Những "gia vị" bị mất nào khiến Glee Việt Nam đang phải nhận "gạch đá tơi tả"

Những "gia vị" bị mất nào khiến Glee Việt Nam đang phải nhận "gạch đá tơi tả"
HHT - Dù có dàn cast “hót hòn họt” nhưng Glee Việt Nam vẫn đang phải nhận “gạch đá” tơi tả, thậm chí nhiều lời thoại “thiếu muối” còn được đưa ra làm meme tràn lan trên mạng xã hội. Glee Việt Nam đã bỏ quên mảnh ghép nào từ phim gốc?

Hương vị tương phản từ hai phiên bản Glee

Đạt gần 2 triệu lượt xem khi “ra lò” tập đầu tiên, khán giả Glee Việt Nam (Glee VN) dần “xuống ngựa giữa đường”. Bằng chứng là không chỉ lượt coi giảm mạnh qua từng tập, mà tập 8 còn “chạm thung lũng” khi lượt coi chỉ còn vỏn vẹn… hơn 200.000.

Những "gia vị" bị mất nào khiến Glee Việt Nam đang phải nhận "gạch đá tơi tả" ảnh 1

Một trong những lý do fan ruột của Glee US không “thả tim” cho phiên bản Việt hóa chính là do tinh thần của “đứa con sinh sau đẻ muộn” khác xa so với bản gốc. Nếu như William McKinley High là một ngôi trường cấp Ba nghèo khó ở Lima, Ohio, nơi mà tất cả mọi người đều khó khăn về tài chính và nhiều học sinh còn mù chữ vì mải mê tập luyện thể thao để giành học bổng thì Glee VN lại xây dựng một ngôi trường eo hẹp ngân sách không đúng nghĩa.

Phiên bản “huyền thoại” đã bấm máy tại trường cấp Ba Rodriguez CabrilloHelen Bernstein tại California. Những bối cảnh này hiện lên có phần… xập xệ vì phòng tập bé tẹo teo với ghế nhựa sắp lộn xộn, hành lang hẹp đông đúc người chen lấn, phòng thay đồ luôn mờ trong khói phòng tắm không vách ngăn và phải ngồi trên những thanh ghế dài sạt dưới đất. Học sinh đã gặp rắc rối về những vấn đề tuổi dậy thì như tình cảm bắt chéo, “ba lô đeo ngược”, bị coi thường và bắt nạt, màu da và sắc tộc,… thì lại càng khổ hơn vì phải chôn chân trong một ngôi trường bần túng!

Những "gia vị" bị mất nào khiến Glee Việt Nam đang phải nhận "gạch đá tơi tả" ảnh 2

Thế nhưng, bức tranh rất thật về cuộc đời này lại bị biến chất khi Glee VN “hồng hóa” địa điểm quay, phục trang, lời thoại,… Phim trường Long Island Quận 9 từng được dùng để quay The Face, hay trường học được dát đá sang trọng toàn bộ, rồi sân khấu biểu diễn đáng lý phải mang tính chất “nhạc kịch tỉnh lẻ” thì lại hoành tráng với dàn âm thanh ánh sáng kiêm luôn màn hình chiếu khổng lồ đằng sau. Tất cả những shotlist thiếu tinh tế đó đã khiến câu chuyện về ngôi trường nghèo khó trở nên vô lý và khó chấp nhận.

Và nếu để ý hơn, bạn sẽ nhận ra Glee phiên bản “mẹ đẻ” có cách blend màu rất tối, hệ thống phục trang cũng rất sát với cách ăn mặc của những gia đình trung - hạ lưu về tài chính. Điển hình là Finn với set đồ trung thành là quần jeans cùng áo thun trơn hoặc sơ mi ca rô. Vậy nên cách blend màu tươi sáng hơi hướm minimalism cộng thêm việc diễn viên sắm sửa như đi… thảm đỏ làm người xem thấy ngứa mắt mà không hiểu tại sao!

Đến cả căn nhà của Finn từ một căn gác xập xệ thiếu bóng dáng người cha quá cố từ chiến tranh đã bị biến thành biệt thự và giàu có trong phiên bản Việt. Hay mở đầu phim với chiếc xe “mười đời” của thầy Will và ống bô xả khói đã chạm đất lại được “Việt hóa” thành một chiếc tay ga xịn đét của thầy Hoàng Minh. Đối tượng “xem đài” Glee VN chủ yếu là học sinh, vậy nên việc xây dựng mọi thứ thật “cầu vồng” đã khiến người trẻ “ảo tưởng” về cuộc sống thật và tủi thân về hiện tại. Trong khi đó phiên bản gốc lại có một điểm cộng khi chạm tới trái tim của giới trẻ, khai thác được cảm giác bế tắc một cách rất chân thật!

Những "gia vị" bị mất nào khiến Glee Việt Nam đang phải nhận "gạch đá tơi tả" ảnh 3

Đi tìm “hũ muối” mang tên “bản địa hóa”

Khi một tiệm ăn Tây du nhập vào đất Việt, việc đầu tiên cần làm là điều chỉnh công thức để phù hợp với khẩu vị người Việt. Tương tự, yếu tố “bản địa hóa” là không thể thiếu cho điện ảnh, đặc biệt là những phim re-make.

Các lời thoại như I will destroy you, What you’re saying is considered mean hay You think this is hard? Try being waterboarded, that’s hard lần lượt được dịch ra trong phiên bản Việt là Tôi sẽ phá hủy anh, Những gì anh đang nói được cho là xấu tính hay Các em hãy đứng lên như những mái chèo, không cô sẽ phạt các em đó làm người nghe cảm giác gượng gạo. Cách nói chuyện của người Việt hoàn toàn khác vì yếu tố khẩu ngữ cao. Không chêm thêm lời ăn tiếng nói thường ngày vào khiến người xem cứ có cảm giác “Google translate hân hạnh tài trợ chương trình này”.

