức, lập trường của người viết trước các biểu hiện đúng sai và có cái nhìn khách quan, hướng tới những điều tốt đẹp", cô Châu đánh giá.

"Phông bạt" hay "làm màu" là từ lóng chỉ hiện tượng, hành vi gần đây của một số ít người muốn đánh bóng tên tuổi, xây dựng hình ảnh hào nhoáng bên ngoài hoàn toàn khác thực tế, che đậy thực tế vì mục đích cá nhân.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Tuyển sinh ĐH 2025: Dự kiến không hạn chế phương thức xét tuyển, đề xuất bỏ tổ hợp lạ

Tuyển sinh ĐH 2025: Dự kiến không hạn chế phương thức xét tuyển, đề xuất bỏ tổ hợp lạ

HHT - Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh năm 2025. Theo dự thảo này, sẽ không hạn chế bất kỳ phương thức xét tuyển nào của các trường. Trong khi đó, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam kiến nghị loại bỏ các tổ hợp lạ trong tuyển sinh.