Các chi tiết cũng làm khán giả “chìm” cảm xúc khi không được bản địa hóa hợp lý. Nếu điểm cộng của Glee VN là đã Việt hóa môn bóng bầu dục thành bóng rổ, thì lại là một điểm trừ to lớn với chi tiết Gia Khánh ghi điểm quyết định tại trận đấu. Kurt đã nhịp chân theo giai điệu của Beyoncé để sút trái bóng, còn Gia Khánh lại kéo cả “binh đoàn” bóng rổ đứng nhảy trên sân bóng rổ làm nhịp phim trở nên… kì quặc.

Những "gia vị" bị mất nào khiến Glee Việt Nam đang phải nhận "gạch đá tơi tả" ảnh 4

Người xem càng lạc lối hơn khi bắt gặp những chi tiết… ở hành tinh khác Thu nhập trung bình của một giáo viên tại Mỹ là 56 ngàn đôla/ năm. Thu nhập của một người dọn dẹp chuyên nghiệp là 10 đôla/ tiếng, tức nếu làm việc 8 giờ một ngày sẽ thu về 30 ngàn đôla một năm. Vậy nên, nếu liếc mắt qua trang realtor.com và thấy rằng có vô số căn nhà hai buồng ngủ sân vườn xinh đẹp tại Lima, Ohio chỉ rao bán với giá 50 ngàn đôla thì bạn sẽ thấy việc thầy Will đi làm dọn dẹp để kiếm thêm tiền mua nhà là điều hoàn toàn hợp lý. Nhưng nếu ngữ cảnh đó áp vào Việt Nam thì câu chuyện trở nên… quá bất hợp lý với trường hợp thầy Hoàng Minh đi dọn vệ sinh ở trường để có thêm tiền mua nhà.

Hương liệu đặc biệt từ câu chuyện có thật

Để biết được quá trình casting của dàn sao Glee không quá khó khi chúng ta đã có YouTube! Trước khi lên sóng với tư cách là diễn viên Glee, hầu hết dàn cast đều “vô danh tiểu tốt”.

Ví như nhân vật Rachel Berry đã được đạo diễn/ biên kịch Ryan Murphy “thêm mắm dặm muối” sau khi Lea Michelle casting. Lea bước vào phòng tự tin, hát On My Own xúc động và hách dịch một cách tội nghiệp quát đạo diễn rằng Tại sao ông lại cười sau khi tôi hát? rồi bỏ đi. Điều này khiến các nhà làm phim quá thích thú và đã tái hiện tất cả các màn casting thật của diễn viên vào tập 1. Những bài hát và cử chỉ khi đi casting chính là những cử chỉ và bài hát các bạn thấy ở Glee tập 1 luôn đấy, như cái hất tóc huyền thoại của Kurt, hay cú giật người hú hồn của Tina.

Những "gia vị" bị mất nào khiến Glee Việt Nam đang phải nhận "gạch đá tơi tả" ảnh 5

Đặc biệt hơn, các nhà làm phim Mỹ đề cao câu chuyện khi đi casting. Vai diễn ăn tiền về “chàng đồng tính bé nhỏ” Kurt Hummel thực ra lúc đầu không hề nằm trong kịch bản. Nhưng khi gặp Chris Colfer, ê-kíp đã quá xúc động và quyết định viết thêm vai Kurt. Chính vì vậy mà tất cả các diễn viên đều kể câu chuyện thật của mình với sự trợ giúp “thêm mắm dặm muối” của biên kịch.

Đây cũng chính là “nguyên liệu thiếu hụt” của Glee VN với dàn sao quá quen thuộc, thậm chí đã rất nổi tiếng với khán giả. Thiếu kết nối với nhân vật khiến diễn xuất của một số diễn viên có vị… nước ốc!

Công thức nào để cứu lấy phần sau bộ phim?

Các bạn có nhận ra công thức chung thành công của một bộ phim “Việt hóa”?

Em là bà nội của anh đốt cháy phòng vé vì văn hóa Hàn Quốc khá giống với Việt Nam. Hay một bộ phim hoàn toàn mới có màu chick flick Âu Mỹ như Em chưa 18 cũng tung hoành ngang dọc dù không phải là phim re-make vì dàn sao mới toanh, đưa lại hương vị mới cho khán giả. Việc phá bỏ định kiến như phim hài thành công cần có Hoài Linh, Việt Hương, Trấn Thành, hay phim tình cảm thì muốn ăn view cần những cái tên khổng lồ như Tăng Thanh Hà, Ngô Thanh Vân là một bài học cho các nhà làm phim. Bởi vì, câu chuyện của diễn viên đem lại, đó mới là chìa khóa lấy cảm xúc.

Những "gia vị" bị mất nào khiến Glee Việt Nam đang phải nhận "gạch đá tơi tả" ảnh 6

Bên cạnh đó, cần giữ lại được tinh thần, thông điệp của phiên bản gốc. Những thành viên Glee, kể cả trưởng đội cổ vũ, hay tiền vệ bóng rổ, cũng đều sợ (và đã từng) bị tẩy chay trong môi trường cấp Ba khắc nghiệt. Đó cũng là lý do mà một cô bé vô danh (Rachel) khao khát được chú ý và yêu thương đến mức phải bật lên câu being a part of something special makes you special (là một phần của điều gì đó đặc biệt, đã khiến bạn đặc biệt rồi). Câu thoại này trong tập 1 là một trong những quote nổi tiếng nhất của Glee, nhưng bản Việt đã “đánh mất”.

NHO KHOA

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm